Một số vướng mắc khi áp dụng các quy định pháp luật về ngoại hối hiện nay
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

1. Các quy định pháp luật hiện hành

Từ các quy định của Pháp lệnh và Nghị định về quản lý ngoại hối:

Theo quy định tại Điều 22 Pháp lệnh ngoại hối số 28/2005/UBVQH ngày 13/12/2005 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hộiquy định hạn chế sử dụng ngoại hối: Trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các giao dịch với tổ chức tín dụng, các trường hợp thanh toán thông qua trung gian gồm thu hộ, uỷ thác, đại lý và các trường hợp cần thiết khác được Thủ tướng Chính phủ cho phép”.

Tại Điều 29 Nghị định số 160/2006/NĐ-CP ngày 28/12/2006 hướng dẫn thi hành Pháp lệnh ngoại hối quy định “Trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối trừ các trường hợp sau:…”. Tiếp sau đó, là 12 trường hợp được phép giao dịch bằng ngoại hối. Nếu tổ chức, cá nhân không thuộc 12 trường hợp đã được liệt kê sẽ phải tuân thủ các quy định của pháp luật về ngoại hối.

Nghị quyết số 03/2003/NQ-HĐTP ngày 27/5/2003 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn một số quy định của pháp luật trong việc giải quyết các vụ án kinh tế tại điểm b khoản 3 Mục I quy định: “Nếu trong nội dung hợp đồng kinh tế, các bên có thoả thuận giá cả, thanh toán bằng ngoại tệ trong khi đó một hoặc các bên không được phép thanh toán bằng ngoại tệ, nhưng sau đó các bên có thoả thuận thanh toán bằng đồng Việt Nam hoặc trong nội dung của hợp đồng kinh tế các bên thoả thuận ngoại tệ làm đồng tiền định giá (để đảm bảo ổn định giá trị của hợp đồng) nhưng việc thanh toán là bằng đồng Việt Nam, thì hợp đồng kinh tế không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 Pháp lệnh hợp đồng kinh tế và do đó không bị coi là vô hiệu toàn bộ”.

Khi nghiên cứu các quy định trên, hẳn chúng ta đều nhận thấy sự mâu thuẫn giữa pháp lệnh, nghị định và hướng dẫn của Toà án liên quan đến vấn đề niêm yết, giao dịch bằng ngoại hối. Cho đến thời điểm này, nhiều Toà án vẫn áp dụng điểm b khoản 3 Nghị quyết số 04/2003/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao để xem xét hợp đồng vô hiệu. Vậy việc xem xét này có phù hợp với quy định pháp luật hiện hành hay không? Hiện nay vẫn còn nhiều quan điểm trái chiều.

Quan điểm thứ nhất cho rằng, việc căn cứ vào điểm b khoản 3 Mục I Nghị quyết số 04/2003/NQ-HĐTP là hợp lý. Lý do.

Pháp lệnh ngoại hối chỉ cấm các hành vi sau “giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo” thực hiện bằng ngoại hối. Nhưng giá ghi trong hợp đồng không thuộc các trường hợp trên, thậm chí căn cứ theo Luật Sở hữu trí tuệ, giá trong hợp đồng nhiều khi còn được coi là “bí mật kinh doanh” nếu giá cả hàng hoá đó không thuộc các trường hợp phải đăng ký, kê khai hay niêm yết theo quy định của pháp luật về giá. Trên thực tế, hầu hết giá cả của hàng hoá là do các bên tự thoả thuận, và các bên có quyền thoả thuận về việc công khai hay giữ bí mật về giá cả trong hợp đồng. Do vậy, nếu như có cam kết giữ bảo mật hoặc giá không thuộc trường hợp phải niêm yết công khai, thì việc ghi giá trong hợp đồng sẽ không thuộc một trong bốn hành vi trên và đương nhiên, trong trường hợp này việc ghi giá bằng ngoại tệ không trái các quy định về quản lý ngoại hối.

Căn cứ vào tình hình thực tế, mục đích quản lý Nhà nước là hạn chế hoặc nghiêm cấm các giao dịch, thanh toán bằng ngoại tệ đối với các hợp đồng ký kết và thực hiện trong lãnh thổ Việt Nam. Như vậy, chỉ cần các bên thực hiện việc thanh toán bằng Việt Nam đồng thì hợp đồng đó vẫn được chấp nhận khi giải quyết tranh chấp tại Toà án.

Căn cứ vào lợi ích của các bên và xu hướng phát triển các quan hệ kinh doanh thương mại hiện nay, các doanh nhân có quyền lựa chọn cho mình những giải pháp an toàn nhất đối với khoản tiền của mình, và việc lấy tỷ giá làm cơ sở xác định giá trị hợp đồng sẽ giảm cho họ những rủi ro trượt giá. Hơn nữa, có nhiều khi hợp đồng giữa những người cư trú hoặc không cư trú trên lãnh thổ Việt Nam, nhưng nguồn hàng lại nhập từ nước ngoài, thì việc định giá bằng đồng Việt Nam trong hợp đồng sẽ gây rủi ro cho người bán hoặc người mua nếu tỷ giá tăng hoặc giảm.

