Tái cơ cấu nền kinh tế mà không sửa đổi các luật đang vướng mắc hiện nay, không ban hành các luật mới như nhiều ĐBQH đã nêu thì không biết chúng ta sẽ tái cơ cấu bằng cách nào?
Vì tiền đề của tái cơ cấu nền kinh tế là thể chế tức là phải sửa đổi hoặc ban hành mới các đạo luật phục vụ cho quá trình này và cao hơn nữa là sửa đổi Hiến pháp.
Các dự án luật theo tôi rất cần thiết cho quá trình tái cơ cấu cần phải được ban hành sớm như: Luật về quản lý vốn của nhà nước tại các doanh nghiệp; Luật Quy hoạch… và một luật rất quan trọng là Luật Phá sản, liên quan đến việc thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp. Trong Luật Phá sản của chúng ta có 2 phần, phần rất quan trọng là khi doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản bằng con đường của tư pháp do tòa án chủ trì thành lập ra một ban để tổ chức lại và tái cơ cấu doanh nghiệp, cùng đường lắm không giải quyết được thì mới đi đến giải thể, phá sản. Luật này rất quan trọng mà tòa án tối cao cũng đề nghị nhưng có lẽ do chưa chuẩn bị hồ sơ nên không đưa vào. Chỗ này tôi muốn nhấn mạnh, chúng ta không chỉ căn cứ vào quyền trình dự án luật của Tòa án tối cao hay của các chủ thể khác mà chúng ta phải nhấn mạnh đây là nhiệm vụ của các cơ quan này. ĐBQH Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh)
Nguồn: Báo Đại biểu nhân dân