Ngân hàng khắt khe, DN xuất nhập khẩu “đói” vốn
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Gần đây, ACB đã có chương trình lãi suất ưu đãi cho DN xuất khẩu bằng VND lãi suất ngoại tệ. Eximbank cũng vừa hạ thêm lãi suất cho vay đối với các DN xuất nhập khẩu. Cụ thể đối với DN xuất khẩu chiết khấu bộ chứng từ bằng USD, lãi suất cho vay của Eximbank còn 6,6%/năm, thay vì 8,4%/năm trước đó. Đối với các nhà nhập khẩu vay USD có kỳ hạn 6 tháng trở xuống, Eximbank lãi suất giảm còn 6,6%/năm. Nếu so với mức lãi suất mà DN phải trả khi vay vốn bằng VND hiện nay được nhiều NH áp dụng phổ biến ở mức trần 21%/năm thì lãi suất cho vay trên là khá rẻ. Trong đợt điều chỉnh mới đây, lãi suất cho vay của MHBank, BIDV, Agribank, Vietinbank, Vietcombank, Techcombank, ABBANK, VP Bank… đã giảm từ 0,5 – 1,5%/năm tùy từng kỳ hạn và lĩnh vực ngành nghề khác nhau.

Nhưng vấn đề hiện nay là đối tượng được vay vốn ưu đãi như trên không nhiều. Bà Trương Thị Thúy Liên, Giám đốc Công ty sản xuất da giày xuất khẩu Liên Anh cho biết, để tiếp cận được nguồn vốn NH trong lúc này là bài toán khó khăn đối với DN, chưa nói đến lãi suất thấp hay cao. Trong khi đó, với các DN sản xuất trong ngành da giày, dệt may xuất khẩu thường phải ký đơn hàng từ đầu năm hoặc trước 2 quý.

Đại diện một DN khác trong ngành xuất khẩu cho biết, hiện các NH đều đưa ra nhiều điều kiện kèm theo rất khắt khe khi cho vay, khiến nhiều DN không thể đáp ứng được yêu cầu để vay vốn. “NH có chương trình cho DN xuất khẩu vay vốn bằng tiền đồng, theo lãi suất USD. Trong khi đó, lãi suất huy động vốn NH phải trả cho người dân ở mức phổ biến hiện nay là 17 – 17,5%/năm tùy từng kỳ hạn khác nhau, nên để tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ này của NH không phải là chuyện dễ dàng”, vị đại diện trên nói.

Còn với các nhà nhập khẩu, để vay vốn bằng ngoại tệ trong lúc này cũng đòi hỏi phải đáp ứng thêm nhiều điều kiện hơn trước đây, cho dù cung ngoại tệ tại các NH đã dồi dào trở lại và tỷ giá hối đoái giảm nhiều so với 3 tháng trước. Nguyên nhân cơ bản là một số NH hạn chế vốn đầu ra, vì tăng trưởng tín dụng gần chạm ngưỡng 30%. Với chủ trương kiềm chế tăng trưởng tín dụng trong năm nay của NHNN, trong 2 quý trở lại đây, nhiều NH đã hạn chế mở rộng tín dụng, đồng thời thêm điều kiện trong cho vay để hạn chế tối đa rủi ro về nợ xấu.

Trong kế hoạch dành 2.000 tỷ đồng cho chương trình “tài trợ vốn bằng VND, theo lãi suất USD” cho các nhà xuất nhập khẩu của Eximbank, một cán bộ ngân hàng này cho biết, đã giải ngân được trên 50% và sẽ gia tăng hạn mức vốn lên gấp đôi (hoặc nhiều hơn) so với kế hoạch để đáp ứng nhu cầu DN. Còn ACB cho hay, đã giải ngân được 9 triệu USD trong tổng số 20 triệu USD vốn hỗ trợ cho các nhà xuất khẩu vay VND theo lãi suất USD kể từ ngày 20/8 đến nay. Dự kiến, sau khi giải ngân hết nguồn vốn này, ACB sẽ gia tăng thêm hạn mức để hỗ trợ các DN.

Tuy nhiên, các NH cũng cho biết, nếu trước đây giá trị tài sản đảm bảo được định giá 80% thì cho vay ra khoảng 40 – 60%, nhưng nay chỉ được 30 – 40%. Có nghĩa, giá trị tài sản đảm bảo được định giá khắt khe hơn và hạn mức tín dụng cung ứng của NH cung cấp cho DN lại giảm xuống. Mặt khác, NH cũng có những quy định “gắt” hơn trong cho vay, chỉ đáp ứng vốn cho những DN có dự án kinh doanh hiệu quả, khả năng tài chính mạnh, khả năng trả nợ cao, với mục tiêu hạn chế nợ khó đòi… Như vậy, có thể thấy mặc dù nhu cầu vốn của các DN xuất nhập khẩu gia tăng trong dịp cuối năm, nhưng “cửa” vay vốn từ các NH mới chỉ mở hé.

Nguồn: Báo Đầu tư