Ngân hàng lại gặp khó
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo Quyết định 187, đối với tiền gửi VND không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 12 tháng, tỷ lệ DTBB được tăng từ 10% lên 11%; tiền gửi có kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, tỷ lệ DTBB tăng từ 4% lên 5%; tiền gửi bằng ngoại tệ không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 12 tháng tăng từ 10% lên 11%; với tiền gửi có kỳ hạn trên 12 tháng, tỷ lệ tăng từ 4% lên 5%. Tuy nhiên, trong đợt điều chỉnh tỷ lệ DTBB lần này, NHNN không điều chỉnh tăng đối với các tổ chức tín dụng hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn (như Agribank, ngân hàng thương mại cổ phần nông thôn, Quỹ Tín dụng nhân dân trung ương, ngân hàng hợp tác).

Như vậy, từ tháng 5/2007 đến nay, tỷ lệ DTBB đã tăng gấp đôi. Chính khó khăn này đang đè nặng lên vai các ngân hàng, khi “cánh cửa” vốn đầu ra ngày một hạn chế do NHNN phải thực hiện các biện pháp thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát. Trong khi đó, cung tiền đồng đang trong tình trạng khan hiếm, nhất là những ngày cận Tết Nguyên đán, buộc nhiều ngân hàng phải tăng lãi suất huy động.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB Bank) cho rằng, thị trường tài chính – ngân hàng trong năm qua đầy sôi động, nhưng cũng không ít khó khăn. Tháng 6/2007, NHNN đã chính thức ban hành hai quy định mới là Chỉ thị 03 về hạn chế cho vay cầm cố chứng khoán và Quyết định 1141 về tăng tỷ lệ DTBB. Các ngân hàng đã phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc tăng tổng dư nợ để kéo dư nợ cho vay cầm cố xuống ngưỡng cho phép của NHNN trước khi thềm năm cũ kết thúc.

Thế nhưng, để kiềm chế lạm phát, NHNN buộc phải hạn chế dòng tiền trong lưu thông bằng cách tiếp tục tăng tỷ lệ DTBB của các ngân hàng. Theo NHNN, năm 2008, nền kinh tế Việt Nam được dự báo tiếp tục tăng trưởng ở mức cao. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài thuận lợi, nhưng việc kiểm soát tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng thấp hơn tăng trưởng kinh tế xem ra không dễ dàng.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, NHNN điều hành các công cụ chính sách tiền tệ một cách chủ động, theo nguyên tắc thị trường, nhằm ổn định tiền tệ, kiềm chế lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Để chủ động kiểm soát tổng phương tiện thanh toán phù hợp với các mục tiêu chính sách tiền tệ, NHNN phải điều chỉnh tỷ lệ DTBB theo Quyết định 187 đối với tổ chức tín dụng và bắt đầu có hiệu lực từ tháng 2/2008.

Theo NHNN, đối với ngân hàng, việc điều chỉnh DTBB lần này chỉ làm tăng chi phí huy động vốn ở mức thấp, trong khi mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của ngân hàng ít có khả năng tăng do chệch lệch lãi suất của các tổ chức tín dụng hiện nay tương đối cao. Do đó, các ngân hàng có thể giảm chi phí để cạnh tranh huy động vốn và cho vay.

Tuy nhiên, trao đổi với Báo Đầu tư, Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần tại TP.HCM cho biết, thời gian qua, khi tỷ lệ DTBB tăng lên gấp đôi, các ngân hàng vẫn không thể giảm lãi suất huy động để giảm chi phí đầu vào. Ngược lại, nhiều ngân hàng phải tăng lãi suất để có thể chủ động nguồn cung nhằm đáp ứng nhu cầu tăng cao của khách hàng dịp Tết Nguyên đán. Thực tế, sau khi tỷ lệ DTBB được điều chỉnh tăng gấp đôi (trong tháng 6/2007), chỉ có vài ngân hàng cổ phần cắt giảm lãi suất huy động để giảm chi phí đầu vào vốn đã ở mức khá cao, nhưng chỉ hơn một tháng sau đó, các ngân hàng này phải vội vã tăng lãi suất huy động tiền gửi.

Đáng chú ý là, trong những tháng gần đây, cung tiền đồng khan hiếm, trong khi cầu về vốn lại tăng cao, khiến các ngân hàng phải nhanh chóng vào “cuộc đua” tăng lãi suất huy động. Điều này đã đi ngược với bản chất của quy luật là lãi suất tiền gửi sẽ giảm khi tỷ lệ DTBB tăng. Đến nay, DTBB được điều chỉnh tăng thêm 1%, các ngân hàng cổ phần sẽ lại gặp khó khăn hơn, vì chi phí đầu vào tăng cao, nhưng vốn đầu ra lại hạn chế hơn.

Nguồn: Báo Đầu tư