Minh bạch hóa hoạt động quản lý và khai thác khoáng sản
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng về khoáng sản khoảng 60 loại, với trữ lượng rất lớn như bauxit, titan, đất hiếm… Đóng góp của ngành công nghiệp khai thác khoáng sản cho phát triển kinh tế đất nước ngày càng tăng. Tuy nhiên, bên cạnh những tiềm năng, cũng như những đóng góp đó, ngành khai khoáng đã và đang bộc lộ nhiều bất cập và thiếu bền vững. Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép diễn ra khá phổ biến ở nhiều địa phương; nhiều doanh nghiệp chưa đầu tư công nghệ cao vào khai thác, đặc biệt là chế biến sâu dẫn đến khoáng sản bị thất thoát, lãng phí rất lớn. Điều đáng nói, mặc dù hệ thống pháp luật về quản lý và khai thác khoáng sản tương đối đầy đủ, tuy nhiên do vẫn còn khoảng cách lớn giữa quy định luật pháp và thực tế và do cơ chế kiểm tra, giám sát chưa chặt chẽ dẫn đến nguồn lợi thu được từ khai thác tài nguyên khoáng sản đôi khi chỉ rơi vào một số nhóm lợi ích thay vì cho cả một cộng đồng. Bên cạnh đó, hoạt động khai thác khoáng sản cũng đang để lại những ảnh hưởng tiêu cực, khó khắc phục về môi trường và xã hội.

Trước thực tế đó, tại Hội thảo Giới thiệu Sáng kiến Minh bạch ngành công nghiệp khai khoáng (EITI) do Viện Tư vấn phát triển, Trung tâm Con người và Thiên nhiên tổ chức mới đây tại Hà Nội nhiều ý kiến cho rằng, EITI là một giải pháp để khắc phục những hạn chế trong hoạt động quản lý và khai thác khoáng sản ở nước ta hiện nay.

Theo Phó trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn: tham gia EITI sẽ thu được nhiều lợi ích, cụ thể là: tăng nguồn thu cho ngân sách, giảm thiểu thất thoát tài chính từ hoạt động khai thác dầu khí, khoáng sản; tạo dựng lòng tin của dân chúng đối với quản lý và điều hành của Chính phủ – giảm thiểu xung đột giữa các bên liên quan; tạo dựng lòng tin đối với các nhà đầu tư, từ đó thu hút thêm vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực khai thác khoáng sản; tăng chỉ số tín nhiệm quốc gia về minh bạch; phòng và chống tham nhũng hiệu quả hơn… Ông Tuấn cũng cho biết thêm: kết quả thăm dò 21 doanh nghiệp khi được hỏi có nên tham gia EITI hay không, thì điều đáng mừng là hầu hết trả lời rằng Việt Nam nên cân nhắc để tham gia EITI.

Theo ông Erry Riyana Hardjapamesak – Thành viên Hội đồng Ủy ban EITI quốc tế: kinh nghiệm từ Indonesia cho thấy, việc tham gia EITI đã giúp cải thiện việc quản lý nguồn thu dầu khí, than và khoáng sản. Cụ thể, nếu như trước khi tham gia EITI, công chúng không hiểu rõ quy trình quy đổi thành tiền số lượng dầu khí mà các nhà sản xuất nộp cho Nhà nước thì EITI đã bắt đầu cải thiện sự hiểu biết của công chúng về quy trình này và xây dựng cấp độ tín nhiệm lớn hơn. Bên cạnh đó, nếu như trước khi tham gia EITI, Indonesia có khoảng 12.000 giấy phép đã được cấp cho khai thác khoáng sản, trong đó chỉ có 4.500 số giấy phép được cho là “rõ ràng và trong sạch” thì khi EITI được thực hiện bắt đầu ở 18 khu mỏ lớn, EITI giúp làm sáng tỏ hơn việc cấp giấy phép ở cấp huyện, đồng thời cải thiện hơn cách quản lý.

Giám đốc Công ty TNHH Vàng Phước Sơn Lê Minh Kha cho biết: mặc dù doanh nghiệp mới hoạt động được hơn 1 năm, đã đóng các loại thuế, phí rất đầy đủ, nhưng không biết chính quyền sử dụng khoản phí này như thế nào. Chẳng hạn như phí bảo vệ môi trường, doanh nghiệp đóng đầy đủ, nhưng khi môi trường ô nhiễm thì doanh nghiệp bị coi là nguyên nhân trong khi chính quyền địa phương đã sử dụng khoản phí doanh nghiệp đóng để khắc phục môi trường ra sao thì không ai biết. Vì vậy nên nghiên cứu và cân nhắc tham gia EITI cũng là một giải pháp cùng doanh nghiệp chia sẻ khó khăn.

Ủng hộ việc áp dụng EITI tại Việt Nam, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết: “một trong những nguyên nhân dẫn đến những hạn chế và yếu kém trong công tác quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường đó là sự thiếu minh bạch. EITI là một sáng kiến khắc phục hiệu quả nguyên nhân này”.

