Năm 2012: Kênh đầu tư nào sẽ sinh lời cao?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Năm 2011 khép lại với vô vàn khó khăn đè nặng lên nền kinh tế đất nước nói chung, thị trường chứng khoán, bất động sản, vàng, hàng hóa nói riêng. Các nhà đầu tư cũng đã rút ra cho mình những bài học kinh nghiệm trong khó khăn để “trưởng thành” hơn khi bước vào “cuộc chơi” mới trong năm 2012. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia tài chính, kênh đầu tư nào sẽ mang lại kỳ vọng sinh lời cao trong năm 2012 là câu hỏi đặt ra đang tìm lời giải…

Theo thống kê, 9 tháng đầu năm 2011 có gần 50 nghìn doanh nghiệp phá sản – một con số vượt gấp đôi so với cùng kỳ năm 2010 và cũng khoàng từng đó doanh nghiệp lâm vào cảnh hết sức khó khăn, nếu “buông” khỏi sự hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước thì cũng phải giải thể. Gánh nặng của sự phá sản các doanh nghiệp luôn để lại những hệ lụy ngoài mong muốn. Nguyên nhân và cũng là hệ quả của tình trạng trên là giá cả các loại hàng hóa chính như thực phẩm, xăng dầu, điện… cùng lãi suất cho vay tại ngân hàng leo thang. Với đa số doanh nghiệp Việt Nam thuộc loại vừa và nhỏ, đã khó có nhiều doanh nghiệp đạt được tỷ lệ lợi nhuận sau thuế ở mức 20% để có thể gồng mình vay mượn ngân hàng với lãi suất 25-27%. Thế bế tắc của khối doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng là “điểm chết” đối với kênh đầu tư hàng hóa chuyên dùng – một kênh không được xem là phổ thông. Trong khi đó, các kênh đầu tư, thị trường khởi sắc phụ thuộc vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp…

Bất động sản có ấm lại?

Năm 2011 có thể nói là năm đầy khó khăn đối với thị trường và nhà đầu tư bất động sản, càng về cuối năm sự khó khăn càng hiện hữu. Hàng loạt doanh nghiệp bất động sản đã phải dừng cuộc chơi, bán tháo, tuyên bố phá sản khi gánh nặng lãi suất và thời gian đáo hạn vay đã đến. Theo thống kê, hiện các doanh nghiệp bất động sản đang có khối nợ khổng lồ 245,000 tỷ đồng (chưa tính đến trái phiếu doanh nghiệp). Số tiền này chủ yếu chôn vào những dự án căn hộ trung – cao cấp và một số dự án đất nền, “biến các ngân hàng và nền kinh tế thành con tin của thị trường BĐS”.

Vì vậy, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, vấn đề lo ngại nhất hiện nay là nợ xấu cho vay bất động sản. Rủi ro từ khu vực bất động sản với ngân hàng là rất lớn nên sự phục hồi của thị trường bất động sản không chỉ là cúu cánh cho ngân hàng mà còn cho các lĩnh vực kinh tế khác.

Và vấn đề giải cứu thị trường bất động sản thời gian tới cũng đã được đưa ra bàn thảo tại Kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIII vừa qua cùng với đó là các động thái khơi dòng vốn chảy vào một số phân khúc của thị trường này. Những yếu tố đó là cơ sở để nhiều nhà đầu tư kỳ vọng vào sự ấm lên của thị trường địa ốc.

Chứng khoán – phục hồi mong manh

Trên tất cả và đặc biệt nguy hiểm chính là kênh đầu tư vào chứng khoán. Nếu vào cuối năm 2010, chỉ số chứng khoán sàn Hà Nội (HNX) còn giữ được vùng trên 100 điểm thì đến tháng 12/2011, chỉ số này đã sụt giảm gần 50%. Cổ phiếu vừa và nhỏ, kể cả một số bluechip đã mất đến 70-80%.

Từ cả năm nay, nhiều lần giới phân tích và các nhà đầu tư tranh luận không ngớt về hiện trạng của chỉ số chứng khoán trên hai sàn đã đủ cho chúng lập đáy hay chưa. Nhiều kỳ vọng về đáy đã hình thành. Nhưng cũng như bong bóng xà phòng, hy vọng ấy mau chóng bị tan vỡ khi chỉ số tiếp tục phá đáy cũ, lập đáy mới.

Song từ giữa năm 2011đến nay, ngoài hậu quả lao dốc về điểm số và mất giá cổ phiếu, TTCK còn mang trên mình một tai họa khác: thanh khoản. Ban đầu chỉ là hiện tượng một số cổ phiếu nhỏ dần cạn kiệt lượng giao dịch. Nhưng sau đó, cơn bão này mạnh hẳn lên và lan đến hàng trăm cổ phiếu khác.
Hiện tượng cạn kiệt và dẫn đến mất thanh khoản lại từ nhóm cổ phiếu tràn sang khối công ty chứng khoán. Đến đây, vở bi kịch mới bắt đầu màn thê lương nhất của nó. SME là công ty chứng khoán đầu tiên bị vét sạch tiền – đầu tiên là tiền phải trả nợ cho ngân hàng, sau đó là thiếu tiền thanh toán cho khách hàng. Sau SME là công ty chứng khoán Tràng An (TAS), rồi tới công ty chứng khoán Đông Dương…

Không khó khăn gì để hình dung ra kịch bản mất thanh khoản sẽ còn hành hạ nhiều công ty chứng khoán nhỏ và vừa khác. Mối nguy của thị trường này đã lớn gấp đôi thị trường bất động sản khu vực phía Nam. Bởi đơn giản là thị trường bất động sản, dù quá eo hẹp về giao dịch nhưng mặt bằng giá lại không bị giảm kinh hoàng như TTCK.

Vào những ngày đầu năm 2012, vẫn chưa có bất cứ một dấu hiệu nào cho thấy sự phục hồi của TTCK. Bởi thế, việc chọn lựa đầu tư vào thị trường này trong năm sau vẫn mang tính hiểm nguy không nhỏ. Nhưng chứng khoán có phải là kênh rủi ro nhất trong tất cả các kênh có thể đầu tư? Cần suy nghĩ về chọn lựa này một cách nghiêm túc.

Nếu chỉ xét về mặt bằng giá thì có thể khẳng định là giá của rất nhiều cổ phiếu trên TTCK Việt Nam đang ở vùng đáy. Vùng đáy này không biểu thị cho sự phục hồi mau chóng của chúng, nhưng ít nhất, cùng với tính thanh khoản cạn kiệt, cũng khiến chúng khó giảm mạnh trong thời gian tới. Trong khi đó, ở một thái cực hoàn toàn ngược lại, vàng đang trở thành một ẩn số khó hiểu nhất.

Dù bối cảnh có vẻ bi đát, nhưng theo các chuyên gia, chứng khoán sẽ là kênh khởi sắc trong năm sau, vì một số lý do. Thứ nhất, chứng khoán đã ảm đạm trong một thời gian dài và hiện xuống mức khá thấp, trong khi sự thăng trầm của thị trường này lại ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế. Khi thị trường lao dốc, các nguồn tiền rút lui khỏi chứng khoán, doanh nghiệp không huy động được vốn vào sản xuất, kinh doanh. Điều này buộc cơ quan chức năng phải có động thái để vực dậy thị trường. Thực tế Quốc hội kỳ vừa qua cũng đã tuyên bố sẽ sớm có biện pháp cứu thị trường này; Thứ hai, chủ trương tái cấu trúc các DNNN sắp tới sẽ giúp nền kinh tế bật dậy. Khi kinh tế đi lên thì tất nhiên chứng khoán cũng khởi sắc theo.

Giá vàng tiếp tục đỏng đảnh?

Khác hẳn với chứng khoán, đến quý III năm 2011, giá vàng trong nước đã lập đỉnh cao nhất từ 11 năm qua, tính từ mốc năm 2000. Cũng trong 11 năm qua, trong khi giá vàng thế giới tăng 7,6 lần thì giá vàng trong nước đã tăng vọt đến chẵn 10 lần. Tỷ lệ này thậm chí còn vượt trên cả chỉ số tăng của BĐS.
Ai cũng biết giá vàng trong nước phụ thuộc cơ bản vào giá vàng thế giới. Nhưng giá vàng trong nước cũng đang lệ thuộc vào chính sách quản lý kinh doanh vàng – một yếu tố mới xuất hiện từ khoảng 4 tháng nay ở Việt Nam. Chính sách “siết” thanh khoản của kinh doanh vàng miếng đang được Ngân hàng nhà nước Việt Nam tiến hành, đã dần co hẹp lượng giao dịch trên thị trường vàng trong nước. Cho tới nay, điều ngạc nhiên là hiện tượng “biến mất” của vàng miếng thuộc những thương hiệu truyền thống và nổi tiếng như Rồng Vàng Thăng Long, một khả năng mà chỉ mới cuối quý 3 năm 2011 đã chẳng có mấy nhà đầu tư và người tiêu dùng nào hình dung ra.
Rõ ràng trong con mắt của Nhà nước, thị trường kinh doanh vàng miếng không cần được ưu đãi. Thậm chí ngược lại, rủi ro “đóng cửa” đối với thị trường này luôn chực chờ, đi kèm với một chính sách bất ngờ nào đó từ phía Ngân hàng nhà nước.

