Mức khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân mới đã hợp lý chưa?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Trước hết, phải nói rằng người chịu thuế đánh giá cao tinh thần cầu thị, tiếp thu những ý kiến góp ý của các chuyên gia kinh tế, những tâm tư của người làm công ăn lương đối với những người dự thảo Luật thuế thu nhập cá nhân sửa đổi lần này. Bởi trước đó Bộ Tài chính vẫn giữ quan điểm của mình khi nói rằng mức khởi điểm chịu thuế 6 triệu đồng/tháng đối với thu nhập chính và 2,4 triệu đồng/người/tháng đối với người phụ thuộc đã là phù hợp. Bộ cũng cho rằng quan điểm của Luật Thuế thu nhập cá nhân là người có thu nhập phải chịu thuế.

Có thể do quá nhiều ý kiến không đồng tình, có thể những người sửa đổi Luật cũng nhận thấy sự thiếu thực tiễn nếu giữ các mức giảm trừ thấp như trước đây, nên mức khởi điểm đã được Bộ Tài chính tăng lên 9 triệu đồng/người/tháng đối với thu nhập chính và 3,6 triệu đồng/người/tháng đối với người phụ thuộc, tức đều tăng gấp rưỡi so với các mức cũ. Khoảng cách khá xa so với mức quy định cũ đã phần nào khiến người chịu thuế tạm yên tâm hơn.

Cả nước đang có 3,9 triệu người hiện đang nộp thuế thu nhập cá nhân, trong đó, gần 2,9 triệu người nộp thuế bậc 1. Nếu nâng mức khởi điểm chịu thuế là 9 triệu đồng, thì đồng nghĩa với việc 2,9 triệu người sẽ không phải nộp thuế. Như thế không phù hợp với quan điểm ban đầu của Luật Thuế thu nhập cá nhân là người có thu nhập thì phải chịu thuế. Tuy nhiên, xét cho cùng, luật thuế nào thì cũng phải tính đến sức dân. Lúc này đời sống của người dân khó khăn, thì giãn mức thuế khởi điểm chịu thuế để khoan sức dân cũng là hợp lòng dân.

Và đương nhiên gắn với việc nâng mức giảm trừ gia cảnh, nếu dự thảo Luật sửa đổi được áp dụng từ 1.7.2013 thì ngân sách có thể giảm thu 5.200 tỷ đồng trong năm này. Ngân sách Nhà nước sẽ giảm thu khoảng 13.350 tỷ đồng trong năm 2014.

Nhưng hiện chưa thể khẳng định mức khởi điểm 9 triệu đồng đã là cao chưa. Bởi một số phép tính cho thấy, lạm phát từ 2009 tính đến nay đã trên 50%. Nếu tính cả hết 6 tháng đầu năm năm 2013, thì mức trượt giá là rất lớn, khiến thu nhập của người dân bị tác động lớn. Nếu mức chịu thuế quy định cứng, thì chẳng mấy chốc mức khởi điểm chịu thuế sẽ lại gặp tình trạng thu nhập chắt chiu mới đủ chi tiêu mà vẫn phải nộp thuế.

Còn nhìn vào các cách tính mức khởi điểm thuế thu nhập cá nhân hiện nay, thì có hai cách tính tương đối đơn giản. Cách đầu tiên dựa vào mức thu nhập bình quân đầu người/năm nhân với 2,5 lần. Đây là cách Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành áp dụng. Giả sử đến giữa năm 2013, thu nhập bình quân đầu người nước ta khoảng 1.830 USD/người, thì một số tính toán chỉ ra, mức khởi điểm chịu thuế cũng khoảng 9 triệu đồng. Cách nữa là tính theo lương cơ bản, thì các tính toán chỉ ra, đến năm 2014, mức khởi điểm chịu thuế phải là 9,9 triệu đồng, lớn hơn mức 9 triệu đồng mà Bộ Tài chính đề xuất. 

Cả hai cách nhìn này cho thấy, mức khởi điểm chịu thuế 9 triệu đồng/người/tháng mà Bộ Tài chính đề xuất cũng chỉ phù hợp với năm 2013 và 2014. Còn từ 2015 trở đi, nhiều khả năng đã bị lạc hậu. Trong khi đó, một luật ra đời cần có tính ổn định trong vài năm, theo kịp thực tế, chứ không phải sớm bị lạc hậu. Sẽ có thời điểm mức khởi điểm chịu thuế 9 triệu đồng chỉ vừa đủ sống cũng đã phải nộp thuế.

Một điểm băn khoăn nữa của dự thảo lần này là quy định mức giảm trừ gia cảnh sẽ giữ nguyên cho đến khi chỉ số giá tiêu dùng biến động trên 20% mới điều chỉnh. Người nộp thuế cho rằng quy định như vậy vẫn cứng nhắc, vì thực tế rất hiếm khi chỉ số này vượt 20%. Trong khi đó, hiện Chính phủ cũng đang nỗ lực chỉ đạo các bộ, ngành và doanh nghiệp thực hiện nhiều biện pháp để mục tiêu hàng đầu là kiểm soát lạm phát, và dài hạn là ổn định vĩ mô. Khi kinh tế vĩ mô ổn định thì có thể một thời gian rất dài, các mức giảm trừ của thuế thu nhập cá nhân sẽ không được điều chỉnh dù đã lạc hậu. Đây là điều không hợp  lý, cần nghiên cứu thêm.

Vũ Dũng
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân