Minh bạch giá điện, than, xăng dầu là đòi hỏi tất yếu
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

So với điện và xăng dầu, có lẽ than là mặt hàng năng lượng ít điều tiếng hơn cả. Song, vì là đầu vào quan trọng của ngành điện, nên việc điều chỉnh tăng giá than cho điện những lần gần đây cũng được công luận đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, trước những thắc mắc của người dân, câu trả lời của ngành sau mỗi lần điều chỉnh giá là sự im lặng. Và chính sự im lặng, thiếu thông tin này càng làm tăng những khó khăn và thiếu sự chia sẻ của cộng đồng đối với ngành than.

Cùng với than, tình trạng thiếu minh bạch quanh câu chuyện giá điện luôn là đề tài nóng hổi. Mặc dù Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) công khai đủ 4 yếu tố cấu thành giá của mỗi kWh điện, bao gồm: giá nguồn phát (mua từ các nhà máy điện trong nước và nhập khẩu điện từ nước ngoài về) cộng với phí truyền tải, phân phối và dịch vụ khác… và đã được kiểm toán bởi Công ty kiểm toán quốc tế Deloi, dưới dự kiểm tra, giám sát trực tiếp của cơ quan chủ quản là Bộ Công thương. Tuy nhiên, Bộ Công thương đã từ chối trả lời tại họp báo đầu tháng 8 vừa qua, ngay cả khi tại phiên họp thường kỳ tháng 7.2013, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam chỉ đạo EVN phải có kế hoạch tuyên truyền để giải thích, lấy ý kiến phản hồi của cộng đồng để có điều chỉnh cần thiết về biện pháp cụ thể khi tăng giá điện. Bởi lẽ, chính sách của Nhà nước nếu được tuyên truyền giải thích đầy đủ sẽ có được sự đồng tình của nhân dân. Sự im lặng của Bộ Công thương như vậy có hợp lý không khi mà đã có yêu cầu phải giải thích rõ để dân hiểu quyết định điều chỉnh giá điện trước khi tăng giá 2 ngày và trước khi Bộ họp báo 5 ngày.

Ngoài giá than và điện, người tiêu dùng cũng băn khoăn với giá xăng dầu khi mà các báo cáo tài chính của một số doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu và kinh doanh xăng dầu công bố lợi nhuận khá cao trong quý II.2013. Tuy nhiên, trong suốt 3 tháng (4,5,6) của quý này chỉ có 2 lần điều chỉnh giảm giá (trong tháng 4) với mức giảm bình quân chỉ từ 100 đồng đến 300 đồng/lít, còn điều chỉnh tăng trở lại là 2 lần (trong tháng 6), với mức tăng trung bình từ 200 đồng đến hơn 400 đồng/lít. Nhiều câu hỏi đặt ra là tại sao với mức tăng – giảm như trên, và trong khi doanh thu của hầu hết các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu chủ yếu là từ các hoạt động kinh doanh xăng dầu, nhưng lợi nhuận lại không đến từ kinh doanh nội địa, và minh bạch trong cả cách tính giá cũng như phương cách điều hành giá là yêu cầu bức thiết đối với mặt hàng này? Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, cần xem xét lại cách tính giá bán xăng dầu vì liên quan đến giá điện, cũng như đang có nhiều hạn chế trong cách xác định, điều chỉnh giá.

Xã hội với những thông tin đa chiều, thì để có được sự chia sẻ, đồng thuận từ người tiêu dùng, có lẽ điều kiện trước tiên và sau cùng vẫn chính là ở sự công khai, minh bạch giá của các mặt hàng này. Chỉ có những con số thể hiện đúng bản chất thông tin về giá điện, than hay xăng dầu… mới đem lại niềm tin, hiệu quả và là đòi hỏi tất yếu – nếu thực sự chúng ta muốn tiến đến giá thị trường của các mặt hàng này.

Nguyên Long
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân