Mức độ tín nhiệm của Việt Nam bị giảm
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Đây là một cảnh báo đáng quan tâm vì điều này đồng nghĩa với việc mức độ tín nhiệm của Việt Nam trên thị trường vay nợ quốc tế có dấu hiệu bị giảm sút và Việt Nam sẽ phải đối mặt với những khoản vay với lãi suất cao hơn.

Trả lời phỏng vấn nhanh của Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online trước công bố mới này, một chuyên gia của ngành ngân hàng trong nước cho biết, đây là một cảnh báo rất đáng phải quan tâm, cả ở phía chính phủ và các doanh nghiệp. “Hệ số tín nhiệm (rating) vẫn là BB+, nhưng các thông số (chỉ tiêu) về kinh tế vĩ mô của Việt Nam hiện đang có chiều hướng đi xuống. Vì vậy, nếu chính phủ không có biện pháp thì có khả năng hệ số này sẽ bị tụt xuống một mức”, ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Phó ban Nguồn vốn Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) nói.

Theo ông Quỳnh, những mức xếp hạng này thường được đưa ra bởi một hội đồng đầu tư (xếp hạng) của tổ chức định giá tín nhiệm dựa trên một số các phương pháp xếp hạng mà tùy theo mỗi tổ chức sẽ có một cách khác nhau, nhưng thông thường đều dựa trên một thang điểm về các chỉ số kinh tế vĩ mô, cách thức quản lý và điều hành của chính phủ, chính sách tín dụng (GDP, lạm phát, tăng trưởng tín dụng…).

Vì vậy, việc Standard & Poor’s công bố giảm mức triển vọng về định giá tín dụng của Việt Nam sẽ ảnh hưởng ngay đến quan hệ huy động vốn của chính phủ và của các doanh nghiệp trong nước trên thị trường nước ngoài. Bởi, ở nước ngoài, tất cả các đánh giá về hệ số tín nhiệm (rating) là một phần trong công thức định giá các khoản vay.

Khi vay vốn ở thị trường nước ngoài, việc định giá các khoản vay của chính phủ sẽ căn cứ trên các rating của chính phủ đó. Nếu rating của chính phủ nào càng cao (hệ số tín nhiệm càng cao) thì lãi suất sẽ thấp hơn và ngược lại, một quốc gia có hệ số tín nhiệm thấp thì phải chịu lãi suất cao hơn do độ rủi ro về khả năng trả nợ vay cao hơn. Điều này đồng nghĩa với việc, hệ số tín nhiệm càng thấp thì việc phát hành trái phiếu chính phủ ra thị trường quốc tế và phát hành trái phiếu ở thị trường trong nước bán cho các nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ bị đắt hơn, có nghĩa là sẽ phải trả lãi suất cao hơn để thu hút các nhà đầu tư.

Thực tế cũng cho thấy, trong những ngày gần đây, trái phiếu chính phủ của Việt Nam trên thị trường thứ cấp cũng đã có dấu hiệu bị mất giá trầm trọng (lãi suất trái phiếu tăng cao). Trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5 năm lãi suất đã tăng trên 11%, trong khi thời điểm đầu năm lãi suất này chỉ ở mức khoảng 8,5%.

Việc này cũng sẽ dẫn đến các khoản vay nước ngoài của doanh nghiệp trong thời gian tới cũng sẽ bị khó khăn hơn (lãi suất đi vay sẽ bị đắt lên) đồng thời các doanh nghiệp cũng khó tiếp cận hơn với các nguồn vốn nước ngoài do độ rủi ro cao hơn. “Do vậy, nền kinh tế của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng, đó là tác động trực tiếp đến chi phí sản xuất kinh doanh, khả năng huy động vốn cũng như khả năng phát triển sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ở trong nước. Đây là tác động không ai mong muốn!”, ông Quỳnh nhấn mạnh.

Vì vậy, theo chuyên gia này, khi Việt Nam đã hội nhập với nền kinh tế thế giới thì chính phủ cần phải quan tâm đến hệ số tín nhiệm quốc gia vì các mức độ đánh giá này nếu bị giảm sút sẽ có tác động rất lớn đến nền kinh tế trong nước.

Nhìn nhận vấn đề ở một khía cạnh khác, bà Nguyễn Thu Hà, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB) thì lại nhấn mạnh rằng trong bối cảnh hiện nay, chính phủ cần phải tăng cường việc kiểm soát các khoản vốn vay của các doanh nghiệp trong nước, nếu không sẽ dễ dẫn đến tình trạng gia tăng gánh nặng nợ nần quốc gia. “Tôi thấy thật sự lo lắng vì trong tình hình hiện nay, thị trường trong nước đang khát vốn buộc các doanh nghiệp và cả ngân hàng phải lao ra tìm nguồn vay ở nước ngoài. Trong khi đó, hiệu quả từ sản xuất kinh doanh trong nước lại thấp. Điều này đã dẫn đến việc các doanh nghiệp sẽ khó tiếp cận các nguồn vốn vay ở bên ngoài hơn và phải chịu lãi suất cao hơn. Tức là giá vốn bị đẩy cao lên”, bà Hà nói.

Theo bà Hà, việc một tổ chức đánh giá tín nhiệm quốc tế như S&P hay Moody’s đưa ra các mức đánh giá hệ số tín nhiệm của một quốc gia thường được các nhà đầu tư rất quan tâm và có ảnh hưởng đến các quyết định đầu tư của họ (mua và giá mua), nhất là các nhà đầu tư tổ chức.

Một số chuyên gia khác cũng bày tỏ sự quan ngại về tình hình kinh tế trong nước, với nhiều nguy cơ ở phía trước. Theo họ, hiệu quả của các chính sách kiềm chế lạm phát chưa nhìn thấy rõ lắm, trong khi sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp lại bị đình đốn, lao đao…

Một chuyên gia kinh tế lo ngại rằng các chính sách bao giờ cũng có độ trễ, nhưng độ trễ nhìn thấy lại có rất nhiều thách thức. Cụ thể là sản xuất đang bị đình đốn, các doanh nghiệp xưa nay vẫn sống bằng nguồn vốn ngân hàng thì nay bị kiềm chế đã tác động trở lại ngay đối với nền kinh tế. Các doanh nghiệp đều khó khăn, lao đao và như vậy thì ngân hàng cũng không hoạt động hiệu quả.

Cũng chính bởi điều này, nhiều doanh nghiệp cho rằng, năm nay, để tồn tại được đã là một điều vất vả chứ đừng nói đến lợi nhuận.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online