Ngân hàng nhỏ đứng trước áp lực tăng vốn
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Để đảm bảo các yêu cầu về năng lực tài chính, quy mô vốn điều lệ của ngân hàng thương mại (NHTM), Chính phủ đã ban hành Nghị định số 141/2006/NĐ-CP về danh mục vốn pháp định của các tổ chức tín dụng.

Theo quy định của nghị định này thì mức vốn pháp định áp dụng cho các NHTM cổ phần phải đạt được là 1.000 tỷ đồng vào năm 2008 và 3.000 tỷ đồng vào năm 2010. Từ nay đến ngày 31/12/2008 còn không xa nữa, một số NHTM cổ phần đã dễ dàng vượt mức vốn quy định cho năm 2010, tuy nhiên còn không ít NHTM cổ phần mới đạt khoảng 50% mức vốn pháp định quy định vào năm 2008.

Chính vì vậy cách đây không lâu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chỉ đạo chi nhánh NHNN tỉnh, thành phố báo cáo tình hình tăng vốn điều lệ của các NHTM cổ phần có trụ sở chính đóng trên địa bàn của mình. Thực tế tình hình này ra sao?

Giờ G: Tiền đâu tăng vốn

Từ giữa tháng 2/2008 đến nay, do diễn biến tình hình kinh tế vĩ mô, hoạt động ngân hàng có nhiều khó khăn hơn trước đây. Lạm phát tăng cao, thanh khoản của nhiều NHTM bị ảnh hưởng, lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay tăng gấp khoảng 2 lần so với trước đó, giá cổ phiếu giảm mạnh, thị trường chứng khoán điều chỉnh sâu và kéo dài.

Bên cạnh đó, việc thành lập NHTM cổ phần mới tạm thời có chủ trương dừng lại. Ban trù bị thành lập NHTM cổ phần Hồng Việt bắt đầu chi trả tiền cho một số cổ đông thể nhân,… Tình hình đó rõ ràng ảnh hưởng đến kế hoạch tăng vốn điều lệ là điều dễ hiểu, trong khi đến cuối quý III – 2008, một số NHTM cổ phần mới chỉ có số vốn tương ứng khoảng 50% so với quy định.

Song nhìn cụ thể vào tình hình vốn của các NHTM cổ phần có thể thấy, nhiều ngân hàng do lịch sử phát triển, có thương hiệu, năng lực quản trị điều hành khá, chiến lược kinh doanh rõ ràng và phù hợp, tận dụng các điều kiện thuận lợi của các năm gần đây nên hiện nay nhiều NHTM cổ phần đã đạt mức vốn gấp 3 – 5 lần số vốn quy định cho năm 2008 và công bố kế hoạch sẽ đạt mức vốn cũng gấp 3-4 lần quy định cho năm 2010.

Mới đây, NHTM Cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đã tăng vốn điều lệ từ 2.524 tỷ đồng lên 3.165 tỷ đồng. Đây là đợt tăng vốn lần thứ 2 của Techcombank trong năm 2008. Việc tăng vốn đợt 2 này là kết quả của việc phát hành thêm 5% cổ phần bán cho cổ đông chiến lược Tập đoàn ngân hàng HSBC, tương đương 20.895.550 cổ phần, đã nâng tỷ lệ sở hữu vốn cổ phần của đối tác này lên 20%. Tính đến hết tháng 8/2008, Techcombank đạt tổng tài sản hơn 53.000 tỷ đồng.

Trước đó, NHTM cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng đã hoàn thành đợt tăng vốn điều lệ từ 4.449 tỷ đồng lên 5.116 tỷ đồng, bằng việc chia cổ tức năm 2007 bằng cổ phiếu cho cổ đông với tỷ lệ 15%. Số cổ phiếu tăng thêm này đã được đăng ký giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh từ tháng 8/2008.

Tuy nhiên tính đến thời điểm này, quy mô vốn điều lệ lớn nhất có lẽ thuộc về NHTM cổ phần Á Châu (ACB). Giữa tháng 9/2008, ACB đã thông báo chốt danh sách để tăng vốn điều lệ từ 2.630 tỷ đồng lên 5.805 tỷ đồng bằng việc chia cổ tức năm 2007 cho cổ đông với tỷ lệ 55%.

Tiếp đó, từ ngày 17/9/2008, ACB cũng chính thức chuyển đổi số trái phiếu được phát hành ngày 16/10/2006 thời hạn 5 năm sẽ được chuyển đổi thành cổ phiếu với tỷ lệ 1:100, tức là 1 trái phiếu mệnh giá 1 triệu đồng được chuyển đổi thành 100 cổ phiếu phổ thông mệnh giá 10.000 đồng.

Số lượng trái phiếu chuyển đổi đợt này là 550.023 trái phiếu thành 55 triệu cổ phiếu, tương đương 550,023 tỷ đồng. Theo đó vốn điều lệ của ACB sẽ tăng tiếp từ 5.805 tỷ đồng lên 6.355 tỷ đồng.

Một số NHTM cổ phần khác cũng đã thực hiện tăng vốn trong thời gian gần đây. NHTM CP Sài Gòn – SCB cũng vừa hoàn thành đợt tăng vốn điều lệ từ 1.970 tỷ đồng lên 2.180 tỷ đồng và dự kiến đến hết năm 2008 sẽ tăng lên 2.293 tỷ đồng.

NHTM cổ phần xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng đã thực hiện tăng vốn từ việc chia cổ tức năm 2007 bằng cổ phiếu cho cổ đông với tỷ lệ 14%, tương đương 386,706 tỷ đồng. Qua đợt này vốn điều lệ của Eximbank đã tăng từ 2.800 tỷ đồng lên 3.186,706 tỷ đồng.

Theo kế hoạch, Eximbank đã thông báo cho cổ đông; trong năm 2008 sẽ còn 2 đợt tăng vốn điều lệ nữa, đến hết năm 2008 sẽ đạt số vốn điều lệ là 7.260 tỷ đồng. Song cho dù kế hoạch đó có thực hiện được hay không thì hiện nay số vốn điều lệ của Eximbank đã gấp vài lần so với quy định.

Các NHTM cổ phần khác như: MB, VIB, Habubank, Việt Á, Đông Á, Phương Nam, Phương Đông,… cũng đã đạt quy mô vốn điều lệ khá lớn so với quy định cho năm 2008.

Ngân hàng nhỏ: “Cửa rất hẹp”

Một số NHTM cổ phần quy mô nhỏ, NHTM cổ phần mới ra khỏi tình hình khó khăn cách đây không lâu và NHTM cổ phần mới chuyển từ mô hình NHTM cổ phần nông thôn lên NHTM cổ phần đô thị cho đến giữa tháng 9/2008 số vốn công bố vẫn còn thấp hơn quy định. Nhưng qua tìm hiểu được biết việc các NHTM cổ phần này tăng vốn đang nằm trong lộ tình, đang được xử lý về mặt thủ tục, nguồn lực đã có, nhưng cũng không ít lo ngại.

NHTM cổ phần Đại Á có nguồn thặng dư vốn là 130 tỷ đồng, đang làm thủ tục phát hành chia cho cổ đông hiện hữu, cùng với kênh phát hành khác, vốn của ngân hàng này sẽ sớm đạt được 1.000 tỷ đồng trong thời gian ngắn tới đây.

NHTM cổ phần Kiên Long có 2 cổ đông chiến lược trong nước là ACB và Saigon Tourist, cùng với các cổ đông khác đang làm thủ tục tăng vốn với dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 11/2008.

Các NHTM cổ phần khác như: Gia Định, Thái Bình Dương, Đệ Nhất,… cũng đã có kế hoạch cụ thể về phát hành cổ phiếu cho các cổ đông để hoàn thành mức vốn 1.000 tỷ đồng trước 31/12/2008.

Nhưng cũng có một số ý kiến thì lo ngại rằng, việc nộp tiền góp vốn mua thêm cổ phiếu của các cổ đông lớn là thể nhân, là thành viên hội đồng quản trị, là doanh nghiệp nhỏ và vừa thì chưa hẳn đã thuận lợi.

Bởi vì như các năm 2005, 2006 và quý I – 2007 thì việc góp vốn tăng thêm vào các NHTM cổ phần thường là các cổ đông này vay các NHTM khác, hay bán đi một ít cổ phiếu, hoặc lãi từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp gia đình. Nhưng nay các NHTM khác chưa cho vay, hoặc rất khó vay. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn cho sản xuất kinh doanh cũng chật vật rồi thì làm sao có thể vay để góp vốn mua cổ phần tại NHTM khác. Nên nguồn tiền tín dụng ngân hàng để góp vốn tăng thêm trong các NHTM “cửa rất hẹp”.

Kế hoạch tăng vốn nói trên là đứng về phía chủ quan của các NHTM và ngành ngân hàng, nhưng còn một yếu tố khác đó là sự chấp thuận của Uỷ ban chứng khoán Nhà nước. Bởi vì không ít lo ngại cho rằng, thời điểm hiện nay cung chứng khoán, cung cổ phiếu trên thị trường đang tăng lớn, do đó có thể ảnh hưởng đến quan hệ cung cầu trên thị trường và ảnh hưởng đến giá cổ phiếu, giá chứng khoán.

Song một số ý kiến khác bình tĩnh hơn thì cho rằng, việc các NHTM cổ phần tăng vốn là theo quy định của Chính phủ, hơn nữa các ngân hàng này đều có quy mô nhỏ, tổng số vốn tăng của 6-7 NHTM cổ phần nhỏ chưa bằng mức tăng của ACB. Bên cạnh đó, cổ phiếu của các NHTM CP nhỏ tính thanh khoản thấp, giá ít biến động và đang ở mức rất thấp rồi nên tác động lên thị trường không nhiều.

Đối với các cổ đông là thể nhân, nhất là thành viên hội đồng quản trị, họ gắn bó với các NHTM đó cũng như thể nhân khác, họ sẽ tìm mọi cách “giật gấu vá vai”, bán bớt tài sản, tìm kiếm các nguồn hỗ trợ tài chính khác,… để mà góp theo lộ trình thôi, không thể “bỏ cuộc chơi được”.

Do đó các NHTM cổ phần đó có thể sẽ hoàn thành được kế hoạch tăng vốn theo đúng dự kiến đề ra theo quy định của Chính phủ. Một số ý kiến đề xuất hay dự báo các NHTM cổ phần quy mô nhỏ sẽ sáp nhập hay bán lại cho NHTM khác chắc chắn chưa xảy ra trong ngắn hạn, ít ra là 1-2 năm tới.

Nguồn: Báo Điện tử VietNamNet