Năm tồn tại trong lĩnh vực thông tin và truyền thông
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

1. Nạn trộm, cắt cáp ngầm trên biển và những bất cập trong việc quản lý các công trình bưu chính viễn thông

Trong năm 2007, do chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của các hệ thống cáp biển, nhiều ngư dân khai thác cáp biển cũ đã làm đứt tuyến cáp quang biển Việt Nam – Thái Lan – Hong Kong (TVH) đe doạ đến tuyến cáp quang biển quốc tế SME3 và an toàn viễn thông quốc tế của Việt Nam.

Trước nguy cơ xâm hại các tuyến cáp quang biển đang hoạt động và theo đề nghị của Bộ Thông tin và Truyền thông, ngày 13/12/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 30/2007/CT-TTg về việc tăng cường bảo vệ các tuyến cáp viễn thông ngầm trên biển và đảm bảo an toàn viễn thông quốc tế.

Trong năm 2008 Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp các bộ, ngành, địa phương để triển khai đầy đủ và đồng bộ các nội dung của Chỉ thị.

2. Tình trạng in lậu sách, băng, đĩa lậu vẫn chưa được ngăn chặn có hiệu quả

Dù Thanh tra Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các cơ quan, ban ngành, tổ chức nhiều đoàn thanh tra liên ngành, phát hiện nhiều vụ in lậu sách, nhưng tình trạng sách in lậu, in nhái, in nối bản, băng đĩa lậu vẫn tồn tại và biến tướng dưới nhiều hình thức. Các cuốn sách, băng, đĩa càng bán chạy thì tỷ lệ in lậu càng nhiều. Thậm chí một số sách chưa phát hành nhưng đã bị in lậu tràn lan trên thị trường và mạng Internet.

3. Gia tăng tội phạm mạng thông qua các hình thức lừa đảo tài chính và cung cấp các nội dung thông tin độc hại trên mạng

Cùng với sự phát triển và thâm nhập ngày càng mạnh của Internet vào đời sống xã hội, nhiều vụ lừa đảo tài chính qua mạng và phát tán thông tin không lành mạnh đã bị phát hiện.

Hàng ngàn người dân đã bị thiệt hại tài chính khi trở thành nạn nhân của những vụ lừa đảo tài chính qua mạng, điển hình là vụ lừa đảo của “tập đoàn” Colony Invest.

Bên cạnh đó, nhiều phim, ảnh có nội dung vi phạm đạo đức thuần phong mỹ tục được đưa lên và phát tán rộng rãi trên Internet đã gây bức xúc trong xã hội, đồng thời khiến dư luận lo ngại về những mặt trái của các dịch vụ trực tuyến trên mạng.

4. Tình trạng phát triển thuê bao ảo trong lĩnh vực thông tin di động

Để cạnh tranh thu hút khách hàng, nhiều mạng di động đã đưa ra các chương trình khuyến mãi gây sốc như: nhân đôi, nhân ba tài khoản cho khách hàng và đã gây ra hiện tượng “mua SIM mới thay cho nạp thẻ cào” dẫn đến hậu quả gia tăng số thuê bao ảo.

Để giải quyết vấn đề này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có quyết định áp dụng phương án cấp mã mạng mới theo phương án đa mã mạng nhằm bảo vệ quyền lợi người sử dụng dịch vụ đồng thời quy định hiệu suất sử dụng kho số tối thiểu là 65% và triển khai đề án quản lý thuê bao di động trả trước từ ngày 01/01/2008.

5. Chiến lược, cơ chế, chính sách đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao chậm được ban hành

Thiếu nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng đang là vấn đề cấp thiết, đã làm ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành công nghệ thông tin.

Nhằm nhanh chóng phát triển nhân lực công nghệ thông tin đáp ứng nhu cầu của xã hội, ngày 26/10/2007, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã ký Quyết định số 05/2007/QĐ-BTTTT phê duyệt Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin Việt Nam đến năm 2020.

Cùng với quy hoạch này, Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin để trình Chính phủ thông qua.

Tuy nhiên, tiến độ xây dựng cơ chế chính sách phát triển nguồn nhân lực này đến nay đã chậm, trong khi nhu cầu nhân lực công nghệ thông tin có trình độ đang là yêu cầu bức xúc của xã hội.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam