Một số vấn đề cần sửa đổi, bổ sung Luật Luật sư
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Sửa đổi Luật LS cần có những bước đột phá nhằm tạo ra bước phát triển nhanh, bền vững về số lượng và chất lượng hành nghề luật sư (LS). Như vậy, quyền hành nghề của LS phải bảo đảm cùng với các nghĩa vụ và trách nhiệm của LS trong việc cung cấp các dịch vụ pháp lý có chất lượng cho cộng đồng xã hội. Theo đó, quản lý hành nghề luật sư thực hiện theo nguyên tắc kết hợp giữa quản lý Nhà nước với phát huy vai trò tự quản của tổ chức xã hội – nghề nghiệp của LS cần tiếp tục được duy trì và củng cố. Tuy nhiên, cần tăng cường vai trò tự quản của tổ chức xã hội – nghề nghiệp LS. Theo đó, nên phân cấp rất cụ thể hơn cho tổ chức xã hội – nghề nghiệp luật sư quản lý những vấn đề vi mô, kỹ thuật về LS và hành nghề LS; tập trung xác định rõ hơn quyền tự quản của Liên đoàn Luật sư trong tổ chức và hoạt động trên các phương diện thuộc chức năng. Đồng thời xác định rõ mối quan hệ giữa các tổ chức xã hội – nghề nghiệp của LS với các cơ quan nhà nước hữu quan trong các quy định pháp luật liên quan.

Về hoạt động tham gia tố tụng, nên bỏ việc cấp giấy chứng nhận bào chữa, vì LS đã tham gia Đoàn LS và đã được cấp phép hoạt động, nên chỉ cần khi có yêu cầu của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc của người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo thì LS có quyền tham gia bào chữa trước Tòa án cũng như tham gia các giai đoạn tiền tố tụng và tố tụng.

Cụ thể, liên quan chức năng xã hội của LS (Điều 3) cần bổ sung cụm từ “bảo vệ các quyền tự do, dân chủ của công dân và quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, bảo đảm công bằng xã hội”. Như vậy, cần bố cục lại điều này cho hợp lý, như sau: hoạt động nghề nghiệp của LS nhằm góp phần bảo vệ công lý và các quyền tự do, dân chủ của công dân, bảo vệ lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, bảo đảm công bằng xã hội, phát triển kinh tế và xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Tính đến gần cuối năm 2011, 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập Đoàn Luật sư với 7.072 LS và hơn 3.500 người tập sự hành nghề LS hoạt động trong hơn 2.750 tổ chức hành nghề LS.

Cần sửa Điều 13 và Điều 16 về miễn đào tạo và miễn giảm thời gian tập sự hành nghề LS. Thực tế cho thấy, kỹ năng hoạt động nghề nghiệp của các đối tượng này rất khác xa với kỹ năng hành nghề LS; nếu không được trang bị một kiến thứác kỹ năng cơ bản, phải trải qua một thời gian tập sự và thi cử nghiêm túc thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới chất lượng và uy tín khi hành nghề LS. Bởi lẽ, nghề LS không chỉ đòi hỏi trang bị kiến thức đa ngành, rèn luyện kỹ năng phẩm chất đạo đức mà còn hướng tới chức năng xã hội “góp phần bảo vệ công lý… phát triển kinh tế và xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Liên quan đến vấn đề này, nên sửa đổi khoản 2 Điều 14 theo hướng: xác định rõ quyền và nhiệm vụ của người tập sự, để họ có thể hành nghề luật sư trong một phạm vi nhất định và có kiểm soát được việc học nghề; đồng thời quy định rõ điều kiện, trách nhiệm của người hướng dẫn và tổ chức hành nghề LS có người tập sự, để cho quy trình học nghề của người học nghề có chất lượng được kiểm soát và không mang tính hình thức.

Lấy lại danh xưng “LS tập sự’’ thay cho danh xưng “người tập sự hành nghề LS’’và sửa đổi, bổ sung về LS tập sự nên theo hướng: LS tập sự được tư vấn cho khách hàng, được tham gia tố tụng hình sự đối với các vụ án phạm tội ít nghiêm trọng, với điều kiện được khách hàng đồng ý và LS hướng dẫn phải chịu trách nhiệm trước khách hàng và liên đới chịu trách nhiệm trước pháp luật. LS tập sự là thành viên (không đầy đủ) của Đoàn Luật sư, Liên đoàn Luật sư, có các quyền, nghĩa vụ của thành viên, trừ quyền bầu cử, ứng cử vào các cơ quan, các chức danh của Đoàn Luật sư, Liên đoàn Luật sư. Thay hình thức “kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư” bằng “kỳ thi chứng chỉ luật sư”. Kỳ thi do Liên đoàn Luật sư chủ trì tổ chức, có sự giám sát của Bộ Tư pháp. Thành viên Hội đồng thi có đại diện Liên đoàn Luật sư, Bộ Tư pháp, TANDTC. Người thi đỗ kỳ thi chứng chỉ LS được Liên đoàn Luật sư cấp chứng chỉ LS, trở thành thành viên chính thức của Đoàn Luật sư và Liên đoàn Luật sư.

Liên quan đến Khoản 3 Điều 60 và Khoản 2 Điều 64 nên quy định tổ chức xã hội – nghề nghiệp của LS chỉ có một điều lệ chung là Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Các Đoàn Luật sư không có điều lệ riêng, mà chỉ có những quy định nội bộ không trái với Điều lệ của Liên đoàn.

Cần bổ sung một điều về quy định trách nhiệm của luật sư trong hành nghề, bao gồm: tôn trọng và tuân thủ pháp luật, tuân theo quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp; bảo vệ lợi ích quốc gia, lợi ích cộng đồng; đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật.

Theo quy định tại các Điều (35, 36, 45, 46, 47,5 0) về các thủ tục đăng ký hoạt động, thay đổi nội dung giấy đăng ký, hợp nhất sáp nhập, tạm ngừng hoạt động, giải thể tổ chức hành nghề LS và đăng ký hành nghề với tư cách cá nhân nên đơn giản hóa các trình tự này với tinh thần tạo điều kiện thuận lợi cho dân, đồng thời đề cao trách nhiệm của các cơ quan, công chức Nhà nước.

Việc quy định nghĩa vụ của tổ chức hành nghề LS mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho LS (khoản 6 Điều 40), nhưng không quy định về hình thức chế tài nên trong thực tế có nhiều tổ chức hành nghề không tuân thủ quy định này. Mua bảo hiểm nghề nghiệp là một việc cần thiết để bảo đảm quyền lợi cho khách hàng khi có rủi ro xảy ra đối với khách hàng. Do vậy, cần sửa đổi theo hướng quy định đây là điều kiện cần để được hành nghề và bổ sung chế tài đối với nghĩa vụ của LS và tổ chức hành nghề LS không mua bảo hiểm nghề nghiệp.

Trương Quang Cẩn
Nguồn: Báo Đại biểu nhân dân