Ngân hàng năm 2009: Đối diện cuộc sàng lọc
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Cả ông Nguyễn Phước Thanh, tổng giám đốc Vietcombank (VCB) và ông Trần Phương Bình, tổng giám đốc ngân hàng Đông Á khi trao đổi với phóng viên SGTT đều nhận định như vậy.

Dù trải qua một năm đầy khó khăn nhưng các ngân hàng trong nước vẫn không bị lỗ.

Tín dụng bị “soán ngôi”

Theo báo cáo tổng kết hoạt động ngân hàng năm 2008 của ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng chỉ tăng 21 – 22% so với cuối năm 2007 trong khi trần tín dụng cho phép là 30%. Người sống nhờ tín dụng vẫn là các ngân hàng nhỏ, còn các ngân hàng lớn có nguồn thu đa dạng.

Khi chi phí huy động vốn vọt tới 20 – 21%, nhiều ngân hàng bị lỗ từ hoạt động cho vay ít nhất 1%. Lúc các nhà xuất khẩu vướng quy định không được vay vốn ngắn hạn bằng USD, các ngân hàng phải vắt óc đi tìm sản phẩm để tháo nút tín dụng. Sản phẩm cho doanh nghiệp xuất khẩu vay bằng VND với mức lãi suất vay USD, và nhà xuất khẩu phải cam kết bán USD theo tỷ giá được thoả thuận lại cho ngân hàng là hướng ra tín dụng xuất phát từ Eximbank và lan rộng ra nhiều ngân hàng.

Nhiều ngân hàng đã tận dụng được thị trường nguồn vốn với cơ hội hoạt động kinh doanh ngoại hối sẽ thu về lợi nhuận đáng kể khi năm nay tỷ giá bình quân liên ngân hàng tăng 5,4%, tỷ giá giao dịch của các ngân hàng tăng 8 – 9% so với cuối năm 2007, theo báo cáo toàn ngành của ngân hàng Nhà nước.

Công ty chứng khoán HSC dự tính, trong cơ cấu thu nhập, thu nhập từ dịch vụ và kinh doanh ngoại hối của ngân hàng ACB trong năm nay chiếm khoảng 40%. Phí thu từ sàn giao dịch vàng đóng góp đáng kể trong nguồn thu này.

Ngân hàng Quân đội (MB) thu nhập từ ngoại hối chỉ trong nửa đầu năm 2008 đã tăng gấp bốn lần cả năm 2007 và chiếm 10% tổng thu nhập hoạt động cuối quý 2/2008. Khi lãi suất thị trường liên ngân hàng ở mức 15 – 20%, MB thu được lợi nhuận cao nhờ là một trong những người cho vay ròng chủ chốt.

Lượng vốn 7.610 tỉ đồng của các đối tác chiến lược nước ngoài trong tháng 5 – tháng 7 đã giúp chi phí vốn đầu vào của Eximbank cạnh tranh hơn so với các đối thủ khác. Theo ông Đào Hồng Châu, phó tổng giám đốc Eximbank, thu nhập của Eximbank chủ yếu từ tiền lãi cho vay và kinh doanh ngoại hối.

Đóng vai trò quan trọng đem lại lợi nhuận năm nay cho các ngân hàng là thị trường trái phiếu. Thực tế, các ngân hàng mua trái phiếu giá rẻ hồi tháng 5 đã thu được lợi nhuận lên đến 30 –  40%. Theo nhận định của một chuyên gia ngân hàng, trái phiếu lợi thế ở chỗ là ngay cả khi giá trị thị trường xuống thấp, ngân hàng vẫn có thể ghi nhận lợi nhuận bằng việc định giá chúng ngang bằng mệnh giá.

Trong khi đó, về dịch vụ thì mặc dù nỗ lực nhưng không nhiều ngân hàng tăng tỷ trọng này vượt bậc trong cơ cấu thu nhập, xoay quanh mức 5 – 7% tổng thu nhập. Ngân hàng Đông Á, một gương mặt tích cực trong lĩnh vực kiều hối và thẻ nhưng phí theo dự tính cao nhất chỉ chiếm tỷ lệ trên dưới 10% tổng thu nhập.

Đối mặt với khó khăn nào?

Với mức suy giảm của thị trường bất động sản, các khoản nợ nghi ngờ tăng mạnh với nợ xấu trong toàn ngành ngân hàng cuối năm ở 43.500 tỉ đồng, chiếm khoảng 3,5% tổng dư nợ tín dụng. Tuy nhiên, có thể đó chưa phải là con số cuối cùng, khi nhiều ngân hàng đã cơ cấu lại nợ, gia hạn nợ… để giảm những khoản nợ xấu xuống.

Hơn nữa, doanh nghiệp sẽ chịu ảnh hưởng khó khăn từ năm 2008, dẫn đến chất lượng tín dụng giảm sút thời gian sắp tới. Khả năng nợ xấu gia tăng trong năm 2009 là có thể tính đến.

Năm 2009 được nhiều chuyên gia cho là ngân hàng sẽ còn đối mặt với những điều chỉnh trong chính sách tiền tệ của ngân hàng Nhà nước nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh, ngăn chặn suy giảm kinh tế. Ngân hàng Nhà nước sẽ kiểm soát chặt hơn chất lượng tín dụng, dư nợ tín dụng khó thể nóng lên như năm 2007.

Trước mắt, với việc lãi suất đã được Thủ tướng chỉ đạo sẽ giảm trong sắp tới, bài toán cho vay và huy động sẽ trở nên khó khăn hơn. Với lãi suất huy động kém hấp dẫn hơn so với cơ hội đầu tư vào thị trường chứng khoán, sàn giao dịch vàng, cơ hội khai thác biến động tỷ giá, ngân hàng phải đảm bảo những giá trị gia tăng khác để giữ chân và thu hút khách. Còn với chính sách cho vay trở lại nhằm thúc đẩy phát triển nền kinh tế, những ngân hàng tăng trưởng tín dụng nhanh sẽ phải xem lại đủ cơ chế sàng lọc khoản vay liệu đã đủ mạnh và an toàn.

Năm 2009, các ngân hàng trong nước còn phải chính thức đối mặt cạnh tranh với năm ngân hàng 100% vốn nước ngoài.

Với những áp lực mở rộng mạng lưới, nâng cao công nghệ, gia tăng giá trị dịch vụ, đối mặt với biến động của thị trường tiền tệ, tỷ giá…, năm 2009 được xem là một năm “sàng lọc” các ngân hàng.

Nguồn: Báo điện tử Sài Gòn tiếp thị