Muối công nghiệp năm 2012: Tái diễn kịch bản thừa – thiếu?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

KHÔNG AI THÍCH NHẬP KHẨU!

Được coi là thủ phủ muối của miền Nam, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đầu tư kỹ thuật mới, triển khai công nghệ trải bạt, che mưa để sản xuất muối theo hướng hiện đại, kết tinh dài ngày, vừa có năng suất cao, chất lượng hiệu quả. Tuy nhiên, năm 2011, công ty sản xuất được 11.500 tấn muối tinh qua chế biến và 15.179 tấn muối chưa qua chế biến. Vì vậy, năm 2011, công ty chưa cung cấp được muối cho các doanh nghiệp có nhu cầu sản xuất xút clo trong nước bởi chưa đạt một số chỉ tiêu về chất lượng muối công nghiệp (MCN). Dự kiến năm 2012, công ty sản xuất đạt 25.000 tấn muối tinh qua chế biến và 30.000 tấn muối chưa qua chế biến. Hiện nay, công ty mới đi vào hoạt động nên chỉ khai thác được khoảng 200 ha ruộng muối. Chính vì vậy, sản lượng làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đấy.

Liên Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT đã thống nhất hạn ngạch thuế quan nhập khẩu MCN năm 2012 là 102.000 tấn. Toàn bộ số muối nhập về để sử dụng làm nguyên liệu sản xuất trong lĩnh vực y tế và hóa chất. Bộ NN&PTNT cho biết, đây là hạn ngạch thuế quan nhập khẩu muối trước mắt trong 191.000 tấn muối sẽ phải nhập trong năm 2012, theo đúng cam kết với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ NN&PTNT), dự báo, năm 2012, nếu thời tiết diễn biến bình thường, sản lượng muối có thể đạt 1 triệu tấn, cộng với sản lượng trong nước (170 ngàn tấn), dự trữ gối vụ và nhập khẩu, nguồn cung muối cả nước sẽ đạt khoảng 1,52 triệu tấn. Trong đó, tổng nhu cầu tiêu thụ muối năm nay khoảng 1,45 triệu tấn. Như vậy, sẽ thừa khoảng 70 nghìn tấn muối các loại. Đối với MCN, năm 2012, sản lượng sản xuất trong nước ước khoảng 280.000 – 300.000 tấn. Nhu cầu của các doanh nghiệp hóa chất, y tế khoảng 222.000 tấn. Như vậy, lượng MCN trong nước đảm bảo phục vụ cho nhu cầu.

Tuy nhiên, theo một số DN có nhu cầu sử dụng MCN, đây chỉ là con số “dự kiến”, được đưa ra trong điều kiện “thời tiết diễn biến bình thường”. Ở nước ta, công nghệ sản xuất muối chủ yếu là thủ công, phụ thuộc vào thời tiết nên kế hoạch dự kiến có thể bị “phá sản” khi mưa nhiều. Chính vì thế, cần có kế hoạch dự phòng. Nếu không, DN có khả năng rơi vào tình trạng “trở tay không kịp” vì không có muối sản xuất.

Bà Phan Thị Diệu Hà – Phó vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) – đặt câu hỏi: Nếu sản lượng MCN trong nước đảm bảo phục vụ nhu cầu, thì vì sao các DN sản xuất hóa chất và y tế vẫn phải xin hạn ngạch nhập khẩu? Thậm chí, nếu không cấp hạn ngạch, DN vẫn phải nhập ngoài hạn ngạch, thuế suất lên đến gần 60%, cao gấp 4 lần so với thuế trong hạn ngạch. Điều này chứng tỏ các DN thực sự có nhu cầu MCN. Năm 2011, mặc dù thuế nhập khẩu cao nhưng các nhà sản xuất xút clo vẫn phải nhập 250.000 tấn muối. Việc giá muối cao làm tăng giá thành và giảm sức cạnh tranh của sản phẩm, giảm lợi nhuận, ảnh hưởng xấu đến phát triển sản xuất xút clo và sô đa.

Bà Hà cho biết thêm, trong 5-10 năm tới, nhu cầu MCN trong nước rất lớn. Đặc biệt, khi Nhà máy sản xuất sô đa ở Quảng Ngãi công suất 350.000 tấn đi vào hoạt động, lượng MCN tiêu thụ cao hơn gấp nhiều lần so với hiện nay. Vì thế, nếu không cho cấp hạn ngạch nhập khẩu muối, sẽ gây khó khăn cho các DN sản xuất.

Ông Lê Văn Hùng – Tổng giám đốc Công ty MTV Hóa chất cơ bản miền Nam – cho hay, thực tế các DN sản xuất hóa chất trong nước không ai thích nhập khẩu muối. Công ty đã rất nhiều lần đăng thông báo mời thầu nhưng không mua được MCN trong nước.

