Mục tiêu điều chỉnh hoạt động quảng cáo một cách đồng bộ, thống nhất cần hướng tới như thế nào?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

ĐBQH Nguyễn Văn Minh (TP Hồ Chí Minh): Nên chia thành quảng cáo dài hạn và quảng cáo nhất thời
 
Về quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng rôn, cần phải chia làm hai loại là quảng cáo dài hạn và quảng cáo nhất thời. Do tính đặc thù của hai hình thức này có khác nhau nên cần bổ sung trong Điều 3 về phần giải thích từ ngữ như sau: quảng cáo dài hạn là các bảng quảng cáo ốp tường, bảng trên cột trụ lớn, trụ đèn, hộp đèn, màn hình chuyên quảng cáo, quảng cáo trên phương tiện giao thông; quảng cáo nhất thời treo băng rôn, pa nô, áp phích phục vụ cho các chương trình tuyên truyền cổ động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, hội chợ, triển lãm, hội nghị, hội thảo, khai trương, khánh thành, khai giảng, họp báo, phát thưởng, kỷ niệm ngày thành lập, khuyến mãi, giới thiệu dịch vụ sản phẩm.

Tôi đề nghị trong luật nên có một điều quy định về kích thước, bảng quảng cáo đặt trên đường quốc lộ, bảng quảng cáo đặt trong các đô thị, khu dân cư và phải bảo đảm thực hiện các quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ giống như Khoản 3, Điều 35 của dự thảo Luật về các biển hiệu. Vì theo tôi, dự thảo Luật đã quy định kích thước biển hiệu thì tại sao lại không quy định về kích thước các loại quảng cáo trên bảng quảng cáo, quảng cáo màn hình chuyên quảng cáo và quảng cáo trên phương tiện giao thông. Đây mới chính là các hoạt động quảng cáo có mục đích sinh lời, nhưng nếu không quy định trong luật về kích thước sẽ dẫn đến mất trật tự và vẻ mỹ quan của các đô thị và sẽ không thống nhất trong việc quy hoạch quảng cáo ở các địa phương.

Ngoài ra, tôi cũng đề nghị có thêm một điều về thời gian được thực hiện quảng cáo như sau: quảng cáo bằng hình thức treo băng rôn, pa nô, áp phích thời gian tổ chức ngắn ngày, luật nên quy định cho phép quảng cáo là thời gian diễn ra các hoạt động đó và không quá 10 ngày, tối đa 1 tháng. Sau đó có thể gia hạn băng rôn, áp phích treo tại các cửa hàng kinh doanh. Quảng cáo trên bảng quảng cáo ốp tường, bảng trên cột trụ lớn, trụ đèn, hộp đèn, màn hình chuyên quảng cáo, kể cả quảng cáo trên phương tiện giao thông, tôi đề nghị thời gian quảng cáo trên một sản phẩm quảng cáo từ 6 tháng đến 12 tháng, có quy định này sẽ giúp cho đơn vị thực hiện quảng cáo và cơ quan quản lý nhà nước về quảng cáo dễ thực hiện và bảo đảm mỹ quan đường phố, tránh việc tranh giành những vị trí và thời gian nơi quảng cáo. Nếu không có thời gian thì có nhiều bảng quảng cáo cứ để nguyên nội dung quảng cáo nhưng bị rách, lu mờ hình ảnh đã qua thời điểm quảng cáo nhưng không tháo dỡ, thay đổi sẽ làm mất mỹ quan đô thị…
 
ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình): Tại sao lại đưa ra khỏi luật nội dung cấm quảng cáo sữa thay thế sữa mẹ?
 
Tôi không đồng tình với việc ban soạn thảo luật đưa ra khỏi dự thảo Luật về cấm sản phẩm quảng cáo sữa thay thế sữa mẹ, bình bú, vú ngậm với lý giải là ở Nghị định 21 của Chính phủ đã cấm. Từ chỗ cấm, đưa ra khỏi luật và lại cho phép quảng cáo và những điều này đã đưa vào trong luật, đã trình trước QH, bây giờ không có ý kiến gì mà lại đưa ra khỏi luật sẽ làm cho các đại biểu rất khó suy nghĩ ý định của Ban soạn thảo như thế nào. Tôi đề nghị đưa nội dung cấm quảng cáo sản phẩm thay thế sữa mẹ bình bú và đặc biệt là sữa dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi. Ngoài các lý do đã phân tích, tôi muốn nhấn mạnh thêm sữa mẹ có giá trị mà không một sản phẩm nào có thể thay thế được ở chỗ sữa mẹ cấu tạo chất dinh dưỡng đủ, phù hợp và tăng sức đề kháng cho trẻ. Sữa quảng cáo có thể tốt hơn nhưng có những hậu quả, ví dụ, nó có thể gây béo phì, gây sỏi thận và nhiều lý do khác. Nếu để cho quảng cáo thì sẽ tạo những sự hiểu nhầm và có hiện tượng nhiều bà mẹ không tin vào sữa của mình, vì thế mà thiếu trách nhiệm, thiếu quan tâm đến việc cho con bú. Nó cũng dẫn đến việc đề cao các sữa quảng cáo và bỏ đi truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam đó là tình mẫu tử gắn với người mẹ trong thời gian cho con 24 tháng. Chính vì thế làm cho người mẹ có dần niềm tin và từ đó ảnh hưởng đến việc sử dụng sữa mẹ cho con bú…

