Ngành bông mệt vì chữ “phế liệu”
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Cùng một mặt hàng nhưng trước đây nhập khẩu thuận lợi, nay bị xem là phế liệu. Đổi mã hàng bất hợp lý, bị doanh nghiệp kiện.

Tự dưng thành… phế liệu

Ông Nguyễn Hồng Giang, Tổng Thư ký Hiệp hội Bông sợi Việt Nam, cho biết bông rơi chải kỹ là phần bông sinh ra trong quá trình chải kỹ sợi, được xem như bán thành phẩm phụ. Doanh nghiệp có thể sử dụng bông này để tiếp tục sản xuất ra sợi. Tuy nhiên, bông này chỉ phù hợp sản xuất ra loại sợi dệt thành khăn, dệt vải jean, kaki. Khi bông rơi chải kỹ được đưa vào sản xuất sợi, kéo sợi, chải sợi thì có thể tiếp tục sinh ra loại bông hồi, bông phế. Chính loại bông hồi, bông phế này mới bị xem là phế liệu của ngành sợi vì không thể tái sử dụng cho sản xuất sợi được nữa. Loại phế liệu này có thể được dùng để nhồi gối, nhồi thú bông.

Trước đây, doanh nghiệp nhập khẩu bông rơi chải kỹ không gặp phiền toái gì về giấy phép nhập khẩu, thuế xuất nhập khẩu là 0%. Gần đây, cơ quan hải quan xem loại bông này là phế liệu, yêu cầu doanh nghiệp phải xin giấy phép nhập khẩu phế liệu từ Bộ TN&MT và áp dụng mức thuế nhập khẩu 10% đối với mặt hàng này.

Trước kiến nghị của 11 doanh nghiệp sản xuất sợi tại Thái Bình, Nam Định và Hà Nam, Hiệp hội Bông sợi Việt Nam đã có công văn kiến nghị Tổng cục Hải quan xem xét lại việc áp mã hàng hóa đối với mặt hàng trên.

“Không ảnh hưởng môi trường”

Trong công văn kiến nghị, Hiệp hội nêu rõ bông rơi chải kỹ thường rất sạch, tỉ lệ tạp chất dưới 1%, có thể đưa vào sản xuất trực tiếp thành sợi mà không cần qua công đoạn xử lý tạp chất. Vì vậy, bông rơi chải kỹ không hề ảnh hưởng đến môi trường. Do đó, các doanh nghiệp và Hiệp hội kiến nghị cơ quan hải quan xem xét lại, không xem mặt hàng này là phế liệu để giảm thiểu chi phí, thủ tục, bớt gánh nặng không cần thiết cho doanh nghiệp.

Việc thay đổi chính sách đột ngột đã khiến doanh nghiệp lâm vào tình thế khó khăn. Từ nhiều năm trước, các doanh nghiệp đã đầu tư dây chuyền kéo sợi phù hợp với loại nguyên liệu bông rơi chải kỹ. Với dây chuyền này, doanh nghiệp có thể kết hợp bông xơ nguyên với bông rơi chải kỹ để sản xuất ra sợi có giá thành rẻ hơn. Nay chính sách mới về nhập khẩu bông rơi chải kỹ sẽ khiến doanh nghiệp khó khăn trong việc nhập khẩu loại nguyên liệu này (cần xin giấy phép), giá thành cao hơn (do có thuế).

Hướng dẫn cũng… như không!

Một doanh nghiệp dệt may cho rằng chính sách cần phải ổn định và hợp lý. Cùng một mặt hàng mà trước đây không xem là phế liệu, nay lại gọi phế liệu mà không đưa ra căn cứ thay đổi hợp lý thì khó khiến doanh nghiệp “tâm phục, khẩu phục”. Hơn nữa, bông rơi chải kỹ được nhập về và đưa vào sản xuất như bông xơ nguyên nhưng cơ quan quản lý xem bông xơ nguyên là nguyên liệu, bông rơi là phế liệu thì rất bất hợp lý.

Mới đây, Tổng cục Hải quan có công văn hướng dẫn về mặt hàng bông rơi chải kỹ. Theo đó, mặt hàng nhập khẩu là xơ bông, chải thô hoặc chải kỹ được xác định không phải là phế liệu bông thì không cần giấy phép nhập khẩu. Mặt hàng được xác định là phế liệu bông (kể cả phế liệu sợi và bông tái chế) thì phải có giấy phép của Bộ TN&MT mới được nhập khẩu.

Rốt cuộc doanh nghiệp vẫn chưa rõ bông rơi chải kỹ được xếp vào loại nào. Hướng dẫn trên cũng không nói rõ bông rơi chải kỹ có thuộc loại phế liệu hay không.

Đổi mã hàng bất hợp lý, bị doanh nghiệp kiện

Tháng 2, doanh nghiệp Vân Camera đã thắng trong vụ kiện Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Cảng (TP.HCM) áp mã hàng hóa không hợp lý.

Vân Camera thường nhập khẩu chân máy quay phim, mã hàng hóa có thuế suất nhập khẩu 0%. Năm 2010, Hải quan Tân Cảng áp mã hàng hóa khác cho mặt hàng này, thuế suất lên 15%. Trong khi đó, Hải quan Tân Sơn Nhất vẫn áp mã cũ với thuế suất 0%. Doanh nghiệp cho rằng chân máy quay phim đã được nhập vào thị trường Việt Nam từ rất lâu, áp mã hàng hóa ổn định, việc cơ quan hải quan tự ý thay đổi mã hàng, truy thu thuế nhập khẩu là không đúng nên đã đi kiện.
 
Nguồn: Báo Pháp luật TP HCM