Quan điểm thứ hai lại cho rằng, đối với mọi giao dịch được thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam, phải được thể hiện bằng đồng Việt Nam. Những người bảo vệ quan điểm này đưa ra những lý lẽ sau:

Căn cứ quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối. Khái niệm của các hành vi “giao dịch”, “niêm yết”, “quảng cáo” khá chung chung. Nên sẽ chia làm các trường hợp:

Trường hợp thứ nhất: Đối với các hợp đồng mua bán hàng hoá mà giá hàng hoá thuộc diện phải đăng ký, kê khai hay niêm yết theo quy định của Nhà nước, thì việc ghi giá trên hợp đồng bắt buộc phải bằng đồng Việt Nam.

Trường hợp thứ hai: Đối với các hàng hoá không thuộc trường hợp thứ nhất, theo quan điểm thứ nhất, sẽ không bị coi là vi phạm pháp luật về ngoại hối. Tuy nhiên, những người ủng hộ quan điểm hai lại không đồng tình với lập luận đó, bởi lẽ, trong nhóm 4 hành vi liệt kê của pháp lệnh ngoại hối, không chỉ có từ “niêm yết” mà còn có hành vi “giao dịch” và “quảng cáo”. Giao dịch là một khái niệm rộng, từ điển tiếng Việt định nghĩa đây là hoạt động “đổi chác, mua bán, giao thiệp,…”, vậy hành vi mua và bán thông qua hợp đồng, thì việc ký hợp đồng với các điều khoản liên quan cũng sẽ nằm trong hoạt động “giao dịch” đó, hoặc việc giới thiệu giá cả hàng hoá cho các đối tác bằng ngoại tệ (vì khi gửi bản chào giá, bên bán sẽ không chỉ gửi cho một mà có thể là rất nhiều đối tác) thì cũng có thể xem như một hành vi quảng cáo về hàng hoá. Do vậy, việc ghi giá trong hợp đồng bằng ngoại tệ, bất luận trong trường hợp nào cũng vẫn bị coi là trái luật.

Căn cứ theo chủ trương, chính sách của Nhà nước. Từ đầu năm 2011 đến nay, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã ra một loạt các nghị quyết, chỉ thị về việc siết chặt quản lý ngoại hối, ngăn chặn tình trạng đô la hoá nền kinh tế. Do vậy, việc lấy tỷ giá để làm căn cứ thanh toán giá trị hợp đồng xem ra không còn phù hợp với chủ trương, chính sách của Chính phủ và các cơ quan hữu quan trong tình hình hiện nay. Muốn ngăn chặn tình trạng đô la hoá, thì không thể duy trì và công nhận việc dùng đô la hay ngoại tệ nào đó để làm cơ sở định giá và lấy tỷ giá tại thời điểm thanh toán để tính giá trị hợp đồng, vì như vậy, vẫn tiếp tục gây nên sự bất ổn đối với giá trị của tiền đồng Việt Nam, và doanh nghiệp sẽ vẫn tiếp tục sử dụng “con dao hai lưỡi” giữa tỷ giá và tiền đồng để đối phó với các quy định pháp luật về quản lý ngoại hối.

Căn cứ theo hướng dẫn của Nghị quyết số 04/2003/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao, xét về hiệu lực thực hiện hợp đồng kinh tế theo điểm a khoản 1 Điều 8 Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế. Tuy nhiên, từ ngày 01/7/2006, khi Bộ luật Dân sự và Luật Thương mại năm 2005 có hiệu lực, thì Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế đã hết hiệu lực. Việc viện dẫn nghị quyết hướng dẫn cho một văn bản đã hết hiệu lực pháp luật, điều này sẽ trái với nguyên tắc áp dụng pháp luật. Do vậy, việc các Toà án áp dụng điểm b khoản 3 Mục I Nghị quyết số 04/2003/NQ-HĐTP khi Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế đã hết hiệu lực, sẽ được coi như việc xét xử theo án lệ, mà ở Việt Nam, việc xét xử theo án lệ chưa được coi là một cơ sở chính thống. Từ nhận định trên, căn cứ pháp lý là nghị quyết hướng dẫn của Toà án thiếu tính thuyết phục nếu các hợp đồng được ký kết từ ngày 01/7/2006 trở về sau. Ngoài ra, Pháp lệnh ngoại hối số 28 và Nghị định số 160/2006/NĐ-CP ra đời sau này cũng đã có những quy định cụ thể về quản lý ngoại hối, và hướng dẫn của Toà án đã không còn phù hợp với tinh thần của các điều luật này.

