Nghị định về điều kiện kinh doanh và sản xuất ô tô: Không can thiệp sâu quyền tự quyết của DN
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Tại văn bản góp ý “dự thảo Nghị định về điều kiện kinh doanh sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ôtô”, VCCI cho rằng có sự không thống nhất giữa các văn bản quản lý.

Điều kiện sản xuất ôtô thừa và chồng chéo

Để bảo đảm chất lượng ô tô sản xuất tại Việt Nam, hiện tại các DN đang tuân thủ điều kiện quản lý theo quy định tại Thông tư 30/2011 và Thông tư 54/2014 của Bộ GTVT. Phương pháp quản lý tại Thông tư 30 và 54 là theo từng kiểu loại xe.

Nói cách khác, đây là việc kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa, chứ không phải là điều kiện đầu tư kinh doanh. VCCI đánh giá rằng phương pháp quản lý tại Thông tư 30 và 54 là phù hợp.

Qua thực tiễn triển khai nhiều năm qua vẫn bảo đảm chất lượng ô tô sản xuất trong nước, một số trường hợp đã phải tiến hành triệu hồi nhưng không nghiêm trọng. Do đó, việc đưa ra các điều kiện đầu tư kinh doanh đối với cơ sở sản xuất ô tô cần được cân nhắc kỹ lưỡng chứ không nên đưa ra các nghĩa vụ pháp lý mới với những quy định đã thực hiện.

  Theo dự thảo nghị định, các doanh nghiệp sản xuất ô tô phải đáp ứng các điều kiện về nhà xưởng, dây chuyền, an toàn về phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường…

Đối với điều kiện về dây chuyền kiểm tra chất lượng sản phẩm, theo VCCI, việc yêu cầu điều kiện về dây chuyền kiểm tra chất lượng ô tô trước khi xuất xưởng là cần thiết. Khác với các dây chuyền hàn, sơn, lắp ráp, hay nhà xưởng, dây chuyền kiểm tra kỹ thuật là trang thiết bị có tác dụng bảo đảm chất lượng sản phẩm trước khi xuất xưởng nên cần thiết phải có.

Tuy nhiên, hiện nay, Thông tư 30 và 54 đã có quy định về các thiết bị kiểm tra chất lượng tại Phụ lục VII. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc việc đưa quy định này vào Dự thảo.

Điều kiện bảo hành, bảo dưỡng chưa sát thực tế

Điều 4 của Nghị định đang quy định nghĩa vụ bảo hành thời hạn tối thiểu 3 năm hoặc 100.000 km, tùy điều kiện nào đến trước.

Theo phản ánh của các DN, thời hạn bảo hành như vậy tương đối phù hợp với các dòng xe chở người dưới 9 chỗ. Tuy nhiên, đối với các dòng xe buýt, xe tải thì thời hạn này là quá dài so với thực tế thị trường hiện nay.

Thời gian bảo hành của xe buýt, xe tải thông thường chỉ dừng lại ở mức 12-18 tháng. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo quy định theo hướng phân loại 2 dòng xe và giảm thời gian bảo hành đối với dòng xe tải, xe buýt…

Bá Tú
Nguồn: Báo Diễn đàn Doanh nghiệp