Muốn lập ngân hàng phải kê khai tài sản cá nhân
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo Quyết định 24 do Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 7/6/2007, các ngân hàng sẽ được cấp giấy phép nếu có vốn điều lệ tối thiểu bằng mức vốn pháp định do Chính phủ quy định (từ nay đến cuối 2008 là 1.000 tỷ đồng). Vốn phải được góp bằng tiền đồng Việt Nam, và là nguồn hợp pháp, không đi vay dưới bất cứ hình thức nào.

Tuy nhiên, trong Quyết định số 46 ban hành ngày 25/12, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu cụ thể hơn, các cá nhân, tổ chức không được dùng vốn ủy thác, vốn vay của các tổ chức, cá nhân khác và phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của nguồn vốn góp. Trường hợp các cổ đông tổ chức, vốn góp là phần đã trừ đi các khoản đầu tư dài hạn và các khoản nợ ngắn hạn của chủ sở hữu.

Đặc biệt, hồ sơ của các cổ đông sáng lập là cá nhân, trước đây chỉ bao gồm đơn xin mua cổ phần, sơ yếu lý lịch, lý lịch tư pháp, văn bản cam kết về việc hỗ trợ ngân hàng trong trường hợp ngân hàng khó khăn về vốn và khả năng thanh khoản. Nhưng nay, các cá nhân muốn tham gia góp vốn thành lập ngân hàng còn phải nộp thêm cả bảng kê khai thu nhập, tài sản cá nhân có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên.

Kể từ khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận về nguyên tắc, đến nay cả 4 trường hợp Liên Việt, Bảo Việt, Dầu Khí và FPT vẫn chưa nộp lại hồ sơ để xin cấp phép chính thức. Trong số này, Liên Việt đã bắt đầu trình làng qua vụ ký kết thỏa thuận chiến lược xây dựng và phát triển hạ tầng công nghệ cho ngân hàng.

Nguồn: VnExpress