Mặt khác, sữa quảng cáo hiện nay chưa kiểm soát được và xuất hiện hàng giả, hàng nhái và điều QH hết sức mong muốn khi sửa đổi Bộ luật Lao động là tăng thời gian nghỉ thai sản lên 6 tháng để tăng thêm khả năng nuôi dưỡng, cải tạo nòi giống, chống suy dinh dưỡng, còi xương, nhẹ cân của trẻ Việt Nam. Trong lúc đó chúng ta lại không đưa quảng cáo này vào thì dần dần nó sẽ làm ảnh hưởng đến phát triển nòi giống.
 
ĐBQH Trần Hồng Thắm (Cần Thơ): Giao trách nhiệm thực hiện phải sát với chức năng và điều kiện thực thi của cơ quan đó

Đối với cơ quan quản lý nhà nước về quảng cáo ở Điều 6, tôi thống nhất với quan điểm nêu trong dự luật là trước tình hình hoạt động quảng cáo còn nhiều vấn đề bất cập cần có sự tác động đầy đủ về mặt quản lý nhà nước, đặc biệt là bảo đảm các yếu tố văn hóa, thẩm mỹ phù hợp với các chuẩn mực và thuần phong mỹ tục Việt Nam hàm chứa trong sản phẩm quảng cáo. Tuy nhiên, tôi vẫn còn băn khoăn về khả năng thực thi điều luật này. Chúng ta dự kiến giao quản lý nhà nước về quảng cáo cho Bộ VH, TT và DL với lý do là đỡ xáo trộn bộ máy. Như vậy, mục tiêu ban hành luật là điều chỉnh hoạt động quảng cáo một cách đồng bộ, thống nhất cần hướng tới như thế nào? Thực tế công tác quản lý hoạt động quảng cáo hiện nay cho thấy, hơn 80% thị phần quảng cáo được thực hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng và phương tiện điện tử thuộc trách nhiệm quản lý của ngành thông tin và truyền thông. Bộ máy để thực hiện chức năng này từ Bộ đến các địa phương là tương ứng, cụ thể như sau: trên xuất bản phẩm gồm báo in, báo nói, báo hình, các sản phẩm in, quản lý hoạt động trên lĩnh vực này trong đó có hoạt động quảng cáo do Cục Báo chí, Cục Xuất bản, Cục Quản lý phát thanh truyền hình và thông tin điện tử thực hiện. Trong lĩnh vực viễn thông gồm điện thoại di động, mạng internet, các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, facebook, chat… do Cục Viễn thông quản lý hoạt động. Như vậy, sau khi chuyển chức năng quản lý Nhà nước về thông tin từ Bộ Văn hóa – Thông tin trước đây sang Bộ Thông tin và Truyền thông, bộ máy quản lý nhà nước về quảng cáo của Bộ VH, TT và DL chỉ còn quản lý quảng cáo trực quang ngoài trời, chủ yếu là bộ phận cấp phép.

Hơn nữa, trong dự thảo Luật dự kiến bỏ cấp giấy phép quảng cáo đối với các hình thức quảng cáo ngoài trời, hướng đến việc quản lý hoạt động quảng cáo này theo quy hoạch của địa phương và tăng cường hậu kiểm. Đồng thời, trong dự luật nội dung quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo quy định tại Điều 5, đặc biệt ở Khoản 8 về thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm trong hoạt động quảng cáo của hơn 80% thị phần quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng và phương tiện điện tử đối với ngành Văn hóa Thể thao và Du lịch sẽ rất khó thực hiện. Thực tế hiện nay, các thắc mắc, khiếu nại của người dân gửi về ngành Thông tin và Truyền thông đối với hoạt động quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng rất nhiều, nhưng ngành Thông tin và Truyền thông chưa có cơ sở pháp lý để giải quyết các thắc mắc kiến nghị này và ngành VH, TT và DL lại càng không đủ điều kiện để giải quyết các vấn đề nêu trên. Do vậy tôi đề nghị cần cân nhắc điều này để việc giao trách nhiệm thực hiện phải sát với chức năng và điều kiện thực thi của cơ quan đó là chủ yếu, đồng thời phải đạt được mục tiêu mà luật cần hướng tới.
 
