Ngành Logistics: Thiếu kết nối, yếu chất lượng
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo Báo cáo thường niên doanh nghiệp (DN) Việt Nam 2011, ngành logis- tics nước ta trong thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn do diễn biến chung của nền kinh tế, thể hiện ở tỷ lệ DN  trong ngành này kinh doanh thua lỗ liên tục tăng từ năm 2007 (17%) đến năm 2010 (39%). Logistics không phải “mảnh đất hứa” với các DN ngoài quốc doanh. Báo cáo cho thấy khối DN này qua các năm từ 2006 – 2010 đều có tỷ lệ kinh doanh thua lỗ ở mức cao và ngày càng có chiều hướng tăng lên, từ 18% (năm 2007) đến 40% (năm 2010). Trong khi đó tỷ lệ sinh lời trên tổng  tài sản của khối DN này trong ngành logistics cũng đạt ở mức thấp, chỉ quanh mốc 5%.

Khối DNNN tuy có tỷ lệ DN kinh doanh thua lỗ thấp, song tỷ lệ sinh lợi lại không cao bằng khối DN FDI. Cụ thể là từ năm 2006 đến 2009, tỷ lệ DN kinh doanh thua lỗ trong khối DNNN chỉ dao động quanh mức 7-10%, thấp hơn rất nhiều so với mức 24-35% của DN FDI. Năm 2010, tuy tỷ  lệ DNNN trong ngành logistics thua lỗ tăng vọt lên 23% song vẫn thấp hơn con số 29% của khối DN FDI. Tuy nhiên, trong 5 năm (từ 2006- 2010), tỷ lệ sinh lợi trên tổng tài sản của khối DN FDI (trung bình 18,22%/năm) lại cao hơn khối DNNN (trung bình 16,56%/năm) và cao gấp 4 lần so với khối DN ngoài quốc doanh (trung bình 4,66%/năm).

Xét về quy mô DN cho thấy, trong ngành logistics, DN càng lớn thì mức độ rủi ro trong hoạt động càng nhỏ. Cụ thể, trong 5 năm từ 2006 – 2010, số DN lớn trong ngành này thua lỗ chỉ dao động quanh mức 7-15%. Tỷ lệ này tăng dần theo quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Đáng lưu ý là số DN siêu nhỏ có tỷ lệ kinh doanh thua lỗ qua 5 năm (19-48%) cao gấp 3 lần so với DN lớn.

Những con số này đã phản ánh thực tế trong ngành logistics hiện nay, đó là DN càng có tiềm lực kinh tế mạnh, giàu kinh nghiệm thì hoạt động càng hiệu quả, ứng biến tốt trước khó khăn. Số này chủ yếu rơi vào các DN FDI có quy mô lớn, khả năng kết nối cao và có thể đảm nhận nhiều công đoạn từ lưu trữ tới chuyên chở và phân phối hàng hóa.

Chẳng hạn, trong lĩnh vực vận tải hàng hóa hàng không, Công ty Vector Aviation đã có chiến lược đầu tư phát triển từ trước đây nhiều năm. Hiện công ty này có thể cung cấp dịch vụ của 30 hãng hàng không đến từ nhiều nước trên thế giới. Do quản lý tập trung nên việc thiết kế và điều phối hướng tuyến, lịch bay khá uyển chuyển. Hoặc trong lĩnh vực dịch vụ kho bãi và phân phối, phần lớn các “ông lớn” cũng là những nhà đầu tư nước ngoài. Khi xây dựng cơ sở tại Việt Nam, họ thường đã sẵn có hệ thống đối tác, khách hàng cơ bản để đảm bảo khai thác, điển hình như các tổng kho tại khu công nghiệp Việt Nam – Singapore I và II của Maple Tree.

Mặt khác, theo báo cáo khảo sát của Hiệp hội giao nhận kho vận Việt Nam, có khoảng 81% số DN trong ngành logistics tập trung tại TP. Hồ Chí Minh, sau đó là Hải Phòng với 9%, Hà Nội 7% và Đà Nẵng 5%. Trong số các DN này, 95% cho biết có dịch vụ giao nhận hàng hóa, kế đến là vận tải với 75%, gần một nửa DN trong số này (48%) có hệ thống kho bãi và chỉ 25% DN làm dịch vụ logis- tics. Điều này cho thấy sự thiếu đồng bộ về cơ sở hạ tầng và khả năng cung ứng  dịch vụ của các DN trong ngành logistics. Những hạn chế này đã gây ra nhiều khó khăn trong hoạt động lưu trữ và vận chuyển hàng hóa, dù đây là mắt xích vô cùng quan trọng kết nối chuỗi cung ứng từ sản xuất đến tiêu dùng của rất nhiều ngành khác.

Những kết quả trên cũng phù hợp với thực tế, hệ thống hạ tầng phục vụ cho lĩnh vực logistics tại nước ta phát triển khá nhanh trong thời gian qua, song còn quá xa để đáp ứng tiêu chuẩn vận tải hàng hóa quốc tế. Cơ sở hạ tầng phục vụ logistics của Việt Nam bao gồm 7 nhóm chính, trong đó có 6 nhóm hạ tầng “cứng” là cảng biển, sân bay, đường bộ, đường sắt, đường thủy trong đất liền, hệ thống kho kiểm hóa thông quan và 1 nhóm hạ tầng “mềm” là công nghệ thông tin và truyền thông. Vận tải hàng hóa bằng đường bộ đang chiếm tỷ trọng chính (hơn 70%), sau đó là đường sông, đường biển, hàng không và đường sắt. Tuy nhiên, vấn đề đang nổi lên là thiếu sự kết nối giữa các phương thức vận tải khác nhau này.

Riêng hệ thống kho bãi cũng chưa đáp ứng được nhu cầu tồn trữ và phân phối hàng hóa nội địa và xuất nhập khẩu. Những nhà sản xuất lớn hoặc sản xuất sản phẩm công nghệ cao như Masan Food, Vinamilk, First Solar… vẫn phải tự tổ chức hệ thống phân phối cho mình.

Ngọc Khanh

 Nguồn: http://thoibaonganhang.vn/index.php/tin-tuc/40-nganh-logistics–thieu-ket-noi–yeu-chat-luong-965.html