Ngăn chặn xung đột lợi ích 
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.
Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020 của Chính phủ gửi Quốc hội Khóa XIV tại Kỳ họp thứ Mười nêu rõ: Người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị đã cơ bản thực hiện nghiêm các chuẩn mực xử sự theo quy định của pháp luật, quy tắc nghề nghiệp và chấp hành các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng về kiểm soát xung đột lợi ích. Nhiều trường hợp người được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ khi biết nhiệm vụ, công vụ được giao có xung đột lợi ích đã chủ động báo cáo để người có thẩm quyền kịp thời có biện pháp xử lý…

Đây là điều đáng mừng, bởi việc ngăn chặn xung đột lợi ích là một trong những biện pháp phòng ngừa tham nhũng tương đối hiệu quả.

Theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, trong năm 2020, đã tiến hành kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức tại 4.646 cơ quan, tổ chức, đơn vị, tăng 58,9% so với năm 2019. Qua kiểm tra đã phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm và xử lý 192 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, tăng 40,6% so với năm 2019. Có 8 trường hợp bị đình chỉ, tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao do có xung đột lợi ích.

Thời gian gần đây, cụm từ “xung đột lợi ích” được nhắc đến với tần suất dày hơn. Đó là tình trạng “cả nhà làm quan”, “nâng đỡ không trong sáng” bất chấp quy định và dư luận để bổ nhiệm thần tốc, hay doanh nghiệp “sân sau”. Xung đột lợi ích sẽ gây nên nhiều hệ lụy, tạo nên mối quan hệ thiếu minh bạch trong công tác cán bộ, trong sử dụng người tài và làm giảm hiệu quả hoạt động cán bộ, công chức, cũng như làm ảnh hưởng đến tính minh bạch trong cạnh tranh của các doanh nghiệp.

Nghị định số 59/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và hướng dẫn thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng quy định người có chức vụ quyền hạn được xem là có xung đột lợi ích khi có dấu hiệu:

– Nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích khác của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình;

– Bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu;

– Ký kết hợp đồng với doanh nghiệp thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột hoặc để doanh nghiệp thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột tham dự các gói thầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình khi được giao thực hiện các giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó…

Tuy đã có quy định để nhận diện, song xác định có xung đột lợi ích hay không lại không phải là điều dễ dàng, bởi lợi ích ngầm được cài cắm trong các trường hợp này rất tinh vi, rất khó phát hiện. Điều này đòi hỏi người trực tiếp quản lý, sử dụng người có chức vụ, quyền hạn khi phát hiện có xung đột lợi ích và nếu thấy việc tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, công vụ không bảo đảm tính đúng đắn, khách quan, trung thực thì phải giám sát việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao của người có xung đột lợi ích.

Ngoài ra, cũng có biện pháp để đình chỉ, tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao của người có xung đột lợi ích, hoặc tạm thời chuyển người có xung đột lợi ích sang vị trí công tác khác để bảo đảm tính khách quan trong thực thi nhiệm vụ của người đó.

Rõ ràng, xung đột lợi ích là một dạng tham nhũng bị biến tướng. Do đó, rất cần có biện pháp kịp thời để ngăn chặn hiệu quả tình trạng này. Muốn vậy, phải có cơ chế kiểm soát nội bộ chặt chẽ, bởi không ai rõ việc nội bộ bằng chính “người trong nhà”. Điều này có được khi hoạt động của cơ quan, đơn vị phải minh bạch để mọi cá nhân, tổ chức đều có thể giám sát hoạt động.

Hành lang pháp lý về vấn đề này không thiếu, ngay cả quy định trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu cơ quan đơn vị. Vấn đề đặt ra là người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thực sự quyết tâm làm, và dám làm hay không, bởi đứng sau những xung đột lợi ích là những khoản “hoa hồng”, “lót tay” không hề nhỏ.

Mong rằng, khi thảo luận về báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020 tại Kỳ họp thứ Mười, các đại biểu Quốc hội thảo luận và hiến kế những giải pháp hiệu quả hơn, để trong báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng của Chính phủ năm sau sẽ không còn trường hợp nào bị xử lý vì vi phạm quy định về xung đột lợi ích.