ĐBQH Lê Thị Tám (Nghệ An): Bản chất của hoạt động quảng cáo cần được hiểu là hoạt động vì mục đích sinh lời
 
Điều 3 giải thích từ ngữ, tôi vẫn cho bản chất của hoạt động quảng cáo cần được hiểu là hoạt động vì mục đích sinh lời, đây cũng là căn cứ quan trọng để có thể phân biệt giữa quảng cáo với các hoạt động tuyên truyền, quảng bá khác. Theo đó, tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu tổ chức lại Khoản 1, Điều 3 cho rõ hơn theo hướng tách làm 2 khoản: một khoản là giải thích khái niệm quảng cáo, một khoản là giải thích thuật ngữ dịch vụ không có mục đích sinh lời.

Về các hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo tại Điều 9, tôi tán thành với những hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo mà dự thảo Luật đã nêu. Bên cạnh đó, tôi đề nghị QH cân nhắc thêm một hành vi nữa đó là trong thực tế hiện nay có một số doanh nghiệp dường như đang lạm dụng nhiều hơn các vấn đề về nhân đạo để lồng vào việc quảng cáo các sản phẩm của mình. Đương nhiên, tôi không phản đối việc các doanh nghiệp làm công tác từ thiện, song việc sử dụng điều đó làm cơ hội quảng cáo thì cần phải tạo ra một khung pháp lý chặt chẽ, tránh tình trạng nói một đường, làm một nẻo, khi quảng cáo là sẽ làm từ thiện, nhưng thực tế không làm hoặc giá trị từ thiện không như quảng cáo. Tôi nghĩ hành vi lợi dụng lòng tốt của khách hàng cũng như hình ảnh của những người bất hạnh vào việc quảng cáo cho mình là hành vi không được khuyến khích trong luật.

Về thời lượng quảng cáo cũng như khung giờ quảng cáo, Điều 23 dự thảo Luật có quy định giới hạn về thời lượng quảng cáo trên truyền hình, định mức tối đa 10% đối với truyền hình không trả tiền và 5% đối với truyền hình trả tiền so với tổng thời lượng phát sóng một ngày trừ các kênh, các chương trình chuyên quảng cáo. Tôi thấy trong thực tế hiện nay tỷ lệ này cần phải được cân nhắc, bởi ngay cả truyền hình trả tiền ở nước ta hiện tại cũng không thể thu được nhiều kinh phí như ở các nước khác. Một phần do các nguyên nhân về xã hội. Vì vậy, việc quy định hạn chế thời lượng quảng cáo theo tỷ lệ trên sẽ khó có thể khả thi trên thực tế, hạn chế nguồn thu chính đáng từ quảng cáo để hỗ trợ lại cho sự phát triển của sự nghiệp truyền thông. Ở đây tôi muốn nói đến sự nghiệp truyền thông chứ không phải hoạt động quảng cáo. Vì vậy, tôi cho rằng giới hạn thời lượng quảng cáo trong dự thảo nên được nới ra và đi theo lộ trình từ từ, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các đơn vị phát sóng có đủ kinh phí hoạt động, tránh tình trạng vi phạm tràn lan nhưng lại không thể xử lý được…
 
ĐBQH Lê Hữu Phước (Bình Dương): Bộ VH, TT và DL quản lý nhà nước về quảng cáo là hợp lý
 
Trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo tại Điều 6 là nội dung hết sức quan trọng, bảo đảm cho việc thực thi luật một cách có hiệu quả. Tôi thống nhất với dự thảo Luật và báo cáo của UBTVQH là giao cho Bộ VH, TT và DL chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước về hoạt động quảng cáo. Bởi vì mục đích quản lý hoạt động quảng cáo chính là quản lý nội dung, sản phẩm quảng cáo ngoài việc bảo đảm tính thông tin chính xác còn phải hàm chứa yếu tố văn hóa, thẩm mỹ phù hợp với các chuẩn mực đạo đức và thuần phong mỹ tục của nước ta. Vì thế giao cho Bộ VH, TT và DL là phù hợp. Các bộ, ngành khác và UBND các cấp phối hợp quản lý với Bộ VH, TT và DL theo chức năng.

