Ngân hàng “bội thực” nhà, đất
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Tiến thoái lưỡng nan

Trong hai tuần gần đây, nhiều nhà đầu tư căn hộ, nền đất số lượng lớn ăn ngủ không yên trước thời điểm các NH xem xét lại khoản vay trước đây. “Nếu không bán được các căn hộ đã ôm, tôi chết chắc”- anh Huỳnh Hải, một nhà đầu tư thứ cấp, lo lắng. Hiện anh đang “ôm” vài căn hộ và nền đất với giá trị ngót nghét gần 20 tỉ đồng. Tuy nhiên, số vốn gốc anh bỏ ra mua chỉ có khoảng 4 tỉ đồng, phần còn lại đều do các NH hỗ trợ. Còn anh Hoàng Vân hiện đang lo lắng khi mới đây nhân viên tín dụng của NH anh vay vốn để mua căn hộ thông báo sẽ xem xét tạm dừng khoản vay tiếp theo với gần 400 triệu đồng. Theo hợp đồng giữa anh Vân với NH, trong khoảng thời gian 2 năm, NH sẽ cho vay thành nhiều đợt để trả tiền mua căn hộ với tổng số tiền lên đến 2,5 tỉ đồng. Theo ông Nguyễn Xuân Châu, Giám đốc Công ty Nova Homes, với mức lãi suất mà các NH đang cho vay, nếu tham gia khách hàng lỗ chắc.

Trước đây, nhiều NH đã có chính sách khá ưu đãi với các khách hàng vay tiền mua căn hộ cao cấp, trung bình mức cho vay lên tới 70% giá trị của căn hộ (khách hàng chỉ cần 30% trên tổng vốn), thời gian thấp nhất là 10 năm. Thậm chí, một số NH còn tăng lên đến 90% giá trị căn hộ, thời gian vay kéo dài trên 30 năm, ân hạn 3 năm đầu chỉ trả lãi suất, không trả tiền gốc. Việc thế chấp nhà, đất để vay vốn cũng rất dễ dàng, nhanh chóng… Chính vì thế, nhiều khách hàng đã ồ ạt vay tiền đầu tư vào lĩnh vực bất động sản (BĐS). Theo các công ty môi giới BĐS, có đến 80% khách hàng mua căn hộ, nền đất bằng nguồn vốn vay. Đỉnh điểm của cơn lốc vay vốn là tháng 6-2007, kéo theo sự tăng giá nhà, đất tại các dự án. Thế nhưng, khi thị trường đảo chiều, NH siết chặt tín dụng… nỗi lo mất nhà, đất đang hiển hiện.

Nguy cơ tiềm ẩn

Không chỉ nhà đầu tư, hiện nhiều NH đang phải đối phó với những rắc rối vì “bội thực” nhà, đất. Một cán bộ tín dụng của NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, nhiều NH đã chủ động thương lượng với khách hàng tạm ngưng giải ngân các khoản vay BĐS vì tăng trưởng tín dụng bị hạn chế ở mức 30% so với năm 2007 (mức tăng trưởng năm 2007 là 54%). Bản thân người vay cũng nhận thấy BĐS đã mua không có khả năng sinh lời, trong khi chi phí vay vốn vẫn ở mức cao nên dễ dàng chấp nhận. Tuy nhiên, rất ít khách hàng được gia hạn nợ vay vì NH phải trích thêm chi phí quản lý rủi ro, ảnh hưởng đến lợi nhuận.

Theo tổng giám đốc một NH ở TPHCM, tính thanh khoản của BĐS ngày càng giảm, khiến các nhà đầu tư mất khả năng trả nợ NH. Nếu người vay “bỏ của chạy lấy người”, NH phải chấp nhận phát mãi tài sản thế chấp. “Nhưng chuyện phát mãi tài sản của khách hàng là chuyện chẳng đặng đừng, bởi quan điểm kinh doanh tiền tệ là càng xoay vòng nhiều lần càng tốt. Còn phát mãi tài sản thì phải mất thời gian dài đến vài năm” – vị này khẳng định.

Lãnh đạo một số NH có thế mạnh cho vay BĐS cho biết, họ chỉ cho vay mua căn hộ với điều kiện khách hàng có BĐS khác để thế chấp, số tiền vay chỉ khoảng 50% giá trị tài sản thế chấp. Mặt khác, NH thường xuyên định giá lại tài sản, đàm phán với khách hàng bổ sung tài sản khi giá BĐS giảm mạnh. Trường hợp khách hàng có nhu cầu thật sự về nhà ở nhưng chưa đủ khả năng trả nợ, NH sẽ chuyển qua nợ quá hạn vẫn hơn là phát mãi tài sản phải mất gần 3 năm mới thu hồi được nợ.

Cần thương lượng với khách hàng

Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Chiến lược NH Nhà nước, cảnh báo: Giá căn hộ, đất nền đã giảm 30%-50% so với thời điểm cuối năm 2007, thị trường BĐS gần như đóng băng. Nếu các NH không thỏa thuận với khách hàng để định giá lại tài sản thế chấp thì khả năng thu hồi nợ thành công rất thấp. NH nào tiếp tục giải ngân đối với các khoản vay BĐS dài hạn sẽ gặp rủi ro trong tín dụng. NH nên thương lượng ngay với khách hàng trả nợ trước hạn, sau đó tiếp tục cho vay phù hợp với tình hình thực tế để bảo đảm an toàn hoạt động.

Nguồn: Báo Người Lao động