Năm 2012: Cắt giảm 24 nhóm thủ tục hành chính
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Tháo gỡ những nút thắt

Các nhóm TTHC này được lựa chọn trên cơ sở khảo sát, đánh giá thực tiễn, trao đổi với các bộ, ngành, địa phương liên quan và tham vấn các thành viên Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính. Cục trưởng Cục kiểm soát TTHC, Văn phòng Chính phủ, Ts Ngô Hải Phan cho biết, “đợt rà soát này sẽ tập trung vào các nhóm TTHC, quy định có liên quan còn gây nhiều bức xúc, là rào cản đối với sự phát triển KT-XH để tiến hành rà soát, tháo gỡ  “nút thắt” nhằm tiếp tục cắt giảm gánh nặng hành chính, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế”.

24 nhóm TTHC gồm các nhóm TTHC, quy định liên quan đến những vấn đề như, mã số công dân; đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hoạt động doanh nghiệp thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện; tạo thuận lợi hóa thương mại và vận tải; thuế; kinh doanh bảo hiểm, chứng khoán; xuất khẩu hàng hóa các mặt hàng nông, lâm, thủy, hải sản, giầy da và dệt may; lĩnh vực chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư xây dựng và vận hành khai thác nhà máy điện; hoạt động điện lực. Bên cạnh đó, còn có các nhóm thủ tục hành chính, quy định có liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với sản phẩm hàng hóa, sản phẩm dịch vụ; thực hiện dự án đầu tư (đầu tư – đất đai – xây dựng); kinh doanh vận tải bằng ô tô; kiểm định, bảo đảm an toàn thực phẩm; kiểm dịch thực phẩm; bảo hiểm thất nghiệp và người có công; lĩnh vực đào tạo, thiết bị y tế, hành nghề y, dược, khám chữa bệnh; quốc tịch; bản quyền tác giả; quản lý cư trú; hoạt động truyền hình trả tiền… Nếu bóc tách 24 nhóm này ra sẽ có tới 116 nhóm quy định, TTHC và chia nhỏ tiếp có hơn 300 TTHC liên quan là đối tượng của đợt rà soát.

Điểm mới của lần rà soát này là xem xét một cách hệ thống, tổng thể để cắt giảm. Cách làm khác cơ bản so với  Đề án 30, khi đề án này lựa chọn từng TTHC để rà soát theo các tiêu chí: cần thiết, hợp lý, hợp pháp và tính hiệu quả. Việc rà soát theo nhóm, sẽ là sự sắp xếp toàn bộ các thủ tục, quy định có liên quan với nhau để rà soát, tiếp cận trên cơ sở sơ đồ hóa các quy định, TTHC trong một chuỗi tổng thể, từ đó xem xét tính logic, hợp lý của các quy định.

Trách nhiệm cụ thể của từng bộ, ngành

Theo Ts Ngô Hải Phan cho rằng, mục tiêu cụ thể của đợt rà soát là sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc huỷ bỏ quy định, TTHC không cần thiết, không phù hợp, không đáp ứng được các nguyên tắc về quy định và  bảo đảm đơn giản hoá thủ tục hành chính và các quy định có liên quan, tương ứng với cắt giảm ít nhất 30% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính”. Và để đạt kết quả rà soát cao, rất cần đến sự quyết tâm của tất cả các bộ, ngành, địa phương liên quan, đặc biệt là của người đứng đầu các cơ quan hành chính. Đây cũng là điểm mới của chương trình cải cách 2012 đối với quy định, TTHC. Các bộ, ngành, địa phương sẽ đứng ra chủ trì rà soát các quy định, TTHC, từ đó đề xuất việc cắt giảm và các cơ quan phối hợp cũng phải tham gia cùng đơn vị chủ trì vì 30% chi phí tuân thủ cắt giảm được là tính theo nhóm các TTHC chứ không tính theo đơn lẻ từng TTHC. Vì vậy, trách nhiệm của cơ quan chủ trì và cơ quan phối hợp được đề cao như nhau. Hơn nữa, trong quá trình tiến hành rà soát sẽ có chế độ khen thưởng, phê bình những địa phương, bộ, ngành chưa chung tay thực hiện CCHC. Ts Ngô Hải Phan cho rằng, cái mới của năm nay là làm theo nhóm vấn đề, trách nhiệm của Bộ phối hợp, trách nhiệm của Bộ chủ trì, của đơn vị chức năng chủ trì, đơn vị phối hợp trong từng bộ cùng tham gia thì mới có kết quả tốt, không như trước đây ai chủ trì người đó làm, phối hợp chỉ hình thức.

Theo tinh thần Quyết định số 263/QĐ-TTg, Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ và 6 địa phương là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Long An, Cần Thơ triển khai thực hiện kế hoạch và hoàn thành việc rà soát đáp ứng được mục tiêu đề ra và gửi báo cáo Chính phủ kết quả rà soát trước ngày 31.08.2012.

Thực tế, TTHC và những quy định có liên quan là hành lang pháp lý cho mọi hoạt động. Nếu TTHC khó thực hiện sẽ tạo cơ hội cho nhũng nhiễu, tiêu cực phát sinh và cản trở sự phát triển KT – XH. Vì vậy, việc thường xuyên xem xét các TTHC để cắt giảm là điều hết sức bình thường. TTHC hôm nay có thể phù hợp nhưng một thời gian sau sẽ không còn phù hợp nên phải xem xét để loại bỏ, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, để giảm thiểu việc các TTHC vừa mới cắt giảm lại tiếp tục mọc ra gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp thì trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương phải được đề cao, đặc biệt là trách nhiệm của các Ban soạn thảo khi đánh giá tác động theo các nhóm tiêu chí: cần thiết, hợp lý, hợp pháp và hiệu quả đối với TTHC dự kiến ban hành để kịp thời loại bỏ ngay từ đầu những quy định, TTHC không phù hợp, nếu ban hành sẽ gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, việc kiểm soát TTHC không dừng lại về mặt quy định mà cần kiểm soát cả khâu tổ chức thực hiện những TTHC đã được cắt giảm nhằm bảo đảm tính thực tiễn của chương trình cải cách.

Phùng Thanh Hương
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân