Năm 2007 – Năm thành công của du lịch Việt Nam
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

P/V: Thưa đồng chí Bộ trưởng năm 2007 được đánh giá là năm thành công của du lịch Việt Nam. Đồng chí đánh giá thế nào về nhận định này?

Bộ trưởng: Năm 2007 chúng ta đã đón 4,2 triệu lượt khách quốc tế, tăng 17,2% so với năm 2006. Khách nội địa ước đạt 19,2 triệu và doanh thu đạt 56 nghìn tỷ đồng. Những con số này đã phản ánh được một năm thành công của du lịch Việt Nam. Dù có nhiều chuyển biến tích cực song du lịch nước ta cần phải khắc phục một số hạn chế để phát triển bền vững trong nhiều năm tới. Những hạn chế này đã tồn tại từ nhiều năm nay như: công tác quảng bá xúc tiến, chất lượng sản phẩm, chất lượng nguồn nhân lực, môi trường du lịch, tình trạng lộn xộn trong kinh doanh, sự liên kết ngành, vùng còn chưa chặt chẽ…Trong thời gian tới chúng ta cần phải khắc phục những tồn tại trên để du lịch Việt Nam thực sự cất cánh.

P/V: Vậy theo Bộ trưởng đâu là nhiệm vụ chính mà du lịch Việt Nam sẽ phải làm trong thời gian tới?

Bộ trưởng: Năm 2008 là một năm bản lề của du lịch Việt Nam trong kế hoạch 5 năm (2006-2010). Theo tôi có 5 nhiệm vụ trọng tâm đặt ra đối với du lịch Việt Nam:

Thứ nhất, phấn đấu đạt chỉ tiêu đón 5 triệu lượt khách quốc tế, 21 triệu lượt khách nội địa và doanh thu đạt 64 nghìn tỷ đồng. Đây là chỉ tiêu quan trọng và là một nhiệm vụ nặng nề để chúng ta có thể về đích trước một năm kế hoạch 5 năm (2006-2010).

Thứ hai, tiếp tục nâng cao sản phẩm và phát triển các loại hình du lịch bởi chúng ta có tiềm năng rất lớn về nhiều loại hình du lịch như: du lịch biển, du lịch MICE, du lịch Caravan….

Thứ ba, tập trung đào tạo nguồn nhân lực đặc biệt là đào tạo theo nhu cầu của xã hội, xã hội hóa trong công tác đào tạo. Nguồn nhân lực là yếu tố quyết định sự thành công của du lịch Việt Nam trong những năm tới. Hiện nay chúng ta mới có 300000 lao động trực tiếp và tới 2010 chúng ta cần tới 500000 lao động chưa kể tới chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế và phải đào tạo lại.

Thứ tư, huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển du lịch: vào cơ sở lưu trú, cơ sở hạ tầng, khu vui chơi… đặc biệt là phát triển du lịch gắn với xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo của cả nước.

Thứ năm, đẩy mạnh xúc tiến quảng bá, mở rộng thị trường đặc biệt là thị trường khách quốc tế nhằm nâng cao vị thế của du lịch Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới.

P/V: Hiện nay giá cả tiêu dùng gia tăng kéo theo giá khách sạn cũng như các dịch vụ khác tăng theo. Liệu điều này có ảnh hưởng tới lượng khách quốc tế đến Việt Nam?

Bộ trưởng: Tất nhiên việc lo ngại về vấn đề này cũng là lẽ thường tình. Hiện nay, nền kinh tế của chúng ta là nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa nên giá của các dịch vụ theo cơ chế này sẽ do thị trường quyết định. Giờ đây chúng ta đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, chúng ta phải cạnh tranh nhưng điều quan trọng là cạnh tranh như thế nào. So với các nước trong khu vực cũng như trên thế giới, giá phòng của các khách sạn ở Việt Nam còn thấp. Chúng ta tin tưởng Việt Nam sẽ luôn là điểm đến hấp dẫn của bạn bè quốc tế.

P/V: Xin Bộ trưởng cho biết sự phối kết hợp trong khai thác giá trị văn hóa và du lịch thời gian tới?

Bộ trưởng: Trước đây chúng ta cũng đã phối hợp để khai thác giá trị du lịch nhân văn song còn chưa chặt chẽ. Hiện nay chúng ta đã sáp nhập thành một bộ chung là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chắc chắn sẽ có điều kiện khai thác tiềm năng du lịch tự nhiên, nhân văn hơn. Cụ thể như sắp tới chúng ta sẽ có các tour du lịch nghệ thuật, du lịch gắn với các bảo tàng, di tích lịch sử. Du khách được đi thăm quan thiên nhiên, được nghe nhã nhạc cung đình Huế, được xem tuồng, chèo, múa rối nước, hát then đàn tính…

P/V: Trước thềm năm mới, Bộ trưởng có những dự cảm gì về sự tăng trưởng của du lịch Việt Nam?

Bộ trưởng: Trước tiên thay mặt cho ngành xin gửi lời cảm ơn tới các cơ quan báo chí. Trong thời gian qua, nhờ có các phương tiện truyền thông mà du lịch Việt Nam được thế giới biết tới nhiều hơn. Việt Nam đang là điểm đến an toàn, thân thiện và hấp dẫn.

Việt Nam đã gia nhập WTO, thời cơ nhiều, thuận lợi nhiều nhưng thách thức với du lịch Việt Nam cũng không nhỏ. Nhưng tôi tin rằng với thời cơ và thành tựu mà chúng ta đã đạt được trong thời gian qua thì du lịch Việt Nam sẽ hoàn thành các mục tiêu đã đề ra và như tôi đã nói là sẽ phấn đấu về đích trước 1 năm kế hoạch 5 năm (2006-2010).

P/V: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Nguồn: CPV