Và cũng gần như TTCK, thị trường vàng đang phải đối mặt với nguy cơ hụt thanh khoản. Mới đầu là thiếu thanh khoản tại một số thương hiệu vàng. Nhưng không có gì bảo đảm là ngay cả vàng miếng thương hiệu SJC cũng có thể cầm cự được về thanh khoản cho đến tháng 5/2012 -thời điểm mà công cuộc “tái cấu trúc” 12.000 cơ sở kinh doanh vàng được hiểu là sẽ cơ bản hoàn thành.

Trên thị trường quốc tế, hiện thời vẫn có hai luồng quan điểm về xu hướng của giá vàng. Một cách nhìn thiên về thái độ lạc quan. Morgan Stanley, một ngân hàng lớn của Mỹ, vẫn cho rằng trong năm 2012 giá vàng có thể đạt đến 2.200 USD/oz. Thậm chí, còn khá nhiều chuyên gia quốc tế cho rằng giá vàng chỉ có tăng mà không thể giảm, về dài hạn có đến vươn lên mức 4.000 hoặc 6.000 USD/oz.

Còn ở cách nhìn ngược lại, một số nhà phân tích lại xem giá vàng thế giới đã thực sự lập đỉnh 1.900 USD/oz vào tháng 8/2011. Nếu cách nhìn này là đúng thì không loại trừ sẽ xuất hiện hiện tượng bong bóng vàng, hay chính xác hơn là sẽ có thể xảy ra một vụ nổ bong bóng vàng, đưa vàng thế giới về vùng giá 1.500 USD/oz, thậm chí còn thấp hơn nhiều – 1.200 USD/oz hoặc 1.000 USD/oz.

Vào quý 4/2011, giá vàng thế giới lại phụ thuộc cơ bản vào đường đi của TTCK Mỹ. Với những gì mà chỉ số chứng khoán Dow Jones đang thể hiện, có hy vọng là TTCK Mỹ sẽ không bị sụt giảm quá mạnh trong ít ra 6 tháng tới, và điều đó cũng củng cố cho các ngưỡng hỗ trợ của giá vàng.

Gửi tiết kiệm – an toàn

Gửi tiết kiệm ngân hàng là một trong những kênh trú ẩn an toàn cho nhà đầu tư trong năm nay, nhất là thời điểm cuối năm. Chuyên gia kin tế Võ Trí Thành dự đoán, thời điểm vài tháng đầu năm 2012, khi thị trường chưa có kênh đầu tư nào khởi sắc rõ rệt, tiết kiệm ngân hàng vẫn là kênh thu hút vốn nhất. Hiện các ngân hàng đang ưu tiên cho việc gửi tiết kiệm ngắn hạn với mức lãi suất kịch trần là 14%, thậm chí mức lãi suất không kỳ hạn cũng xấp xỉ hoặc bằng 14%… Mức lãi suất trên được cho là khá ưu đãi đối với nhà đầu tư nhỏ, nguồn vốn tập trung không nhiều, tiết kiệm trong thời gian ngắn, vừa sinh lãi lại đảm bảo an toàn.

Các thống kê cũng cho thấy, dòng tiền nhàn rỗi đã trở lại với kênh đầu tư an toàn bậc nhất này. Bên cạnh đó, để thu hút nguồn vốn nhàn rỗi thời điểm cuối năm, các ngân hàng cũng mở ra nhiều chương trình khuyến mãi, tặng quà hấp dẫn cho khách hàng, các dịch vụ chăm sóc khách hàng ngày càng được nâng cao hơn…

Tuy nhiên, với các nhà đầu tư luôn muốn sinh lợi lớn thì gửi tiết kiệm ngân hàng dù an toàn nhưng cũng chỉ là nơi trú chân tạm thời. Những lĩnh vực đầu tư nóng khác như bất động sản, vàng, chứng khoán dù hy vọng khởi sắc song họ vẫn chưa hết tâm lý e ngại, lo sợ.

