Môi trường kinh doanh 2015: Đã có sự bứt phá
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Ngay từ đầu năm, Chính phủ đã tiếp tục ban hành Nghị quyết 19/2015 (trước đó là Nghị quyết 19/2014) với yêu cầu cải cách đối với các bộ, ngành và địa phương quyết liệt hơn, cấp bách hơn…

Theo đó, một số bộ, ngành và địa phương triển khai Nghị quyết 19 với tinh thần quyết tâm chính trị rất cao, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu nên đã có sự bứt phá.

Một số lĩnh vực đã có sự cải thiện tích cực như khởi sự kinh doanh, hải quan, nộp thuế, bảo hiểm xã hội, tiếp cận điện năng, nhờ đó thứ hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB) được cải thiện. Theo đó, thứ hạng của Việt Nam trong năm qua đã tăng 3 bậc từ vị trí 93 lên vị trí 90. Sự cải thiện thể hiện ở 5 chỉ số gồm: Khởi sự DN (tăng 7 bậc); tiếp cận điện năng (tăng 22 bậc); tiếp cận tín dụng (tăng 8 bậc); nộp thuế và bảo hiểm xã hội (tăng 4 bậc); giải quyết phá sản DN (tăng 2 bậc).

Chỉ số năng lực cạnh tranh theo báo cáo củaDiễn đàn Kinh tế thế giới (WEF)thực hiện tại 140 nước cho thấy, Việt Nam đứng thứ 56 trên bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu giai đoạn 2015 – 2016, tăng 12 bậc so với vị trí 68 trong giai đoạn 2014-2015. Trong đó, chỉ số cạnh tranh của cơ sở hạ tầng giao thông Việt Nam tăng tới 9 bậc, từ vị trí thứ 76 trong giai đoạn 2014 – 2015 lên vị trí 67.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam – Chủ quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh đã đánh giá: “qua hai năm triển khai các Nghị quyết số 19/NQ-CP, mặc dù mới chỉ tập trung vào một số lĩnh vực như thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, giao thông vận tải… và cũng chủ yếu mới nằm ở mức ban hành chính sách ở cấp Chính phủ, cấp Bộ, chưa xuống được hết tới DN ở cơ sở, nhưng đã tạo khí thế rất tốt và củng cố niềm tin cho cộng đồng DN”.

Báo cáo về kết quả triển khai Nghị quyết số 19/NQ-CP năm 2015 của Bộ KH-ĐT cho biết, cộng đồng DN đánh giá cao, hoan nghênh những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương. Tuy nhiên, báo cáo đã chỉ ra có sự khác biệt lớn trong việc triển khai thực hiện giữa các bộ và giữa các địa phương. Ngoài các Bộ Tài chính, KH-ĐT, NN-PTNT, Giao thông vận tải, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, VCCI và một số địa phương là TP HCM, Đồng Nai triển khai tốt các nhiệm vụ, giải pháp theo yêu cầu. Còn lại phần lớn các bộ, cơ quan địa phương thực hiện chưa đạt yêu cầu chỉ đạo của Nghị quyết 19/NQ-CP.

Theo TS Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, thực tế cho thấy ở các ngành, địa phương mà Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo sát sao, đôn đốc, giám sát thực thi, đơn vị đó sẽ thực hiện các giải pháp, đạt được kết quả như Nghị quyết đề ra. Ngược lại, gần như việc triển khai trên thực tế chưa đạt yêu cầu, các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết không có chuyển biến đáng kể.

Việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là nhiệm vụ dài hơi, cải cách là một nhiệm vụ cần được tiến hành không ngừng nghỉ. Những quyết tâm ở cấp trung ương phải được thẩm thấu và lan tỏa tới tất cả các cấp địa phương. Để Nghị quyết 19 được triển khai đúng tình thần chỉ đạo của Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặc biệt lưu ý và yêu cầu, Bộ KH-ĐT, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tiếp tục đẩy mạnh xây dựng cơ chế tiếp thu, xử lý ý kiến, phản hồi của các DN. Từ đó, các cơ quan này sẽ tổng hợp, đưa ra ý kiến của cộng đồng DN về thực tế triển khai, thực hiện các chính cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, cho năm 2016 và những năm tiếp theo.

Bá Tú
Nguồn: Báo Điện tử Diễn đàn doanh nghiệp