Để ổn định lượng MCN cho tiêu dùng trong nước, theo ông Hùng, cơ quan quản lý nhà nước cần có chiến lược “chuẩn” tạo cho DN ổn định cả về số lượng và chất lượng muối trong nước, đảm bảo giá cả cạnh tranh so với muối nhập khẩu. Bên cạnh đó, cần có quy hoạch ngành muối dài hạn ít nhất là 10 năm gắn với quy hoạch các ngành sản xuất hóa chất để DN không còn gặp khó khăn về nguồn cung MCN.

15% – CON SỐ ÈO UỘT

Theo tính toán của các DN sử dụng muối sản xuất xút clo, 1 tấn muối nhập về trong hạn ngạch xấp xỉ 2 triệu đồng. Để sản xuất 1 tấn xút cần khoảng 1,7 tấn muối (tương đương với 3,4 triệu đồng). Trong khi đó, 1 tấn xút clo nhập khẩu xấp xỉ 13 triệu đồng, trong khi, mỗi năm nước ta phải nhập tới 70.000 tấn xút clo. Như vậy, xét về bài toán kinh tế, nhập xút hay muối có lợi hơn?

Ông Bùi Sơn Long – Giám đốc Chi nhánh Thực nghiệm chuyển giao công nghệ muối biển (Tổng công ty Lương thực miền Bắc) – nhận định, nếu không có một kế hoạch đồng bộ từ phía Nhà nước thì trong những năm tới vẫn sẽ diễn ra nghịch lý thừa – thiếu như hiện nay. Minh chứng điều này, ông Long cho biết, Trung Quốc và nhiều nước khác chỉ dành 17% sản lượng muối cho mục đích ăn uống, toàn bộ phần còn lại (83%) dành cho sản xuất công nghiệp. Trong khi đó ở nước ta 75% sản lượng muối dành cho tiêu dùng còn lại 15% dành cho sản xuất công nghiệp, con số này là quá èo uột. Hơn nữa, việc đi thu gom muối lẻ trong diêm dân hiện nay cũng rất khó khăn, do lượng muối ít, chi phí phương tiện vận chuyển cao, đẩy giá thành muối lên cao. “Chính vì thế, muối trong diêm dân vẫn thừa nhưng một số DN vẫn thiếu để sản xuất. Đó là một thực tế, chưa kể tới chất lượng muối không ổn định và đồng đều. Vậy ai là người chịu trách nhiệm đứng ra thu mua muối lẻ từ diêm dân? Trách nhiệm đó thuộc về các DN sản xuất và cung ứng muối. Nhưng các DN này từ trước tới nay cũng chưa bao giờ làm việc đó” – ông Long nói.

Để tìm lời giải cho bài toán muối nguyên liệu, các ý kiến đều cho rằng, Bộ NN&PTNT cần sớm triển khai ý tưởng xây dựng cơ sở sản xuất muối chất lượng cao, mở rộng thu hút đầu tư từ các DN nước ngoài sản xuất muối tập trung. Bên cạnh đó, Tập đoàn Công nghiệp hóa chất Việt Nam cũng cần sớm đẩy nhanh tiến độ dự án muối mỏ tại Lào để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu muối chất lượng cao cho sản xuất trong nước. Đồng thời, phải có chính sách với người làm muối, đảm bảo cho diêm dân có lãi khi đầu tư công nghệ để nâng cấp muối.

Theo ông Diệp Kỉnh Tần – Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Việt Nam có năng lực để sản xuất đủ cả muối ăn lẫn MCN trong nước. Song đến nay, vẫn chưa ban hành nổi tiêu chuẩn cho MCN làm cơ sở cho các DN áp dụng. Chính vì vậy, cần định hướng lại cơ cấu phát triển ngành muối. Ngoài ra, Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và Nghề muối cần sớm soạn thảo quy chuẩn, tiêu chuẩn MCN, để Bộ Khoa học và Công nghệ dựa vào đó thẩm định, ban hành.

Ông Đào Quang Tuyến -Tổng giám đốc Công ty CP Hóa chất Việt trì

Thực chất muối công nghiệp trong nước thừa hay không?

Với dây chuyền sản xuất 20.000 tấn xút clo/năm, hàng năm Công ty CP hóa chất Việt Trì cần khoảng 25.000 tấn MCN. Năm 2011, công ty được cấp hạn ngạch 7.500 tấn. Lượng còn lại phải “nhặt nhạnh” ở các doanh nghiệp sản xuất muối trong nước thông qua các công ty thương mại. Việc thu mua muối trong nước và xử lý khiến công ty thiệt hại 10 tỷ đồng/năm, do muối trong nước quá nhiều tạp chất, độ ẩm cao, chất lượng muối không đồng đều. Dù chất lượng không đảm bảo như vậy, nhưng cũng rất khó để mua được MCN trong nước. Chúng tôi cũng đã tham gia nhiều cuộc họp liên bộ để tìm nguồn cung muối nhưng trong các cuộc họp không có DN sản xuất muối trong nước nào có mặt. Tình trạng này diễn ra đã rất nhiều lần. Vấn đề ở chỗ: Thực chất MCN sản xuất trong nước có thừa hay không? Nếu thừa thì không có lý do gì lại không bán cho chúng tôi? Việc các công ty sản xuất muối trong nước không tham gia vào bất cứ một hợp đồng thầu nào có thể được hiểu là: Các nhà sản xuất đã có thị trường hoặc không có nhà sản xuất muối trong nước nào có đủ năng lực để cung cấp. Chính vì vậy, năm nay, nhu cầu của công ty chúng tôi là 30.000 tấn, hiện tại chưa rõ được phân bổ hạn ngạch là bao nhiêu. Nhưng công ty đã lên phương án “đối phó” là nhập khẩu ngoài hạn ngạch từ Trung Quốc. Mặc dù thuế cao (50%), nhưng bù lại chúng tôi có được số lượng và chất lượng ổn định, đồng đều. Không phải lo đi thu gom, “nhặt nhạnh” và xử lý tạp chất quá nhiều như năm ngoái.

Bà Nguyễn Thị Phượng – Giám đốc công ty TNHH Muối Khánh Vinh (Hải Phòng)

Không đủ cung cho một phần thị trường

Sản xuất muối, đặc biệt là MCN phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết. Đối với các đơn vị sản xuất như: Xí nghiệp muối Vĩnh Hảo, Công ty Cổ phần muối Ninh Thuận, Xí nghiệp muối Đầm Vua… hầu như không còn muối để bán. Nếu có thì mỗi DN cũng chỉ được mua với một số lượng rất ít. Điều đáng quan tâm, trong khi MCN của cả nước đang thiếu nghiêm trọng, thì một số thông tin cho rằng: Muối trong nước thừa mà phải đi nhập? làm cơ quan hữu trách rất khó giải thích trước dư luận. Với thời tiết thất thường và công nghệ hạn chế, lượng MCN trong nước nhiều năm nay không đủ để cung ứng một phần nhỏ ra thị trường. Chính vì vậy, việc sản xuất muối nên tập trung, tránh tình trạng sản xuất manh mún,

tràn lan, chất lượng muối xấu, rớt giá, rất khó tiêu thụ gây thiệt hại cho chính bà con diêm dân; tiếp tục thực hiện chính sách thu mua muối cho bà con diêm dân vào những năm được mùa. Đặc biệt, khuyến khích những đơn vị và cá nhân sản xuất MCN, tiêu dùng chất lượng cao trên cơ sở có lãi, bình ổn giá muối trong nước, đảm bảo kinh tế vĩ mô và đủ sức cạnh tranh với muối nhập ngoại. Bên cạnh đó, ngành muối Việt Nam phải có tầm nhìn chiến lược lâu dài, chuẩn bị cho mình hành trang, tư thế sẵn sàng để thực thi cam kết của Chính phủ trong lộ trình tham gia WTO.

Ông Phan Tinh Hoa – Giám đốc sản xuất – Công ty TNHH Vedan Việt Nam

Sẵn sàng mua muối trong nước

Năm 2011, Vedan cần tới 140.000 tấn MCN/năm, tuy nhiên cả năm chúng tôi chỉ được cấp hạn ngạch nhập khẩu 20.000 tấn, phần còn lại phải nhập khẩu ngoài hạn ngạch với thuế nhập khẩu lên tới 50%. 6 tháng đầu năm 2011, chúng tôi không mua được một kg muối nào từ trong nước dù đã “gõ cửa” 4 DN sản xuất.

Năm 2012, chúng tôi cũng cần 140.000 tấn MCN. Hiện tại, công ty chưa biết được cấp hạn ngạch là bao nhiêu và cũng rất lo lắng về nguồn cung lượng còn lại. Nói giá muối nhập khẩu thấp hơn muối trong nước là hoàn toàn sai, chúng tôi hoàn toàn không muốn nhập khẩu vì giá đắt, phí vận chuyển cao, thuế cao. Nếu mua được MCN trong nước, chúng tôi sẵn sàng mua, nhưng vì không có nên buộc phải nhập ngoài hạn ngạch.

Nguồn: Báo điện tử Công thương