Đồng quan điểm này, Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế – Bộ Công thương Trịnh Đình Thắng cho rằng: “Việt Nam nên tham gia EITI. EITI là tiêu chuẩn tối thiểu về minh bạch trong khai khoáng”. Còn Phó trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn thì nhấn mạnh: “Tham gia EITI để chứng tỏ Việt Nam là một nước minh bạch. Minh bạch có lợi cho cả xã hội, Nhà nước và doanh nghiệp. Minh bạch sẽ giúp phân bổ nguồn lực tốt nhất, và giúp chống tham nhũng”.

Lợi ích là vậy, song không ít đại biểu cho rằng, không phải dễ dàng khi thực hiện EITI ở Việt Nam. Việc áp dụng EITI có thể sẽ gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện từ hệ thống pháp lý, chính trị, tài chính đến nguồn nhân lực… và cần có những giải pháp cụ thể và khả thi để vượt qua những rào cản đó. Hoặc ví dụ như quy định về bí mật thông tin ở một số ngành, đặc biệt như ngành dầu khí.

Những lo ngại trên không phải không có cơ sở. Tuy nhiên theo ông Đậu Anh Tuấn, EITI cũng có cơ chế để hóa giải. Việt Nam có thể cam kết tham gia một phần như khoáng sản chẳng hạn mà không bắt buộc tham gia phần dầu khí. Điều này đã loại trừ những lo ngại về bí mật thông tin ngành. Bên cạnh đó, báo cáo khuyến nghị phạm vi thực thi EITI trong giai đoạn đầu chỉ nên tập trung vào các doanh nghiệp lớn (bao gồm các doanh nghiệp nhà nước, tư nhân và có vốn đầu tư nước ngoài) trong các lĩnh vực như dầu khí, than và titan. Phạm vi thực hiện EITI sẽ được mở rộng đối với các doanh nghiệp nhỏ hơn và các loại khoáng sản khác trong các giai đoạn tiếp theo khi Việt Nam thực sự có đủ năng lực và kinh nghiệm trong việc thực thi EITI.

Với những lo ngại về việc thiếu vốn, thiếu nhân lực, đặc biệt trong hoàn cảnh cắt giảm thủ tục hành chính và chi tiêu công như hiện nay, các chuyên gia cho rằng, với kinh nghiệm từ các nước đang thực thi EITI trên thế giới cho thấy những hạn chế về tài chính và con người không phải là những trở ngại lớn bởi cơ chế hoạt động của EITI là kiêm nhiệm và mỗi năm chỉ phải thực hiện báo cáo 1 lần. Hơn nữa, để giải quyết khó khăn về nhân lực và tài chính trong giai đoạn đầu, Việt Nam có thể kêu gọi hỗ trợ tài chính từ Quỹ Ủy thác EITI đang được quản lý bởi Ngân hàng Thế giới cũng như hỗ trợ về kỹ thuật từ Ban EITI quốc tế và các tổ chức liên quan khác.

Cùng với 2 sáng kiến trước đó mà Việt Nam đã tham gia là Sáng kiến Minh bạch trong ngành Xây dựng (COST) và Sáng kiến Minh bạch và nhất quán trong kinh doanh (ITBI), EITI là sáng kiến thứ ba sẽ đặt dấu mốc trong tiến trình minh bạch hóa trong hoạt động quản lý nền kinh tế Việt Nam.

 Sáng kiến minh bạch EITI được khởi xướng từ năm 2002 bởi cựu Thủ tướng Anh Tony Blair tại Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về phát triển bền vững Johannesburg, Nam Phi.

EITI là sáng kiến về liên minh tự nguyện giữa các Chính phủ, các công ty, các tổ chức xã hội và các tổ chức quốc tế nhằm nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong ngành khai thác khoáng sản. Đây là một tiêu chuẩn toàn cầu về minh bạch nguồn thu từ lĩnh vực khoáng sản bao gồm hai cơ chế chủ yếu: (1) yêu cầu các công ty khai khoáng công khai các khoản chi cho Chính phủ và ngược lại yêu cầu Chính phủ công khai nguồn thu mà Chính phủ nhận được từ các công ty khai khoáng; (2) EITI yêu cầu việc thành lập một cơ quan độc lập để đối chiếu các số liệu thu được, cơ quan này được quản lý và giám sát bởi một Ủy ban hỗn hợp.

Tính đến tháng 3.2011, đã có 35 quốc gia trên thế giới tham gia thực hiện EITI. Sáng kiến này cũng nhận được sự ủng hộ rộng rãi của hơn 50 công ty dầu khí và khoáng sản hàng đầu thế giới, hàng trăm tổ chức xã hội dân sự, các hiệp hội khai mỏ và các tổ chức quốc tế…

Chí Tuấn
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân