Mở đường cho các đột phá kinh tế – xã hội địa phương 
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.
Tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật, đại diện một số tỉnh, thành phố đã khẳng định, việc thực hiện tốt công tác xây dựng pháp luật góp phần quan trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, điều hành, đóng góp tích cực cũng như mở đường cho các đột phá về kinh tế – xã hội tại địa phương.

Quan tâm xây dựng văn bản quy phạm pháp luật

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND năm 2004 quy định rất rộng về thẩm quyền ban hành văn bản của chính quyền cấp huyện, cấp xã. Tuy nhiên, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 đã quy định theo hướng hạn chế thẩm quyền ban hành văn bản của chính quyền cấp huyện, cấp xã chỉ trong trường hợp luật giao. Nhưng từ phát biểu của đại diện lãnh đạo một số tỉnh, thành phố tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ cho thấy, các địa phương đều quan tâm thực hiện công tác này, cũng như bảo đảm tuân thủ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, từ năm 2016 đến tháng 7.2020, TP Hà Nội đã ban hành 307 văn bản quy phạm pháp luật (gồm 86 nghị quyết và 221 quyết định), trong đó có nhiều nghị quyết quy định cơ chế, chính sách đặc thù của thành phố. Đặc biệt, theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, căn cứ Kết luận của Bộ Chính trị, thành phố đã phối hợp với các Bộ, ngành tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 97/2019 thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội và Nghị quyết số 115/2020 về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính – ngân sách đặc thù đối với TP Hà Nội.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định, những kết quả đạt được trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật nói chung và các cơ chế, chính sách đặc thù nói riêng của Hà Nội đã góp phần quan trọng đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi; tích cực hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, sáng tạo; huy động và phát huy có hiệu quả các nguồn lực xã hội; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài… Kết quả kinh tế Thủ đô tiếp tục phát triển, đạt mức tăng trưởng khá, cao hơn bình quân chung cả nước.

Tại điểm cầu TP Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Minh Châu cũng cho biết, tổng số văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND TP Hồ Chí Minh ban hành trong giai đoạn 2015 – 7.2020 là 345 văn bản. Tại điểm cầu An Giang, theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, trong năm 2019 và 10 tháng năm 2020, UBND tỉnh An Giang đã ban hành 113 văn bản quy phạm pháp luật… Tương tự như TP Hà Nội, các văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND tỉnh, thành phố khác ban hành hầu hết đều bảo đảm đúng theo quy định; kịp thời điều chỉnh các quan hệ mới phát sinh trong thực tế xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội trên địa bàn.

Chính sách tiến bộ hơn, nhưng…

Những đóng góp của công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đối với quá trình phát triển kinh tế – xã hội tại các địa phương có nhiều nguyên nhân. Trong đó, như phản ánh của đại diện một số tỉnh, thành phố, một nguyên nhân quan trọng đến từ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 đã quy định cụ thể, chặt chẽ quy trình xây dựng các nghị quyết, quyết định của HĐND, UBND cấp tỉnh, cũng như một số văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của HĐND, UBND cấp huyện.

Với quy trình xây dựng nghị quyết, quyết định của HĐND, UBND chặt chẽ tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành Chỉ thị số 03/2019 yêu cầu các sở, ban ngành của thành phố tuân thủ đúng và đầy đủ quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, Sở Tư pháp được yêu cầu chưa thực hiện thẩm định đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có chứa thủ tục hành chính mà chưa có ý kiến của cơ quan kiểm  soát thủ tục. Nếu trong hồ sơ dự thảo văn bản quy phạm pháp luật chưa có ý kiến thẩm định của Sở Tư pháp, Văn phòng UBND thành phố sẽ chuyển hồ sơ trở lại cho Sở Tư pháp thẩm định.

 Các quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 đã thúc đẩy công tác này ở các địa phương đi vào nền nếp, nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật được ban hành. Nhưng báo cáo của một số địa phương cho thấy, từ quy định của Luật đến những văn bản hướng dẫn còn có điểm vênh nhau, gây lúng túng trong triển khai. Ví dụ, theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 quy định xây dựng chính sách, đánh giá tác động của chính sách trong đề nghị xây dựng nghị quyết của HĐND tỉnh, thành phố. Đây là một quy định tiến bộ, cập nhật xu hướng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật tiên tiến. Tuy nhiên, quy định hướng dẫn tại Nghị định số 34/2016 của Chính phủ còn chung chung, nhất là không quy định cụ thể việc sử dụng kinh phí cho hoạt động này nên địa phương không bố trí được kinh phí để thực hiện một cách bài bản, có chất lượng.

 Bên cạnh nguyên nhân từ văn bản hướng dẫn thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của các địa phương còn gặp khó khăn do thiếu về số lượng và yếu chất lượng nhân lực làm công tác này tại các sở, ban ngành. Báo cáo của UBND TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đều thừa nhận, công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đòi hỏi đội ngũ cán bộ thực hiện nhiệm vụ này phải có năng lực, trình độ chuyên môn sâu và kinh nghiệm, song đội ngũ này ở địa phương còn thiếu, không ổn định, nhiều nơi là cán bộ kiêm nhiệm nên chưa phát huy được hiệu quả trong công tác tham mưu ban hành văn bản.

Các địa phương cũng đưa nhiều kiến nghị về sửa đổi văn bản hướng dẫn thi hành để phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và thực tiễn công tác xây dựng văn bản hiện nay. Bên cạnh sự hỗ trợ từ các quy định của Trung ương, như khẳng định của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh, thành phố sẽ tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo đối với công tác xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật; xác định rõ các định hướng, giải pháp có tính chiến lược để thể chế đi trước, mở đường cho các đột phá về kinh tế – xã hội, hạ tầng xã hội, phát triển con người và đổi mới, sáng tạo. Và, đây cũng là tinh thần chung của lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố tham dự hội nghị.