Một mặt hàng, hai chính sách quản lý 
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.
Hôm qua (28.7), trước kiến nghị của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, Tổng cục Hải quan cho biết sẽ chính thức đưa mặt hàng hạt tiêu ra khỏi danh mục áp dụng phân luồng vàng kiểm tra.

Gần một tháng qua, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hồ tiêu mở tờ khai xuất khẩu hồ tiêu thì bị xếp vào “luồng vàng”, tức bị Hải quan kiểm tra chi tiết hồ sơ, chứng từ thay vì là “luồng xanh” được miễn kiểm tra hàng hóa như trước. Điều này đã gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp khi chi phí gia tăng, phải đi lại nhiều lần để xử lý tờ khai thông quan, chưa kể còn tiềm ẩn nguy cơ mắc Covid-19.

Nhiều năm qua, Việt Nam luôn là nước xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới và góp mặt trong nhóm ngành hàng xuất khẩu “tỷ đô”. Tuy nhiên, khi Bộ Y tế xếp hồ tiêu vào nhóm dược liệu trong các văn bản, thông tư hướng dẫn thi hành Luật Dược thì hồ tiêu “bỗng nhiên” thuộc nhóm hàng xuất khẩu có điều kiện và phải phân luồng kiểm tra theo văn bản chuyên ngành y tế. Ngay lập tức, tỷ lệ tờ khai luồng vàng (Hải quan kiểm tra hồ sơ) đối với hồ tiêu xuất khẩu đã tăng từ 8% lên đến 60% và tập trung chủ yếu ở mặt hàng tiêu đen. Có doanh nghiệp phải khai luồng vàng trên 95% lô hàng xuất khẩu.

Đáng nói, việc xuất khẩu hồ tiêu để làm dược liệu chưa có doanh nghiệp Việt Nam nào đáp ứng được bởi tiêu chuẩn rất khắt khe. Vì vậy, đưa hồ tiêu vào nhóm dược liệu là hoàn toàn vô căn cứ. Đáng nói, đây không phải lần đầu một số gia vị quen thuộc bỗng được xem như dược liệu. Cuối năm 2020 gừng, tỏi, đậu, rau thơm… bị Bộ Y tế đưa vào nhóm dược liệu và quản lý như kinh doanh thuốc khiến việc xuất, nhập khẩu, sản xuất kinh doanh của hàng nghìn doanh nghiệp trong lĩnh vực này bị đảo lộn, thậm chí là đình trệ. Bởi điều này đồng nghĩa với việc những mặt hàng này không thể xuất – nhập khẩu như hàng hóa thông thường và những chủ thể kinh doanh các loại hàng hóa này sẽ phải chịu cơ chế quản lý của pháp luật về dược, phải đáp ứng các điều kiện kinh doanh dược. Những bất cập đó vừa được giải quyết thì nay lại đến lượt hồ tiêu phải tìm cách tháo gỡ.

Mới đây, các doanh nghiệp thủy sản cũng kiến nghị với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sửa các quy định đối với mặt hàng nhập khẩu là thủy sản đã qua chế biến với mục đích làm thực phẩm. Theo các doanh nghiệp thuỷ sản, nếu sản phẩm thủy sản đã chế biến, nhập khẩu với mục đích sử dụng là sản phẩm ăn uống thì chỉ cần kiểm tra an toàn thực phẩm. Còn sản phẩm thủy sản chưa qua chế biến, nhập khẩu nhằm mục đích làm con giống, làm nguyên liệu sản xuất thì phải thực hiện kiểm dịch. Việc gộp chung các sản phẩm thủy sản nhập khẩu, buộc phải thực hiện kiểm dịch khiến sản phẩm thủy sản đã qua chế biến phải chịu 2 lần kiểm tra, gây khó khăn cho các doanh nghiệp.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, xuất – nhập khẩu gặp khó vì dịch bệnh, các cơ quan quản lý cần hỗ trợ doanh nghiệp dễ dàng làm thủ tục hơn, giảm bớt các rào cản không cần thiết, tránh một mặt hàng áp dụng theo hai chính sách quản lý khác nhau. Bên cạnh đó, doanh nghiệp rất cần được trợ lực, nhanh chóng gỡ bỏ những rào cản, mâu thuẫn, chồng chéo trong các quy định pháp lý. Các bộ, ngành cần có sự thống nhất, công nhận lẫn nhau về kết quả kiểm tra để doanh nghiệp xuất – nhập khẩu không phải chạy đi nhiều đầu mối thực hiện kiểm tra cho một lô hàng. Đặc biệt là khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vẫn giữ kế hoạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2021 là 42 tỷ USD như Chính phủ giao từ đầu năm thì những “nút thắt” trên càng phải sớm tháo gỡ.