Ngành giống cây trồng: Bao giờ hết phụ thuộc nhập khẩu?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Trong những năm gần đây, ngành giống cây trồng đã cung ứng khoảng 50% nhu cầu giống ngô lai, 25% nhu cầu giống lúa lai, 30% nhu cầu giống lúa thuần cho nông dân. Mặc dù đã tập trung đầu tư phát triển nhiều giống lúa nhưng theo số liệu của Cục Trồng trọt, không một loại giống lúa hè thu nào cho lợi nhuận vượt biên quá 25%, thậm chí với các giống chất lượng càng cao thì lợi nhuận biên còn thấp dưới 20%. “Điều này cũng lý giải vì sao nông dân vẫn kiên trì gieo trồng các giống lúa chất lượng thấp” – Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Văn Bộ nhấn mạnh.

Kết quả nghiên cứu chọn tạo giống cũng cho thấy, chất lượng một số cây trồng như ngô lai, lúa lai và nhất là hoa quả của nước ta vẫn thua kém nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Theo ước tính của Bộ NN và PTNT, trung bình mỗi năm hạt giống lúa lai chỉ đáp ứng được khoảng 18% nhu cầu trong nước và tỷ lệ này còn tiếp tục giảm trong những năm sau với nhiều lý do, trong đó chủ yếu là sự cạnh tranh về chất lượng. Hiện tổng diện tích trồng lúa lai cả nước khoảng 700.000ha, trong đó về lúa giống, Việt Nam tự sản xuất được 30%, còn lại nhập khẩu 70% từ Trung Quốc. Tại nhiều tỉnh phía Bắc, nguồn cung giống lúa lai trong nước chọn tạo không ít, song nông dân vẫn ưa giống của Trung Quốc hơn. Dù muốn hay không, mỗi năm miền Bắc vẫn phải nhập hàng ngàn tấn lúa lai nhập khẩu để tiêu thụ cho nhu cầu nội địa và tích trữ nguồn lúa an ninh lương thực. Ngay cả khi là nước xuất khẩu gạo đứng nhất nhì thế giới nhưng quy mô sản xuất ở nước ta còn nhỏ, nhiều giống chưa tốt, thương lái thu mua không có điều kiện phân loại khiến cho chất lượng gạo không đồng đều, không thể xây dựng được thương hiệu, ngoài tên gọi chung “Gạo trắng Việt Nam”.

“Cơ cấu giống trong sản xuất lúa, màu, cây công nghiệp ngắn ngày, rau đậu còn quá nhiều chủng loại, chưa tạo được khối lượng hàng hoá lớn có sự đồng đều về chất lượng”, Cục Trồng trọt nhận định chung trong một bản báo cáo mới đây về hiện trạng giống cây trồng Việt Nam. Hiệp hội giống cây trồng cho biết, mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 15 nghìn tấn hạt giống lúa lai (trị giá khoảng 46 triệu USD), gần mười nghìn tấn hạt giống ngô lai (trị giá 30 đến 40 triệu USD) và phần lớn hạt giống rau lai F1 (trị giá cả trăm triệu USD).

Hiện cả nước có 415 đơn vị sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, trong đó các Trung tâm giống cây trồng chiếm 31%, các thành phần khác 10%, doanh nghiệp 59%. Tuy chiếm số đông nhưng thay vì đầu tư lâu dài, lâu nay, phần lớn doanh nghiệp chỉ tập trung nhập khẩu về bán để hưởng chênh lệch giá. Sự gắn kết, cộng tác giữa các đơn vị nghiên cứu và kinh doanh về giống cây trồng còn rất lỏng lẻo nên đã không thương mại hoá được các sản phẩm đầu ra của nghiên cứu ở các viện, trường – đó là các giống mới hoặc công nghệ về giống. Hiện tại, theo Quyết định số 17/2006/QĐ-TTg, cơ chế đầu tư của Nhà nước vẫn chủ yếu hướng vào các đơn vị  sự nghiệp, các doanh nghiệp giống, các hợp tác xã chưa được quan tâm đúng mức. Trong khi đó, đóng góp và sáng kiến của họ cho sự phát triển của ngành giống đang ngày càng tăng một cách đáng kể.

Để nâng cao năng lực sản xuất giống cây trồng, theo nhiều chuyên gia, Nhà nước cần có chính sách ưu tiên đầu tư cho một số doanh nghiệp lớn làm công tác nhân giống để phục vụ sản xuất, không nên bó hẹp ở các viện, trung tâm nghiên cứu và trường đại học nông nghiệp như hiện nay. Nói cách khác, chính sách tương lai của ngành giống cây trồng phải tạo ra được sự bình đẳng giữa các đơn vị nhà nước và tư nhân nhằm tạo ra động lực cho sự phát triển và cạnh tranh một cách lành mạnh. Bên cạnh đó, rất cần có chính sách hỗ trợ rủi ro cho doanh nghiệp sản xuất bởi thực tế có những doanh nghiệp lúa lai 1 vụ mất trắng, lỗ tới 7- 8 tỷ đồng. “Nếu không có chính sách bảo hiểm riêng mà chỉ để cho doanh nghiệp tự bơi thì không doanh nghiệp nào dám làm cả nhất là trong điều kiện thời tiết, khí hậu ngày càng thất thường, bấp bênh” – một chuyên gia góp ý.

Trong thời gian vừa qua, một số viện đã thí điểm thành lập và đưa vào hoạt động các doanh nghiệp kinh doanh, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật như là bước khởi đầu trong việc quá trình thực hiện Nghị định 115 của Chính phủ về “Quy chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp khoa học”. Mô hình này cần được tổng kết, rút kinh nghiệm trước khi nhân rộng. Tuy nhiên, có thể tin tưởng mạnh mẽ rằng cơ chế này sẽ làm cho các đơn vị nghiên cứu của Nhà nước trở nên năng động hơn, thích ứng tốt hơn và độc lập hơn trong nền kinh tế thị trường.

 Bộ NN và PTNT đã tổng hợp nhu cầu vốn chương trình giống các tỉnh năm 2013 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng trình Quốc hội phê duyệt.

Theo kết quả tổng hợp, đã có 59/63 tỉnh, thành phố đề nghị hỗ trợ cho các dự án giống với tổng mức 1.086 tỷ đồng, trong đó vốn xây dựng cơ bản chiếm 1.020 tỷ đồng (tương đương 93,95%).

Về số lượng, có 137 dự án chuyển tiếp và dự án khởi công mới được đề nghị hỗ trợ; các dự án giống nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ lệ tương ứng là 55,47%, 10,22% và 34,31%. Phân theo mức vốn, các dự án giống nông nghiệp cần 545 tỷ đồng, tương đương 50,16% tổng nhu cầu vốn; các dự án giống lâm nghiệp và giống thủy sản có nhu cầu tương ứng là 93 tỷ đồng và 443 tỷ đồng.

Thu Trang
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân