Một năm gia nhập WTO: Việt Nam đã đi đúng hướng!
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, năm 2007, kim ngạch XK hàng hóa đạt 48,4 tỉ USD, tăng 21,5% so với năm 2006, đặc biệt, đã có 10 mặt hàng XK gia nhập “Câu lạc bộ 1 tỉ USD”. Năm 2008, số lượng thành viên của “Câu lạc bộ 1 tỉ USD” dự kiến sẽ được nâng lên 14 mặt hàng. Xuất khẩu tăng trưởng liên tục ở mức hai con số và hiện chiếm xấp xỷ 68% GDP, đưa VN vào diện các nước có nền kinh tế mở.

Giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành đạt 574.046,8 tỉ đồng, tăng 17,5%, so với năm 2006; tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 48,4 tỉ USD, tăng 21,5%; tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ ước đạt 726.113 tỉ đồng, tăng 23%. Bên cạnh đó, Việt Nam đã tiến hành điều chỉnh và ban hành nhiều chính sách, luật pháp trong nước theo hướng ngày càng phù hợp hơn với các quy tắc, luật lệ thương mại quốc tế và cam kết WTO. Chính vì vậy mà môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam đã được cải thiện theo hướng thông thoáng và minh bạch, tạo được niềm tin với các nhà đầu tư nước ngoài và góp phần tăng cường thu hút đầu tư.

Cùng với quá trình hội nhập, nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển được nhiều người gắn cho cái tên “ông WTO”. Ông cho rằng, tác động của WTO trong năm đầu tiên chưa lớn nhưng mảng “sáng” nhiều hơn “tối”. Đó cũng là nhận định trước đây ông đã nhiều lần giải trình với Quốc hội, Chính phủ để tìm kiếm sự đồng tình với các phương án đàm phán. Tuy nhiên, lần này, nhận định đó được “ông WTO” nói ra thật nhẹ nhàng vì nhận định của ông đã trở thành hiện thực.

Tương phản với dáng vẻ luôn vất vả của “ông WTO” có lẽ là nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại Lương Văn Tự. Có lẽ ngày 11/1/2008 này là ngày đặc biệt nhất trong hơn chục năm qua vì ông đã trút được “gánh lo” trên vai. Những thành công của WTO mang lại đã xua tan nhiều hoài nghi trước đó về tiến trình hội nhập. Nguyên Thứ trưởng Lương Văn Tự nói: “Tôi rất vui. Những lo lắng, băn khoăn và cả hoài nghi về tiến trình hội nhập đã được xua tan. Sự thực là Việt Nam đã vượt qua được thách thức”. Nói là trút bỏ được gánh nặng vậy thôi nhưng ông Lương Văn Tự vẫn trăn trở và đặt nhiều hy vọng về một Việt Nam phát triển bền vững trong nhiều năm dài chứ không chỉ bùng phát trong một vài thời điểm. Ông Tự chia sẻ, khi VN chính thức gia nhập WTO cách đây 1 năm, bạn bè quốc tế đã ví von VN sẽ là “con hổ nhỏ của châu Á” nhưng ông thích dùng khái niệm “ngôi sao đang lên” hơn bởi tuổi thọ của “ngôi sao” lâu bền hơn “hổ nhỏ” rất nhiều!

Minh chứng cho “cái được” đầu tiên, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Nguyễn Bích Đạt cho biết, thu hút đầu tư năm 2007 gia tăng về số lượng và có sự chuyển biến về chất lượng. Cả nước đã thu hút 1.440 dự án có tổng giá trị 18 tỉ USD vốn FDI đầu tư mới; có 400 dự án với 2,4 tỉ USD tăng vốn, đưa tổng số vốn FDI thu hút trong năm 2007 lên 20,3 tỉ USD, tăng 70% so với năm ngoái. Ông Đạt cũng khẳng định, thu hút đầu tư nước ngoài của VN sẽ tiếp tục tăng trong năm 2008 và những năm tiếp theo. Vì vậy, đã đến lúc VN có quyền khuyến khích, lựa chọn các dự án có chất lượng, đầu tư vào công nghệ cao, các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế và có quyền “nói không” với các dự án ảnh hưởng đến môi trường và phát triển không bền vững.

Đối với lĩnh vực ngân hàng- tài chính, một lĩnh vực khá nhạy cảm trong WTO, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phùng Khắc Kế đưa ra nhận xét: Năm 2007, các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng của Việt Nam và nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam có những khởi sắc, tăng trưởng ổn định, tuân thủ các qui định của pháp luật Việt Nam; làm tốt vai trò là cầu nối cho các nhà đầu tư nước ngoài đến với thị trường và các doanh nghiệp Việt Nam. Các tổ chức này một mặt là những đối thủ cạnh tranh tiềm tàng đối với các ngân hàng trong nước, mặt khác lại là kênh truyền dẫn vào Việt Nam những công nghệ ngân hàng hiện đại, những thông lệ tốt nhất và nguồn tài chính bổ sung cho thị trường tiềm năng của Việt Nam.

