Ngân sách Trung ương eo hẹp, khó quy định “cứng” về trả nợ
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Với đa số phiếu thuận, chiều 14/11, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2018.

Theo đó, tổng số thu ngân sách Trung ương là 753.404 tỷ đồng, tổng số thu ngân sách địa phương là 565.796 tỷ đồng. Tổng số chi ngân sách Trung ương là 948.404 tỷ đồng trong đó dự toán 321.151 tỷ đồng để bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương.

Bảo đảm không dư thừa nguồn vốn

Với nghị quyết này, Quốc hội giao Chính phủ phân bổ vốn cho các chương trình, dự án có hiệu quả, có kế hoạch cắt giảm vốn đối với dự án triển khai chậm, bổ sung vốn cho dự án có khối lượng hoàn thành cao, báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định của pháp luật, bảo đảm không dư thừa nguồn vốn.

Quốc hội cũng yêu cầu tập trung đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các chương trình, dự án quan trọng quốc gia, các công trình cấp thiết đang đầu tư dở dang, hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng.

Nghị quyết nêu rõ, trong giai đoạn 2018-2020, bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương 70% số thu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông phần ngân sách Trung ương được hưởng phát sinh trên địa bàn từng địa phương năm trước liền kề năm hiện hành.

Bố trí 30% còn lại cho Bộ Công an để thực hiện chi cho công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông của các cơ quan trực thuộc, thực hiện mua sắm tập trung một số danh mục cần trang bị thống nhất, đồng thời điều tiết hỗ trợ cho công an một số địa phương có nguồn thu khó khăn để chi phục vụ công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.

Trong phân bổ vốn đầu tư phát triển, yêu cầu từ Quốc hội là ưu tiên thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản nguồn ngân sách Trung ương. Bố trí vốn để thu hồi vốn ứng trước nguồn ngân sách Trung ương trong giai đoạn 2016-2020 còn lại chưa thu hồi. Kiên quyết cắt giảm số vốn bố trí không đúng quy định, tăng cường các biện pháp để không phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản, hạn chế tối đa việc điều chỉnh danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được cấp có thẩm quyền quyết định.

Chính phủ được yêu cầu rút kinh nghiệm

Cũng liên quan đến nợ đọng xây dựng cơ bản, báo cáo tiếp thu, giải trình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết, có ý kiến đại biểu đề nghị bố trí thu hồi tối thiểu 30% nợ xây dựng cơ bản và vốn ứng trước để đảm bảo hết năm 2020 trả hết nợ xây dựng cơ bản và thu hồi vốn ứng trước theo nghị quyết của Quốc hội.

Để làm được điều này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tính toán là trung bình mỗi năm trong giai đoạn 2018-2020 phải bố trí thu hồi tối thiểu 30%. Tuy nhiên, do cân đối ngân sách khó khăn, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2018 chỉ là 187 nghìn tỷ đồng. Sau khi bố trí cho các dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ (50 nghìn tỷ đồng), vốn ngoài nước (60 nghìn tỷ đồng), đầu tư từ nguồn thu tiền sử dụng đất của các bộ, ngành là 5 nghìn tỷ đồng, phần còn lại là 72 nghìn tỷ đồng.

Nếu bố trí cứng ở mức tối thiểu 30% thu hồi ứng trước và thanh toán đọng xây dựng cơ bản thì phần vốn còn lại không đủ để bố trí cho các nhiệm vụ như hỗ trợ về nhà ở cho người có công với cách mạng, cấp bù chênh lệch lãi suất, dự án hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng trong năm 2018.

Vì vậy, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép không quy định tỷ lệ cứng để linh hoạt trong điều hành song đề nghị Chính phủ trong trường hợp có nguồn lực bổ sung, cần ưu tiên phân bổ cho việc trả hết nợ xây dựng cơ bản và thu hồi vốn ứng trước, phấn đấu theo mục tiêu Quốc hội đã đề ra.

Ý kiến đại biểu đề nghị Chính phủ làm rõ quan điểm và thể hiện tính nhất quán về việc sử dụng nguồn lực dự phòng đầu tư công trung hạn cũng được hồi âm tại báo cáo.

Thừa nhận ý kiến đại biểu là đúng, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, tại tờ trình số 478/TTr-CP ngày 19/10/2017, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội cho phép điều chỉnh giảm 14.033,79 tỷ đồng kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ năm 2017.

Đồng thời bổ sung tăng 14.033,79 tỷ đồng kế hoạch vốn nước ngoài năm 2017 cho các dự án đã thực tế giải ngân nhưng chưa được bố trí kế hoạch theo quy định từ năm 2016 trở về trước và sử dụng nguồn dự phòng chung vốn nước ngoài (30.000 tỷ đồng) trong kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020. 

Trong khi cũng chính Chính phủ lại đề nghị chưa sử dụng nguồn dự phòng tại báo cáo số 464/BC-CP ngày 18/10/2017 về đánh giá tình hình thực hiện ngân sách năm 2017 và dự toán năm 2018.

Như vậy, cùng một nội dung liên quan đến sử dụng nguồn dự phòng đầu tư công trung hạn, tại các báo cáo của Chính phủ là chưa thống nhất với nhau. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ rút kinh nghiệm về vấn đề này, bảo đảm sự nhất quán về chủ trương, chính xác về số liệu giữa các báo cáo trình Quốc hội.