Ngân hàng đẩy mạnh giải ngân
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Trong hai tháng liên tiếp, tăng trưởng tín dụng hệ thống ngân hàng rơi vào “vùng đáy” kể từ đầu năm. Cụ thể, trong tháng 7 và 8, tỷ lệ tương ứng chỉ là 0,7% và 0,79%.

“Vùng đáy” đó lại đặt trong bối cảnh khó khăn thanh khoản đã giảm bớt, nhiều ngân hàng cùng lên tiếng tăng cường giải ngân, giảm lãi suất hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu… Từ đây có thể thấy hoạt động cho vay của các ngân hàng đang gặp khó khăn.

Khó khăn đó trước hết có từ lãi suất cho vay quá cao, hạn chế nhiều nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp và vay tiêu dùng. Kế đến là những mảng tín dụng vốn hấp dẫn và chiếm tỷ trọng lớn trước đây là cho vay đầu tư chứng khoán, bất động sản đã và đang bị thu hẹp.

Trong khi đó, nguồn thu chính của các ngân hàng thương mại hiện vẫn là từ tín dụng (chiếm từ 70% – 90%). Với tốc độ tăng trưởng liên tục ở mức thấp trong hai tháng nói trên, mục tiêu lợi nhuận năm nay của nhiều thành viên đang đứng trước trở ngại nếu không có chuyển biến trong thời gian tới.

Theo đó, tăng cường giải ngân đang là một hướng lựa chọn. Và với mức tăng trên dưới 18% so với cuối năm 2007, các ngân hàng vẫn còn một dư địa khá lớn theo hạn mức 30% năm nay để đẩy mạnh cho vay trong thời gian còn lại của năm.

Từ tháng 9 này, một loạt ngân hàng thương mại tuyên bố sẽ dành hàng nghìn tỷ đồng để cho vay, tập trung ở nhóm khách hàng truyền thống và khối doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu…

Tại Ngân hàng Á châu (ACB), kế hoạch đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm đã được thông qua, bắt đầu từ tháng 9 này. Đó là kế hoạch cung 5.000 tỷ đồng cho đối tượng là các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể và các cá nhân.

Tại Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), đó là kế hoạch tăng thêm 3.000 tỷ đồng cho chương trình tài trợ xuất khẩu từ cuối tháng 9 này, sau khi đã giải ngân 2.000 tỷ đồng trong hai tháng trước đó (riêng tài trợ xuất khẩu). Đi cùng với tăng cường giải ngân, Eximbank thực hiện giảm lãi suất USD để kích thích và hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn.

Tại Ngân hàng Ngoài quốc doanh (VPBank), theo Tổng giám đốc Lê Đắc Sơn, một nguồn tín dụng khoảng 2.000 tỷ đồng đang được xem xét để hỗ trợ cho những nhu cầu mua bất động sản tiêu dùng, cũng như những dự án bất động sản thực sự hiệu quả.

Ngay cả ở lĩnh vực cho vay đầu tư chứng khoán, một số ngân hàng thương mại cũng đặt mục tiêu giải ngân, nhưng hạn mức tín dụng thấp hơn. Như tại Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) là kế hoạch giải ngân 300 tỷ đồng từ ngày 1/9; Eximbank cũng tăng hạn mức tín dụng loại này lên 800 tỷ đồng.

Một thành viên mới, Ngân hàng Liên Việt (LienVietBank), cũng đang xem xét kế hoạch giải ngân cho các nhu cầu vay vốn đầu tư chứng khoán. Ông Nguyễn Đức Hưởng, Tổng giám đốc LienVietBank, cho biết với vốn điều lệ 3.300 tỷ đồng, hạn mức tối đa cho nhóm nhu cầu này là 660 tỷ đồng, nhưng trước mắt ngân hàng có thể giải ngân một nửa theo danh mục và căn hạn mức cụ thể đối với các loại chứng khoán.

Và để thu hút thêm khác hàng vay vốn, từ cuối tháng 9 này, Ngân hàng Quốc tế (VIB) bắt đầu triển khai chương trình cho vay, tài trợ ưu đãi cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Doanh nghiệp xuất khẩu sẽ được tài trợ tới 95% trị giá L/C hoặc 90% trị giá hợp đồng với lãi suất vay VND chỉ tương đương như lãi suất vay USD.

Ngoài ra, một số ngân hàng khác như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà ĐBSCL cũng đang triển khai gói tín dụng hàng nghìn tỷ đồng hỗ trợ thu mua lúa gạo, thu mua và chế biến thủy sản…

Với những kế hoạch trên, cùng áp lực giải ngân vì lợi nhuận, có thể tăng trưởng tín dụng từ tháng 9 sẽ có cải thiện. Nhưng, với lãi suất vay vốn cao như hiện nay, tốc độ tăng trưởng không chỉ theo ý muốn chủ quan của các ngân hàng thương mại.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam