Ngành du lịch thiếu nhân lực
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Doanh nghiệp tự xoay xở

Trong khi chờ những kế hoạch đào tạo mang tầm chiến lược của ngành du lịch, bản thân các doanh nghiệp đã phải tự thay đổi cách thức quản lý để nâng cao hiệu suất làm việc, tự đào tạo nguồn nhân lực cho chính mình. Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) là một ví dụ. Công ty này có kế hoạch phát triển hệ thống khách sạn từ 4.000 phòng hiện nay lên 6.000 phòng cao cấp. Và để đáp ứng cho việc quản lý hệ thống khách sạn lớn này, Saigontourist hiện đang đẩy mạnh việc đào tạo và tái đào tạo nhân viên của các khách sạn sẽ được nâng cấp lên 5 sao nhằm chuẩn bị nguồn nhân lực cho giai đoạn phát triển sắp tới. Theo đó, Saigontourist đảm nhận việc đào tạo cho nhân viên của các khách sạn Rex, Majestic, Continental, Grand và Kim Đô để giúp đội ngũ này có thể quản lý tốt một khi khách sạn đạt tiêu chuẩn 5 sao.

Trước mắt, Saigontourist thuê các công ty quản lý khách sạn nước ngoài đào tạo kỹ năng quản lý cho nhân viên ở những khách sạn sẽ được nâng cấp. Tổng công ty đã cho phép khách sạn Rex ký hợp đồng trị giá 200.000 đô la Mỹ với Raffles Knowledge Private Limited (Singapore) thực hiện một chương trình tư vấn, đào tạo trong chín tháng để Rex có thể hoạt động theo chuẩn 5 sao. Mới đây, công ty này cũng đã soạn thảo xong quy trình quản lý khách sạn 5 sao theo tiêu chuẩn của Saigontourist, một bước để chuẩn bị thành lập công ty quản lý khách sạn trong thời gian tới. “Trước tiên, chúng tôi muốn học hỏi kinh nghiệm quản lý từ các tập đoàn nước ngoài”, ông Nguyễn Hữu Thọ, Tổng giám đốc Saigontourist, nói.

Công ty Asian Trails cũng đang đau đầu với vấn đề nhân lực. Giám đốc công ty, bà Bùi Viết Thủy Tiên, cho biết người đã thiếu mà ngay cả những người mới tốt nghiệp ra trường cũng không đủ kỹ năng để làm việc ngay nên doanh nghiệp phải tự xoay xở.

Chưa tính kinh phí dành cho nhân viên đi đào tạo ở nước ngoài, mỗ năm Asian Trails phải chi đến 10.000 đô la Mỹ cho các nhân viên mới gồm hướng dẫn viên và điều hành tour đi thực tế các điểm đến. Trong ba năm liên tục, mỗi năm Asian Trails đều phải đầu tư cho hướng dẫn viên ngoại ngữ hiếm ra nước ngoài học với chi phí lên đến 10.000 euro/người/năm. “Đáng lẽ doanh nghiệp không phải bỏ chi phí này nếu sinh viên được đào tạo bài bản và được thực tập tốt khi còn trên ghế nhà trường”, bà Thủy Tiên nói.

Tuy nhiên, những việc làm như thế vẫn chưa giúp Asian Trails có thể nhanh chóng giải quyết vấn đề thiếu người. Đối với những vị trí chủ chốt, công ty vẫn phải thuê người nước ngoài đảm trách, với chi phí lên đến hơn 2.000 đô la Mỹ/người/tháng, tốn kém hơn so với thuê người Việt nhưng đành phải chấp nhận.

Ông Võ Anh Tài, Giám đốc Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist, cũng cho rằng đây là giai đoạn khó khăn của ngành lữ hành trong việc tìm kiếm lao động, từ cấp điều hành cho đến hướng dẫn viên. Hầu hết các vị trí tại công ty này đều phải làm việc hết công suất mới đáp ứng được yêu cầu công việc. “Mức lương của chúng tôi có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài cùng lĩnh vực. Tuy nhiên, không tìm được người là do thiếu nhân lực trên mặt bằng chung”, ông nói.

Theo ông Tài, hiện tại tốt nhất vẫn là tăng cường hiệu suất làm việc của nhân viên, dĩ nhiên điều này phải đi đôi với tăng thu nhập. Bên cạnh đó, công ty cũng đã chuyển dần một số công việc ra bên ngoài làm (outsourcing) và thay đổi cách quản lý theo hướng linh hoạt hơn để giữ chân những cộng tác viên, hướng dẫn viên trước sự mời chào của những nơi khác.

Chờ một chiến lược đào tạo

Trong một buổi hội thảo về phát triển du lịch hồi cuối năm 2007, Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh cho biết đến năm 2015 ngành du lịch cần đến 2 triệu lao động, với khoảng 600.000 lao động trực tiếp. Trong kế hoạch đến năm 2015, ngành du lịch sẽ xây dựng thêm 10 trường du lịch trên cả nước. Những trường này sẽ được xây dựng bằng vốn ngân sách, tài trợ từ nước ngoài và từ các nguồn khác. Tổng cục Du lịch sẽ nâng cấp những trường đào tạo du lịch có sẵn để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đầu ra.

Hiện ngành du lịch cũng đang triển khai dự án “Phát triển nguồn nhân lực” do Liên hiệp châu Âu (EU) tài trợ 10,8 triệu euro, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 1,2 triệu euro, một trong những dự án hỗ trợ kỹ thuật lớn nhất từ trước đến nay của ngành du lịch Việt Nam. Sau năm năm triển khai, dự án này đã xây dựng được Hệ thống công nhận kỹ năng nghề cấp quốc gia. Mười trung tâm đào tạo và thẩm định đặt tại các trường đào tạo du lịch, nằm trong hệ thống này đã được trang bị các phòng thực hành. Mười tám phòng trong tổng số 28 phòng đã sẵn sàng để tiến hành thẩm định các kỹ năng nghề như lễ tân, phục vụ buồng, phục vụ nhà hàng, an ninh khách sạn.

Tuy nhiên, theo một số doanh nghiệp, bên cạnh chuyện mở trường, đào tạo tay nghề… ngành du lịch cũng nên thực tế hơn trong việc đưa ra những tiêu chuẩn về nghề để nhanh chóng đáp ứng yêu cầu trước mắt. Chẳng hạn, rất ít hướng dẫn viên đủ điều kiện để được cấp thẻ hướng dẫn cho khách quốc tế. Do đó với những người chỉ thực hiện việc đón, tiễn khách quốc tế ở sân bay thì không cần đến những hướng dẫn viên có thẻ, có kinh nghiệm như quy định hiện tại.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam