Ngân hàng thương mại: Đua nhau nâng lãi suất tiền gửi
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Những ngày giáp Tết, các ngân hàng thương mại đang đua nhau tăng lãi suất và khuyến mãi lớn nhằm huy động được nhiều tiền, cung cấp cho nhu cầu thị trường đang tăng mạnh.

Chỉ trong vài ngày qua, hàng loạt ngân hàng thương mại tham gia cuộc đua tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm VND và cả tiền USD.

Hừng hực khí thế lãi suất VND

Theo các ngân hàng thương mại, cứ vào dịp cuối năm, nhu cầu vốn của khách hàng lại tăng. Để đáp ứng nhu cầu vốn cho thị trường, các ngân hàng thương mại bắt buộc phải tăng lãi suất nhằm thu hút khách hàng đến gửi tiền. Đại diện một ngân hàng thương mại cho biết nhu cầu tiền đồng đang tăng lên rất cao. Trong khi đó, thị trường lại đang khan hiếm tiền đồng cho dù Ngân hàng nhà nước đã có biện pháp hỗ trợ. Mặt khác, vào thời điểm cuối năm, Ngân hàng nhà nước lại tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc càng làm cho các ngân hàng thương mại mệt mỏi hơn.

Mặt bằng lãi suất ngân hàng trong thời gian qua cho thấy các ngân hàng đang “khát” tiền mặt. Nếu như kỳ tăng lãi suất hồi đầu tháng 1-2008 chỉ có vài ba ngân hàng thương mại tham gia thì hiện nay đã có rất nhiều ngân hàng thương mại đồng loạt tham gia. Chỉ trong ngày 28-1 đã có ít nhất ba ngân hàng thông báo tăng lãi suất huy động tiền gửi VND ở tất cả các kỳ hạn. Trong đó VPBank đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động VND dao động từ 0,01%/tháng đến 0,05%/tháng so với biểu mức lãi suất cũ.

Eximbank cũng tham gia cuộc đua này khi quyết định tăng lãi suất tiết kiệm linh hoạt VND cho tất cả các kỳ hạn gửi. Lãi suất bình quân của ngân hàng này cũng đã tăng thêm 0,013%/tháng. Khách hàng chỉ cần gửi tiền một lần nhưng có thể rút ra nhiều lần ở các thời điểm khác nhau. Vì vậy, Eximbank cũng thông báo đã trở thành một trong những ngân hàng thương mại có mức lãi suất tiết kiệm linh hoạt cao nhất trên thị trường.

Còn Ngân hàng Sài Gòn (SCB), lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm VND chỉ tập trung tăng cao nhất ở các kỳ hạn từ ba tháng đến năm tháng với mức lãi suất dao động ở mức 0,730% đến 0,740%/tháng. Tuy nhiên, lãi suất linh hoạt nhất đến thời điểm hiện nay phải kể đến ABBank. Ngày 29-1, ABBank đã ra thông báo khách hàng chỉ cần gửi tiết kiệm từ ba ngày trở lên, khi rút sẽ được hưởng lãi suất theo thời gian thực gửi. Đồng thời, lãi suất huy động VND cho các hình thức lĩnh lãi, lãi suất tiền gửi cho các kỳ hạn từ một tháng đến 24 tháng được điều chỉnh tăng 0,06%/năm đến 0,48%/năm.

USD tăng theo bùng nổ khuyến mãi

Dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã cắt giảm lãi suất USD xuống còn 3,5%/năm nhưng lãi suất của các ngân hàng thương mại trong nước đã không giảm. Trái lại, lãi suất huy động đồng USD của một số ngân hàng thương mại còn tăng lên. Cụ thể, Ngân hàng Eximbank đã quyết định tăng lãi suất tiết kiệm linh hoạt USD bình quân thêm 0,57%/năm, cho tất cả các kỳ hạn từ một tháng đến 60 tháng. ABBank mới công bố lãi suất tiết kiệm thực gửi USD cho các kỳ hạn từ một ngày đến 450 ngày vẫn còn dao động từ 1,50%/năm đến 5%/năm.

Không chỉ tăng lãi suất tiết kiệm để thu hút khách hàng mà các ngân hàng còn đồng loạt tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi lớn. Sacombank cũng có chương trình “Gửi tiền nhận lộc đầu xuân”, Techcombank với chương trình tiết kiệm dự thưởng lớn mang tên “Cùng Techcombank đón xuân, hái lộc”.

Từ ngày 1-2: Đồng loạt tăng lãi suất

Hôm qua 30-1, Thống đốc Ngân hàng nhà nước (NHNN) đã ký Quyết định 305 điều chỉnh lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam và Quyết định 306 điều chỉnh lãi suất tái cấp vốn và lãi suất chiết khấu. Theo đó, kể từ ngày 1-2 lãi suất cơ bản bằng tiền đồng tăng từ 8,25%/năm lên 8,75%/năm, tăng 0,5%/năm; lãi suất tái cấp vốn từ 6,5%/năm tăng lên 7,5%/năm, tăng 1,0%/năm và lãi suất chiết khấu từ 4,5%/năm tăng lên 6,0%/năm, tăng 1,5%/năm.

Theo NHNN, việc tăng các mức lãi suất là nhằm tiến tới thiết lập mối quan hệ hợp lý giữa các mức lãi suất điều hành của NHNN với lãi suất thị trường, nâng cao hiệu quả điều tiết tiền tệ của công cụ lãi suất, phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ về điều hành chính sách tiền tệ trong năm 2008.

Nhận định của NHNN là trong những tháng tới đây, theo dự báo, cung-cầu vốn trên thị trường diễn ra bình thường, giá cả thị trường ít có khả năng tăng đột biến do nằm trong những tháng đầu năm. Mặt khác, lãi suất thị trường quốc tế có xu hướng giảm, tỷ giá VND/USD có xu hướng giảm nhẹ và mức độ cạnh tranh trên thị trường có xu hướng tăng. Vì vậy, việc điều chỉnh tăng lãi suất này của NHNN sẽ ít tác động làm tăng mặt bằng lãi suất thị trường.

Nguồn: Báo Pháp luật TP HCM