Hàng hóa – không ồn ào nhưng hiệu quả

Trong tình cảnh này, nhiều người đã nghĩ đến việc chuyển hướng đầu tư sang lĩnh vực giao dịch hàng hóa. Theo Ủy ban chứng khoán Nhà nước, hàng hóa được xem như kênh giao dịch thứ hai sau chứng khoán, khối lượng hợp đồng giao dịch trên kênh đầu tư này tăng mạnh từ năm 2009 và tăng cao hơn kênh chứng khoán trong năm 2010. Tại Việt Nam, Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam (VNX) là sở giao dịch hàng hóa đầu tiên chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2011. Hiện chỉ có 3 nhóm sản phẩm chính gồm cà phê, cao su, thép và một số sản phẩm theo tiêu chuẩn của các sàn quốc tế khác đang giao dịch tại VNX.

Chuyên gia tài chính cao cấp Bùi Kiến Thành cho rằng, giao dịch hàng hóa là đầu tư giá trị hàng hóa, về lâu dài sẽ là một kênh hấp dẫn. “Năm 2012, tôi nghĩ nếu đầu tư vào 2 mặt hàng café và chè sẽ thu được lợi lớn”, ông Thành nói.

Theo phân tích của ông Thành, hiện nay ngành café Việt Nam đứng hàng thứ 2 trên thế giới, sau Brazil với sản lượng trên 1 triệu tấn, doanh thu trên 2 tỷ USD/năm. Tuy nhiên chất lượng còn kém và giá bán còn thấp so với thị trường thế giới. Đây là một ngành đầy tiềm năng phát triển, nâng cao chất lượng, và tiếp cận thị trường hiệu quả hơn.

Còn với mặt hàng chè, hiện nay ngành chè Việt Nam, với sản lượng khoảng 1 triệu tấn/năm, đứng hàng thứ 5 thế giới và có khả năng bật lên mạnh, bằng quản lý tốt nguồn nguyên liệu, tạo sản phẩm chất lượng cao và thương hiệu mạnh. Thay vì xuất khẩu ở mức dưới 5 USD/kg, giá xuất khẩu có thể tăng lên đến trên 10 USD/kg, thậm chí 50 – 100 USD/kg cho các loại chè cao cấp. Khi đó doanh thu toàn ngành có thể đạt mức 5 tỷ USD và vươn lên cao hơn nữa thay vì dưới 2 tỷ USD như hiện nay.

Một điều quan trọng nữa là các hàng hóa này có tỷ lệ nội địa 100%, nhưng doanh thu lại khá thấp so với nhiều ngành gia công (doanh thu 5 – 10 tỷ USD mỗi năm), nhưng các ngành gia công này tỷ lệ nội đia rất thấp, chủ yếu là tạm nhập tái xuất, không đem lại lơi thể cho nền kinh tế phát triển bền vững. Theo ông Thành, ngoài đầu tư vào hàng hóa, một số dịch vụ khác cũng đem lại lợi nhuận cao trong năm sau, như ngân hàng, quản lý tài sản. Vì năm 2012 sẽ là năm tái cấu trúc nền kinh tế, và chuẩn bị cho phát triển ổn định bền vững trong những năm tiếp theo.

Do vậy, một trong những kênh đầu tư hấp dẫn nhất vẫn là ngân hàng. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, dịch vụ ngân hàng cũng luôn cần thiết cho sự phát triển kinh tế. Hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam còn đang trong thời kỳ phát triển, cho nên lĩnh vực này chứa đầy tiềm năng. Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam (ngoài quốc doanh) lớn nhất hiện nay có tổng tài sản khoảng 10 tỷ USD, trong khi tổng tài sản một ngân hàng tầm cỡ lớn trong khu vực là trên 100 tỷ USD và ngân hàng hàng đầu thế giới là trên 1000 tỷ USD. So về toàn ngành, tổng tài sản của hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam chỉ có 171 tỷ USD, so với Singapore là 1.916 tỷ USD. Vì vậy tiềm năng phát triển và sinh lợi của ngành ngân hàng Việt Nam trong những năm tới vẫn rất lớn.

Bên cạnh việc đầu tư vào ngành ngân hàng, lĩnh vực quản lý tài sản cũng là kênh hấp dẫn để rót vốn vào. Năm 2012 sẽ có rất nhiều cơ hội thu gom các công ty tốt, chưa niêm yết, thiếu nguồn tài chính để phát triển. Thị trường chứng khoán trì trệ cũng tạo cơ hội mua và sáp nhập một số công ty có sản phảm tốt, thị phần tốt, lực lượng điêu hành tốt.

PV
Nguồn: Tạp chí Tài chính điện tử