Ngân hàng thiếu ngoại tệ
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Suốt từ đầu tháng 2 đến nay, đa số ngân hàng thương mại đều niêm yết giá mua và giá bán đô la Mỹ ở mức bằng nhau và ở mức cao nhất mà Ngân hàng Nhà nước cho phép. Thế nhưng, mức giá này vẫn thấp hơn so với giá bán ngoài thị trường tự do.  

Giám đốc một phòng giao dịch tại TPHCM của ngân hàng BIDV cho biết có khách hàng đã vay đô la Mỹ và hiện giờ đang muốn trả nợ, thế nhưng khách hàng này đã đăng ký vài ngày rồi mà vẫn chưa mua được đô la tại ngân hàng để trả nợ.  

Để tránh vi phạm luật về việc thu phí hay mua bán đô la Mỹ thông qua ngoại tệ thứ ba, một số ngân hàng hiện đang ký hợp đồng quyền chọn (option) mua bán đô la Mỹ với khách ở mức giá cao hơn giá niêm yết nhưng hợp đồng này lại được giao ngay mà không đợi đến kỳ hạn trong hợp đồng.  

Ông Nguyễn Đức Hưởng, Tổng giám đốc Ngân hàng Liên Việt cho biết hầu hết các ngân hàng đều đang trong tình trạng căng thẳng nguồn cung ngoại tệ, tuy nhiên ngân hàng ông vẫn xoay sở được vì trước đó đã có mua gom một số ngoại tệ. Ông tin rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ can thiệp để bình ổn nguồn cung ngoại tệ vào thời gian tới.  

Trong khi đó, Tổng giám đốc Vietcombank Nguyễn Phước Thanh cho biết tình hình cung ngoại tệ của ngân hàng ông cũng không khác gì các ngân hàng bạn. Ông giải thích nguyên nhân là do xuất khẩu giảm khiến nguồn cung ngoại tệ từ các doanh nghiệp xuất khẩu cũng giảm theo, và ngân hàng cũng gặp khó khăn trong việc thu mua ngoại tệ khi mọi người đều đang kỳ vọng giá đô la Mỹ sẽ tăng trong thời gian tới.  

Thêm vào đó, do đang được hỗ trợ lãi suất từ chính phủ, nên hầu như các doanh nghiệp đều chọn vay bằng đồng Việt Nam thay vì vay ngoại tệ như trước. Các doanh nghiệp này vay đồng Việt Nam mua ngoại tệ để nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất và mua với số lượng lớn thay vì rải đều trong năm như các năm trước. “Nhu cầu ngoại tệ không tăng nhưng lại tập trung quá nhiều vào thời điểm này gây ra sự căng thẳng về nguồn cung”, ông Thanh nói và cho biết mặc dù vậy ngân hàng vẫn xoay sở để có thể đáp ứng được các nhu cầu của khách hàng.  

Tuy có khá nhiều yếu tố đang tạo ra áp lực giảm giá lên đồng Việt Nam so với đô la Mỹ như xuất khẩu giảm, đô la đang tăng giá so với các loại ngoại tệ khác… nhưng các chuyên gia cho rằng việc điều hành chính sách tỷ giá cần phải linh hoạt và thận trọng.  

Ông Võ Trí Thành, chuyên gia của Viện Nghiên cứu kinh tế quản lý trung ương (CIEM), cho rằng năm 2008 đã có ba lần Việt Nam điều chỉnh tỷ giá đồng Việt Nam/đô la Mỹ theo hướng mất giá và đồng nội tệ hiện nay đã linh hoạt hơn.

“Tôi nghĩ trong giai đoạn hiện nay, điều chỉnh đồng nội tệ theo hướng linh hoạt hơn và tạm gọi là mất giá hơn so với đô la Mỹ là điều nên có. Cách làm có thể là nới rộng biên độ tỷ giá hoặc nâng tỷ giá bình quân liên ngân hàng”, ông nói. 

Tuy nhiên tỷ giá liên quan đến chính sách tiền tệ, đến lãi suất nhất là trong khi Việt Nam có tỷ lệ đô la hóa rất cao, cho nên trong chừng mực nào đó tỷ giá không chỉ liên quan đến xuất khẩu mà còn nhập khẩu và vay nợ nước ngoài.  

Tỷ giá cần linh hoạt hơn nhưng mức độ đến đâu còn tùy thuộc vào xem xét mối tương quan giữa các yếu tố trên và nhất là phải tránh sốc cho các doanh nghiệp trong bối cảnh doanh nghiệp Việt Nam còn rất yếu trong sử dụng các công cụ bảo hiểm rủi ro tỷ giá, ông Thành nói.  

Ngày 19-2, khi tỷ giá liên ngân hàng là 16.977 đồng và các ngân hàng thương mại giao dịch ở mức giá 17.486 đồng, thì giá đô la Mỹ ngoài thị trường đã tăng mạnh lên mức 17.768-17.750 đồng mua vào và 17.800-17.900 bán ra. Ngày 20-2, Ngân hàng Nhà nước đã hạ tỷ giá liên ngân hàng xuống còn 16.974 đồng.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online