Về các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo tại Điều 8, trong dự thảo lần thứ hai trước đây, tại Khoản 4 có quy định cấm các sản phẩm thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ em theo quy định của pháp luật về y tế. Tuy nhiên, trong dự thảo lần này, cơ quan soạn thảo đã bỏ nội dung trên. Theo ý kiến của UBTVQH là do Nghị định số 21 năm 2006 của Chính phủ chỉ cấm quảng cáo sữa dùng cho trẻ em dưới 12 tháng tuổi. Do vậy, để cấm quy định hai lần về cùng một loại sản phẩm, dự thảo luật đã bỏ Khoản 4 Điều 8 về quy định cấm quảng cáo sản phẩm thay thế sữa mẹ và đưa nội dung này vào điểm d Khoản 4 Điều 21 quy định về điều kiện quảng cáo và bổ sung cụm từ “được phép quảng cáo theo quy định của pháp luật về y tế”. Theo tôi như thế là chưa đủ. Để khẳng định pháp luật Việt Nam quan tâm trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em, vì thế nên đưa nội dung cấm quảng cáo sữa dùng cho trẻ em dưới 12 tháng tuổi vào sản phẩm cấm quảng cáo trong Luật Quảng cáo để luật hóa việc cấm quảng cáo sữa cho trẻ em dưới 12 tháng tuổi. Trước đây, mặc dù đã có Nghị định của Chính phủ nhưng việc quảng cáo sữa vẫn còn tràn lan, gây ngộ nhận trong việc sử dụng sữa, ảnh hưởng đến trí tuệ của trẻ em.

Đối với hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo, trong dự thảo lần thứ hai tại Khoản 12, Điều 9 có quy định cấm quảng cáo dưới hình thức phát tờ rơi, tờ gấp, dán, vẽ các sản phẩm quảng cáo ngoài nơi quy định. Tuy nhiên, trong dự thảo lần này lại không đưa nội dung quy định này vào các hành vi cấm. Hiện nay, vấn đề quảng cáo rao vặt dưới hình thức phát tờ rơi, tờ gấp, dán, vẽ các sản phẩm quảng cáo đang tràn lan trên các bờ trường, trụ đèn chiếu sáng, cột tín hiệu giao thông ở các giao lộ… với những nội dung rao vặt quảng cáo gây mất thẩm mỹ, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến vệ sinh môi trường, trật tự xã hội, nếp sống văn minh đô thị, nếu không cấm sẽ rất khó cho việc quản lý đô thị. Vì thế, tôi đề nghị nên đưa nội dung này vào luật và trong hướng dẫn thi hành, đề nghị các địa phương phải quy hoạch bố trí địa điểm riêng dành cho quảng cáo, rao vặt.
 
ĐBQH Nguyễn Kim Hồng (Đồng Tháp): Cần bảo vệ cả quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng sản phẩm quảng cáo
 
Khoản 1, Điều 4 quy định về chính sách của nhà nước về hoạt động quảng cáo có nội dung bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân trong hoạt động quảng cáo. Tôi nhất trí với nội dung này nhưng đề nghị bổ sung thêm nội dung bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng sản phẩm quảng cáo vì hiện nay rất nhiều cử tri bức xúc và thậm chí bất bình với việc một số nội dung quảng cáo của tổ chức, cá nhân về khả năng điều trị một số bệnh, một số sản phẩm hàng hóa, thức ăn gia súc… gây hoang mang trong người dân về sự bán tín, bán nghi, lo lắng về những sản phẩm quảng cáo như vậy có đúng như quảng cáo không hay tiền mất tật mang. Tôi đề nghị bổ sung thêm để khẳng định rõ hơn chính sách của Nhà nước bên cạnh việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong hoạt động quảng cáo còn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng sản phẩm quảng cáo. Nội dung này cũng được thể hiện trong những hành vi cấm sử dụng trong quảng cáo, quy định về xử lý vi phạm trong hoạt động quảng cáo. Chúng ta có thể rà soát, bổ sung thêm những hành vi cấm để nhân dân thêm sự tin tưởng.

Về sản phẩm hàng hóa dịch vụ cấm quảng cáo ở Điều 8, tôi đề nghị Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra rà soát lại các văn bản liên quan để bổ sung các loại sản phẩm hàng hóa dịch vụ cấm quảng cáo cho đầy đủ hơn, mặc dù ở Khoản 7, Điều 8 có quy định giao cho Chính phủ quy định danh mục hàng hóa dịch vụ cấm quảng cáo khác khi có phát sinh trên thực tế. Nhưng ở những dự luật khác đã có một số điều cấm đề nghị nên rà soát lại.

Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân