Năm 2008, dệt may VN tăng nội địa hóa, giảm gia công
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Ngày 10/01, tại Hà Nội, Tập đoàn Dệt May Việt Nam) đã tổ chức Hội nghị báo cáo tổng kết năm 2007 và phương hướng nhiệm vụ năm 2008. Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, Thứ trưởng Bùi Xuân Khu cùng các lãnh đạo Bộ, lãnh đạo Tập đoàn Dệt May và các công ty thành viên của Tập đoàn.

Phát biểu trước hội nghị, ông Vũ Đức Giang cho biết: trong năm 2007, ngành dệt may Việt Nam đã có nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển như: Việt Nam gia nhập WTO nên đầu tư tăng trưởng mạnh, môi trường đầu tư và kinh doanh được cải thiện, cơ hội kinh doanh mở rộng trên nhiều lĩnh vực; Hàng dệt may Việt Nam không bị phân biệt đối xử, không còn rào cản, Việt Nam đã lọt vào top 10 nước và vùng lãnh thổ xuất khẩu hàng may mặc lớn nhất thế giới. Giá trị SXCN của Tập đoàn Vinatex năm 2007 tăng 13,4% so với năm trước, tổng doanh thu đạt 22.348,5 tỷ đồng. Nhiều đơn vị trực thuộc Tập đoàn đã đạt được mức tăng trưởng cao như TCty Phong Phú, TCty may Việt Tiến, Công ty Cổ phần Dệt công nghiệp Hà Nội, Công ty Cổ phần Sợi Phú Bài… và nhiều đơn vị đã vượt qua khó khăn bắt đầu có lãi như Công ty Cổ phần dệt Vĩnh Phú, Công ty Cổ phần dệt may Huế…Trong năm 2007 nhiều dự án đầu tư cũng đã được Tập đoàn triển khai, bao gồm các dự án đầu tư mở rộng sản xuất, dự án Khu công nghiệp và bất động sản, dự án cho khối viện-trường với tổng số vốn đầu tư là 7.327,9 tỷ đồng.

Ngoài ra, Tập đoàn Dệt May Việt Nam cũng đã đạt được những kết quả khả quan trong một số lĩnh vực như công tác cổ phần hoá, đa dạng các ngành nghề kinh doanh, phát triển quan hệ hợp tác quốc tế, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu – thời trang hoá ngành dệt may Việt Nam, đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Dệt May và trong nghiên cứu khoa học.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn tồn tại những khó khăn như giá nguyên liệu, nhiên liệu tăng mạnh, các chi phí đầu vào tiếp tục tăng cao; tình trạng biến động lao động, thiếu những lao động lành nghề, có trình độ; cơ chế giám sát hàng may mặc Việt Nam nhập khẩu vào thị trường Hoa Kỳ; cạnh tranh gay gắt với các cường quốc dệt may trên thế giới… đặc biệt là Trung Quốc trên cả thị trường xuất khẩu và nội địa. Hạn chế của ngành Dệt May Việt Nam năm 2007 là tốc độ tăng trưởng của Tập đoàn Dệt May thấp hơn tốc độ tăng chung toàn ngành (11,7% so với 34,5%); sản xuất bông còn đạt thấp (41% về diện tích, 57,2% về sản lượng); sản xuất vải dệt thoi không hiệu quả so với những năm 2004-2005; công tác xây dựng thương hiệu chưa bài bản, chưa chuyên nghiệp và rộng khắp; công tác thu hút, đào tạo, phát triển cán bộ còn thiếu và yếu; hệ thống trường-viện chưa gắn bó chặt chẽ, hiệu quả với doanh nghiệp.

Hướng tới nhiệm vụ năm 2008, Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã đặt ra một số mục tiêu tổng quát như: tăng trường các chỉ tiêu chính đạt 17%; tỷ suất lợi nhuận trên vốn đạt 16%; hoàn thành việc tư vấn CPH và xác định giá trị Tập đoàn trong Quý IV/2008; xem xét IPO trong Quý IV/2008 hoặc Quý I/2009; triển khai hiệu quả 3 chương trình chiến lược về vải, cây bông và đào tạo nguồn nhân lực; hoàn thiện và vận hành hiệu quả mô hình tổ chức mới của tập đoàn.

Ông Vũ Đức Giang cũng kiến nghị với Chính phủ, các Bộ ngành và địa phương một số vấn đề về mở cửa thị trường, chống rào cản thương mại, đầu tư các cơ sở hạ tầng, quy hoạch vùng trồng bông, cho vay vốn ưu đãi xây dựng các nhà máy xử lý nước thải tại các khu CN dệt nhuộm, hỗ trợ di dời các nhà máy lớn khỏi các đô thị, đầu tư vốn cho công tác đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ các chương trình xúc tiến thương mại, xây dựng và quảng bá hình ảnh dệt may Việt Nam.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng năm 2008 thách thức đối với ngành dệt may Việt Nam còn lớn hơn năm 2007. Đó là phía Hoa Kỳ vẫn duy trì cơ chế giám sát đối với hàng dệt may Việt Nam. Hiện nay Hoa Kỳ đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống sắp tới nên khó có những thay đổi trong việc dỡ bỏ cơ chế giám sát. Tuy nhiên, phía Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao vẫn đang cố gắng tiếp tục đàm phán về cơ chế và trong thời gian này các doanh nghiệp lưu ý trong hoạt động xuất khẩu, không để Hoa Kỳ có cơ sở áp thuế chống bán phá giá. Với Trung Quốc nước sản xuất và xuất khẩu hàng dệt may lớn nhất thế giới, trong năm 2008 được Liên minh châu Âu xóa bỏ hoàn toàn về hạn ngạch sẽ là đối thủ cạnh tranh lớn với Việt Nam. Riêng về Hiệp định hợp tác kinh tế toàn diện Việt Nam- Nhật Bản, hai bên đang đẩy quá trình kết thúc đàm phán, trong đó có lĩnh vực dệt may và hy vọng khi được ký kết sẽ mang lại mức tăng trưởng cao (từ 12% hiện nay lên 20%) cho Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường này… Bộ trưởng đề nghị Tập đoàn dệt may nói riêng và ngành dệt may nói chung trong năm 2008 nên tập trung xúc tiến thương mại, đột phá về thiết kế mẫu mã và thương hiệu; tăng nội địa hóa, chủ động trong sản xuất, giảm gia công, vì hiện nay việc nhập siêu của Việt Nam đang chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu. Bên cạnh đó các doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh sản xuất, củng cố thị trường đã có, đẩy mạnh thị trường mới, sắp sếp lại bộ máy, tăng cường hiệu quả hoạt động. Theo Bộ trưởng, với mục tiêu mà ngành dệt may đặt ra trong năm 2008, tăng trưởng 20%, đạt kim ngạch xuất khẩu 9,5 tỷ USD; đây là một con số khá lớn nhưng vẫn thấp hơn kế hoạch tăng trưởng xuất khẩu của cả nước là 22%. Ngành dệt may nên phấn đấu mức tăng trưởng cao hơn để đảm bảo mức tăng xuất khẩu chung của cả nước và cũng là ngành xuất khẩu dẫn đầu.

Nguồn: Báo Hà Nội mới