Ngoài ra, khi ghi giá bằng ngoại tệ, lấy căn cứ tỷ giá để tính giá trị hợp đồng, đối với các doanh nghiệp (đặc biệt là doanh nghiệp Nhà nước, người quản lý doanh nghiệp có trách nhiệm bảo toàn nguồn vốn của chủ sở hữu) sẽ gặp rủi ro pháp lý như: Có thể bị xử lý vi phạm về hành chính về việc vi phạm các quy định pháp luật về ngoại hối, hoặc thậm chí vi phạm pháp luật hình sự nếu vì việc ghi giá và căn cứ tỷ giá để tính ra Việt Nam đồng tại thời điểm thanh toán, khiến doanh nghiệp phải chịu một khoản chênh lệch lớn so với thời điểm ký hợp đồng trong trường hợp tỷ giá tăng, gây thất thoát cho tài sản của Nhà nước.

Hiện nay, việc áp dụng pháp luật về quản lý ngoại hối còn thiếu thống nhất, để kiện toàn và áp dụng các biện pháp quản lý triệt để các giao dịch bằng tiền đồng có giá trị, tôi xin đưa ra một số kiến nghị cụ thể như sau.

Một là, hoàn thiện các quy định pháp luật về quản lý ngoại hối.

Sửa đổi, bổ sung Điều 22 Pháp lệnh ngoại hối số 28, để thống nhất cách hiểu và giải thích theo đúng tinh thần của điều luật, như sau: “Quy định hạn chế sử dụng ngoại hối: Trên lãnh thổ Việt Nam, mọi thoả thuận, giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối…”.

Điều 10 Nghị định số 160/2006 quy định về đồng tiền thanh toán trong giao dịch vãng lai thiếu rõ ràng và có sự xung đột với Điều 22, Pháp lệnh ngoại hối số 28 tại Điều 5 và Điều 29 Nghị định số 160/2006/NĐ-CP hướng dẫn như sau: “Đồng tiền sử dụng trong thanh toán vãng lai: 1. Người cư trú được lựa chọn đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi và các đồng tiền khác mà tổ chức tín dụng được phép chấp nhận làm đồng tiền thanh toán trong giao dịch vãng lai. 2. Trường hợp sử dụng đồng Việt Nam trong thanh toán vãng lai, người cư trú và người không cư trú được chuyển khoản thông qua tài khoản đồng Việt Nam mở tại tổ chức tín dụng được phép”. Theo hướng dẫn trên thì khuyến khích việc thanh toán bằng tiền Việt Nam đồng với cả những giao dịch được phép thanh toán bằng ngoại tệ (khoản 2 quy định được chuyển khoản thông qua tổ chức tín dụng), còn với việc thanh toán bằng ngoại tệ thì không quy định rõ ràng nên cũng không hiểu có bị cấm “chuyển khoản” hay không?). Bên cạnh đó, quy định này còn có thể gây nên cách hiểu khác: “Trong giao dịch vãng lai, thì chỉ khi thanh toán qua chuyển khoản mới cần thiết phải quy đổi sang Việt Nam đồng, còn thanh toán tiền mặt thì các bên đương sự có quyền tự do?”. Với cách diễn giải này, chúng ta sẽ nhận thấy trái với các quy định đã viện dẫn ở phần trên. Do vậy, theo suy nghĩ của tôi, khi sửa đổi, bổ sung Nghị định số 160/2006/NĐ-CP của Chính phủ, nên bỏ Điều 10 hoặc sửa theo hướng cụ thể, rõ ràng hơn, tránh những cách giải thích khác nhau về điều khoản này.

Hội đồng thẩm phán Toà án Nhân dân tối cao sớm ban hành nghị quyết thay thế Nghị quyết số 04/2003/NQ-HĐTP trong đó có điều khoản hướng dẫn về hợp đồng kinh tế vô hiệu. Vì các văn bản quy phạm pháp luật đã có sự thay đổi và các hướng dẫn của Toà án không còn phù hợp với các chính sách cũng như các quy định pháp luật về quản lý ngoại hối ra đời sau này.

Ngân hàng Nhà nước sớm ban hành Thông tư hướng dẫn cụ thể về việc siết chặt việc quản lý ngoại hối trong tình hình hiện nay, nhằm tạo một hành lang pháp lý thống nhất để các doanh nghiệp, cá nhân của Việt Nam hoặc các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam thực hiện, tránh hiện tượng áp dụng luật tuỳ y nghi như hiện nay./.

Nguyễn Thùy Trang – Tổng Công ty Công nghiệp Hoá chất mỏ – Vinacomin
Nguồn: Tạp chí Kiểm sát điện tử