Môi trường kinh doanh của Việt Nam: Doanh nghiệp nước ngoài chưa hài lòng
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Đất đai là băn khoăn số 1

Tại cuộc đối thoại với Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT, ông Cho Gun Hwan – Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (Korcham) cho biết, thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất quá chậm là vấn đề đáng lo ngại đầu tiên. Ông dẫn chứng, tháng 9-2005, một công ty Hàn Quốc đã ký kết hợp đồng về giao quyền sử dụng đất từ công ty Việt Nam và thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép đầu tư. Tháng 6-2006, công ty này mới có được công văn chấp thuận của UBND tỉnh, nhưng rốt cục, đến tận tháng 12 năm nay, công ty vẫn chưa đăng ký được quyền sử dụng đất. Một trường hợp khác,  công ty Hàn Quốc không được giao đất chỉ vì công ty Việt Nam (đối tượng sử dụng đất trước đây) chưa thực hiện xong các nghĩa vụ đối với Nhà nước.

Cũng liên quan đến đất đai, ông Seck Yee Chung – Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Singapore cho biết, có những khu đất tại TP Hồ Chí Minh được giao cho nhà thầu Việt Nam, nhưng không thực hiện đấu thầu công khai. Các thông tin về quy định và thủ tục đấu thầu cho mỗi khu đất không thông báo rộng rãi. Khi thành viên Hiệp hội này nộp hồ sơ bày tỏ nguyện vọng đấu thầu một khu đất cụ thể nhưng không hề nhận được phúc đáp của cơ quan chức năng.

Trong việc thuê đất, các DN than phiền về chuyện giá leo thang quá nhanh. Ông Choi Bong Sik, Giám đốc một DN Hàn Quốc tại Việt Nam kể: “Mới đầu năm, giá thuê đất tại ở Việt Nam là 25-27USD/m2, nhưng đến tháng 12 năm nay, giá thuê đã lên tới là 42-45USD/m2. Tiền thuê đất của các KCN gần Hà Nội đã tăng tới 60% so với đầu năm. Điều này khiến chúng tôi rất hoang mang. Chúng tôi sẽ buộc phải nghĩ lại về quyết định đầu tư”.

Minh chứng cho những câu chuyện trên là kết quả điều tra gần đây nhất của Trung tâm Hỗ trợ kinh doanh Hàn Quốc tại Hà Nội (Kotra) về ý kiến của DN Hàn Quốc. Khi kinh doanh tại Việt Nam, có tới 25,4% DN gặp khó khăn về cơ sở hạ tầng, 19,4% DN kêu khó khăn về xuất nhập khẩu nguyên liệu, 17,2% DN than phiền về thủ tục hành chính và 13,8% DN gặp nhiều rắc rối với thông lệ thương mại ở Việt Nam. Chưa hết, đối với các DN chuẩn bị đầu tư vào Việt Nam, rào cản lớn nhất là thiếu thông tin khi có 34,6% DN xác nhận điều này. 18,9% các DN gặp rào cản ngôn ngữ, 12,2% DN cảm thấy chưa thỏa mãn với chính sách ưu đãi đầu tư tại các địa phương.

Sẽ tháo gỡ được mọi khó khăn

Ông Nguyễn Xuân Trung – Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài khẳng định như vậy, trước nhiều băn khoăn của các DN nước ngoài. Ông Trung cam kết: “Tất cả mọi thắc mắc đó, liên quan đến ngành nào, Bộ nào, tôi sẽ trực tiếp đảm nhiệm thu thập mọi đầu mối và gửi cho đại diện các DN tại Việt Nam”.

Dĩ nhiên, không phải than phiền nào của DN nước ngoài cũng là đúng. Ông Trung cho biết, về thuê đất, các DN FDI thực tế được hưởng lợi hơn các DN trong nước vì họ được quyền trả trước tiền thuế đất trong 5 năm, còn nhà đầu tư trong nước thì năm nào trả năm đó. Do vậy, DN FDI không phải chịu nhiều biến động về giá đất. Tiền thuê đất nộp trước, được tính với giá thuê của năm đầu tiên, trong khi thực tế, giá thuê đất có thể tăng ở năm thứ 2-5. Đại diện Tổng cục Thuế cũng cho biết, một trong những bức xúc của DN nước ngoài là việc khống chế tỷ lệ 10% chi phí dành cho quảng cáo thương mại cũng như điều chỉnh việc đánh thuế giá trị gia tăng vào hàng khuyến mại, tới đây sẽ được tiếp thu trong văn bản hướng dẫn.

Được biết, Kotra dự kiến sẽ chuyển toàn bộ thông tin chi tiết về tình hình đầu tư của các tỉnh sang Hàn Quốc, tới các DN có ý định đầu tư vào Việt Nam, đồng thời, những tài liệu này sẽ được dịch sang tiếng Việt, gửi về các khu công nghiệp và các tỉnh, thành của Việt Nam. Cục phó Cục Đầu tư nước ngoài Nguyễn Xuân Trung nhấn mạnh, nếu địa phương nào chưa thực hiện tốt chính sách đối với nhà đầu tư, các DN có thể phản ánh lên Cục, Bộ KH&ĐT sẽ chỉ đạo các Sở kịp thời.

Nguồn: Báo An ninh thủ đô