Đại diện cho cộng đồng DN Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI), cũng khẳng định: Môi trường kinh doanh đã trở nên dễ “tiên liệu” hơn bất kỳ thời điểm nào trong quá khứ”. Điều đó có được là nhờ: “Trong 1 năm qua, các cơ quan chính phủ làm được nhiều việc, vai trò, ý kiến của doanh nghiệp trong và ngoài nước được tham vấn nhiều hơn. Chính phủ lắng nghe và đưa ra cân nhắc sáng kiến cải thiện môi trường kinh doanh”. Bên cạnh đó: “Cải cách hành chính được thực hiện, phân cấp đầu tư về địa phương, cơ chế một cửa, chính phủ điện tử… đã tạo ra những chuyển biến quan trọng”.

Khảo sát của VCCI cũng chỉ ra rằng, 99% DN đánh giá việc gia nhập WTO mang lại những đổi thay quan trọng trong chính sách kinh tế Việt Nam; 87% DN có đánh giá lạc quan sau khi Việt Nam gia nhập WTO. Nhưng bên cạnh đó, có 56% DN đánh giá chính phủ thi hành chính sách còn thấp, chưa tạo động lực thúc đẩy DN phát triển; 80% DN cho rằng hệ thống pháp luật có tính ban hành cao, tuy nhiên còn hạn chế về nhiều mặt…

Bà Phạm Chi Lan thường diễn thuyết rất dài ở các hội thảo nhưng lần này, bài diễn thuyết của bà với tư cách là nhà nghiên cứu của Dự án Mutrap cũng rất ngắn gọn vì tất cả những đánh giá mang tính định lượng của bà cũng chỉ làm phong phú hơn minh chứng về môi trường kinh doanh của Việt Nam ngày càng tốt lên, cộng đồng DN ngày càng tin tưởng vào công cuộc hội nhập của đất nước và ngày càng có nhiều DN mới ra đời, ngày càng có nhiều dự án đầu tư mới được triển khai…

Không chỉ các chuyên gia Việt Nam, các nhà nghiên cứu kinh tế, nhà ngoại giao nước ngoài cũng chia sẻ những đánh giá lạc quan về kinh tế Việt Nam sau một năm là thành viên WTO. Ông Sean Doyle, Đại sứ EC tại VN nhận xét, 1 năm sau khi VN gia nhập WTO, số vốn FDI thu hút được thực sự gây sửng sốt và vượt xa mong đợi của nhiều người. Ông Sean Doyle nói: “Qua việc gia nhập WTO, trở thành thành viên không thường trực HĐBA Liên hợp quốc, Việt Nam đã chứng tỏ có thể cạnh tranh lớn trong chính trường cũng như thị trường thế giới. Sự linh hoạt và mở cửa do hội nhập sẽ tăng cường nguồn trí thức, năng lượng, trình độ và tính sáng tạo của người dân Việt Nam nói chung và thanh niên nói riêng”.

Mỗi ý kiến, mỗi nghiên cứu đánh giá… đưa ra tại “Diễn đàn Thương mại và Đầu tư Việt Nam sau khi gia nhập WTO” đều tạo thành âm hưởng hào hùng cho bản giao hưởng về thành công của Việt Nam sau một năm gia nhập WTO. Trong bản giao hưởng ấy, Đại sứ, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại WTO Ngô Quang Xuân, như một nốt trầm vì ông sẽ tiếp tục trọng trách tại Giơnevơ tham gia các phiên đàm phán tiếp theo của WTO nhưng lần này, đàm phán là để bảo vệ lợi ích của Việt Nam tại WTO và Việt Nam chủ động tham gia tích cực vào quá trình kiến tạo các giá trị mới của WTO, trước mắt sẽ là vòng đàm phán Doha. Ông Ngô Quang Xuân nói: “Tôi tin Việt Nam đã và đang đi đúng hướng. Cho đến nay, ngoại trừ một số thắc mắc của một số nhà đầu tư về cam kết về mở rộng chi nhánh ngân hàng hay quyền phân phối của DN đầu tư như báo chí đã nêu, các thành viên WTO chưa có phản ánh nào về việc thực hiện cam kết gia nhập của Việt Nam trong năm 2007”.

Tại Lễ kỷ niệm 1 năm gia nhập WTO, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã thay mặt Chủ tịch nước trao Huân chương Lao động cho 25 cá nhân có thành tích xuất sắc trong quá trình tham gia đàm phán gia nhập WTO, góp phần xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, trong đó, ông Lương Văn Tự, nguyên Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ gia nhập WTO, nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại đã được trao Huân chương Lao động hạng Nhất. 40 cá nhân trong Đoàn đàm phán Chính phủ gia nhập WTO cũng đã nhận được Bằng khen của Thủ tướng.

Nguồn: Báo Thương mại