Một gợi ý cho nông nghiệp quy mô nhỏ
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Câu chuyện gần đây của Cửa hàng nông dân Huế là một trường hợp hay có thể tham khảo cho những ai quan tâm đến việc hỗ trợ nông dân cũng như giải bài toán nông nghiệp quy mô nhỏ.

Cửa hàng nông dân Huế chính thức khai trương vào ngày 27-12-2014 dưới sự hỗ trợ ban đầu từ tổ chức Bridge Asia Japan (Nhịp cầu châu Á Nhật Bản – BAJ), được tài trợ bởi Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) về mặt kinh phí cho đến công tác quản lý.

Cửa hàng là nơi tiêu thụ nông sản cho 9 hộ gia đình sản xuất quy mô nhỏ trên địa bàn thành phố Huế tham gia liên kết. Người quản lý là đại diện từ BAJ. Sản phẩm do nông dân trồng/chế biến, tự định giá và minh bạch thông tin trên sản phẩm, từ tên và địa chỉ, số điện thoại người trồng trọt/chế biến cho đến quy trình canh tác.

Chính sự minh bạch về nguồn gốc và thông tin nhà sản xuất đã làm cầu nối giữa người sản xuất và người tiêu dùng, giúp họ xích lại gần nhau hơn. Người sản xuất được bán trực tiếp đến tay người tiêu dùng và người tiêu dùng được mua trực tiếp các sản phẩm do người sản xuất làm ra. Chính vì vậy, cửa hàng được người tiêu dùng tin tưởng, đón nhận và ngày càng phát triển.

Trong câu chuyện trao đổi với người viết nhân chuyến công tác vào TPHCM gần đây, ông Lý Bá Khương, đại diện quản lý Cửa hàng nông dân Huế, chia sẻ tin vui về việc sắp thành lập cửa hàng nông dân Huế thứ hai cho các hộ nông dân mới tham gia ngay chính tại TP. Huế. Sở dĩ gọi là tin vui vì cửa hàng thứ hai được thành lập từ chính sự thôi thúc của người tiêu dùng và nhiều người trong số đó còn chủ động đề xuất cho sử dụng mặt bằng miễn phí. Ngoài ra, những hộ nông dân mới có quy mô nhỏ tương tự cũng muốn tham gia làm thành viên của Cửa hàng nông dân Huế.

Mô hình cửa hàng nông dân đang tạo ra môi trường gắn kết, bình đẳng giữa người sản xuất và người tiêu dùng. Sự gắn kết, chia sẻ, trao đổi thường xuyên giúp cả hai bên cùng nhau thiết lập, xây dựng cửa hàng nông dân ngày càng hoàn thiện và phát triển.

Sau một thời gian hoạt động, cửa hàng nông dân Huế đã có thể tự chủ về tài chính. Điều này được thực hiện bằng cách mỗi người nông dân hàng tháng trích 5% doanh thu của mình để chi trả cho phí quản lý và tiền mặt bằng. Khoảng dư còn lại, tùy tháng, sẽ được bổ sung vào quỹ nông dân để phục vụ các việc khác, ví như tổ chức cho nông dân đi tham quan học hỏi các mô hình hay ở địa phương khác, hỗ trợ và tạo điều kiện cho các thành viên mới tham gia vào cửa hàng.

Từ tháng 12-2014 đến nay, Cửa hàng nông dân Huế đã hoạt động gần một năm rưỡi. Còn quá sớm để nói đến hai từ thành công. Tuy vậy bước phát triển như trên là điều đáng ghi nhận.

Có người sẽ nói mô hình này có gì lạ đâu, cũng tương tự như các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp thôi mà. Đúng rằng giữa hai mô hình có nhiều điểm tương đồng, cùng góp tiểu để thành đại, tạo sự phong phú và đa dạng về nguồn cung.

Tuy vậy, HTX có khuynh hướng thiên về bán sỉ, còn cửa hàng nông dân thiên về bán lẻ. So với HTX, trong mô hình cửa hàng nông dân, nông dân được tự mình định giá bán cho sản phẩm và kết nối trực tiếp với người tiêu dùng thông qua việc đứng bán tại cửa hàng vào một số ngày trong tháng hoặc qua các chuyến tham quan hộ sản xuất định kỳ mà Ban quản lý cửa hàng tổ chức nhằm kết nối nông dân với người tiêu dùng.

Chính sự kết nối này làm hai bên hiểu nhau hơn, tin tưởng nhau hơn và đây là một điểm mấu chốt quyết định sự thành công của cửa hàng nông dân bên cạnh vai trò của Ban quản lý cửa hàng.

Sẽ không thể có một cửa hàng nông dân thành công nếu thiếu vai trò điều phối, lãnh đạo của Ban quản lý cửa hàng.

Một yếu tố khác không thể không nói đến là vai trò của những người nông dân. Nếu không có nông dân tốt, sẽ không có sản phẩm tốt. Không có sản phẩm tốt thì dù là cửa hàng, hợp tác xã cho đến siêu thị đều không thể tốt được. Và để có được 9 hộ tham gia cùng cửa hàng trong thời gian đầu, BAJ đã làm việc cùng nông dân Huế từ năm 2011 qua các dự án hỗ trợ nông nghiệp khác. Kể vậy để thấy đây là cả một quá trình xây dựng chứ không phải chuyện một vài tháng là có thể làm được.

Khi có những chương trình giúp đỡ nông dân, chúng ta thường nghe nói “Hãy cho cần câu thay vì con cá”. Nhưng câu cá được rồi thì bán đi đâu? BAJ đã giải bài toán này qua cửa hàng nông dân Huế, xuất phát từ việc học theo mô hình nông dân tại Nhật Bản.

Khi xây dựng mô hình cửa hàng nông dân, giải quyết đầu ra nông sản chỉ là một phần câu chuyện. Sâu xa hơn, đó là mong muốn gieo những hạt giống tình yêu nông nghiệp cho giới trẻ. Khi con cái của những người nông dân thấy rằng cha mẹ của mình có thể sống tốt với nghề và được quý trọng; khi những cháu nhỏ được thấy những điều thú vị từ thế giới nông nghiệp qua những chuyến thăm vườn cùng cha mẹ, lúc đó những hạt giống đã được gieo. Đó cũng là điều đáng giá.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài gòn điện tử