Năm mới, cơ chế mới
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo Quyết định số 2730/QĐ-NHNN, ban hành ngày 31.12.2015 và có hiệu lực từ ngày 4.1.2016, hằng ngày, NHNN sẽ công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ và tỷ giá tính chéo của tiền đồng với một số ngoại tệ khác. Tỷ giá trung tâm là cơ sở để các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài xác định tỷ giá mua, bán của đồng Việt Nam với đô la Mỹ. Tỷ giá trung tâm được xác định trên cơ sở tham chiếu diễn biến tỷ giá bình quân gia quyền trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng, diễn biến tỷ giá trên thị trường quốc tế của một số đồng tiền của các nước có quan hệ thương mại, vay, trả nợ, đầu tư lớn với Việt Nam, các cân đối kinh tế vĩ mô, tiền tệ và phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ. NHNN khẳng định: cách thức điều hành tỷ giá mới cho phép tỷ giá biến động linh hoạt hằng ngày theo diễn biến cung cầu ngoại tệ trong nước, biến động trên thị trường thế giới, nhưng vẫn bảo đảm vai trò quản lý của NHNN theo định hướng điều hành chính sách tiền tệ.

Thị trường không quá bất ngờ trước quyết định của NHNN. Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí vài ngày trước thềm năm mới, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã cho biết NHNN đang chuẩn bị các bước cần thiết để tiến tới một cơ chế điều hành tỷ giá mới. Những ngày cuối năm, thị trường thậm chí còn có những diễn biến “đón trước” thông tin này.

Trong cuộc họp báo chiều 4.1, tại trụ sở NHNN, ông Bùi Quốc Dũng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết có hai sức ép dẫn đến việc phải thay đổi cơ chế điều hành tỷ giá theo hướng linh hoạt hơn để thích ứng. Đó là dự đoán thị trường tiền tệ quốc tế năm 2016 có nhiều biến động khó lường, cùng với việc Việt Nam sẽ tiếp tục hội nhập sâu rộng hơn. “Chúng tôi đã nghiên cứu cơ chế điều hành tỷ giá mới từ lâu chứ không phải mới đây”, ông Dũng chia sẻ thêm. Cơ chế này cũng được Vụ Chính sách tiền tệ “âm thầm” thử nghiệm, mang đi tham vấn và nhận được sự tán thành của nhiều chuyên gia kinh tế, tài chính. 

Điểm mới – và cũng là điểm tích cực – của cơ chế điều hành mới là tỷ giá sẽ được điều chỉnh lên, xuống hằng ngày thay vì neo trong một thời gian dài. Nói cách khác, từ nay, NHNN có thể điều chỉnh tỷ giá bất cứ lúc nào. Như vậy, với quyết định này, NHNN đã chính thức thoát khỏi vòng kim cô tỷ giá tự mình đeo vào khi cam kết neo tỷ giá ngay từ đầu năm. Bởi vậy, cơ chế mới được kỳ vọng sẽ phản ánh thị trường sát thực hơn, hợp lý hơn; đồng thời hạn chế yếu tố tâm lý trên thị trường và hạn chế các yếu tố đầu cơ. Tuy nhiên, các chuyên gia tài chính – ngân hàng lưu ý rằng: cơ chế điều hành tỷ giá mới chỉ mang lại tác dụng như kỳ vọng nếu việc xác định tỷ giá trung tâm là khách quan, trung thực, minh bạch và hợp lý.

Theo Vụ Chính sách tiền tệ, tỷ giá trung tâm của Việt Nam sẽ được xác định trên 3 cơ sở: tham chiếu diễn biến của đồng USD và một số đồng tiền trên thế giới (euro, bath, nhân dân tệ, yen…); tham chiếu tỷ giá bình quân gia quyền trên thị trường liên ngân hàng; và trên cơ sở các cân đối vĩ mô, tiền tệ, mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ và chính sách kinh tế vĩ mô.

Dù cơ chế mới cho phép tỷ giá trung tâm biến động theo ngày, sát với thị trường hơn, song lãnh đạo NHNN cũng khẳng định, mục tiêu cao nhất của chính sách tiền tệ là ổn định thị trường ngoại hối, ổn định vĩ mô, vì vậy, tỷ giá sẽ không có biến động lớn. “NHNN bảo đảm tỷ giá không biến động quá mức và có đủ biện pháp để thực hiện điều đó” – Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh tại cuộc họp báo.

Tiểu Phong
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân