Ngành Tư pháp: Phát hiện gần 7.000 văn bản có dấu hiệu trái pháp luật
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Nhiều quy định của luật còn nằm trên giấy vì thiếu tính khả thi, vì còn chờ hướng dẫn…

Hôm nay (22-12), Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị toàn quốc về công tác tư pháp năm 2011 tại Đà Nẵng để tổng kết, đánh giá công tác của cả nhiệm kỳ 2007-2010 và triển khai công tác thời gian tới. Theo dự thảo báo cáo của Bộ Tư pháp, hiện việc xây dựng pháp luật vẫn còn tách rời với thực thi pháp luật; xã hội hóa việc công chứng trong khi chưa chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết…

Vẫn còn… cả rừng luật

Dự thảo đánh giá: Ba năm qua, tình trạng “rừng” văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) đã giảm nhưng vẫn còn một lượng lớn văn bản hướng dẫn thi hành luật. Một số văn bản thì tính khả thi, cụ thể còn thấp; tính ổn định của pháp luật ở một số lĩnh vực chưa cao (như kinh tế, tài chính, ngân hàng…).

Tình trạng luật, nghị định chờ văn bản hướng dẫn thực vẫn đang tồn tại. “Hầu như các đơn vị không đảm bảo thực hiện đúng quy định của Luật Ban hành VBQPPL năm 2008 về việc hướng dẫn luật, nghị định. Hiện còn tồn đọng 10/18 văn bản, đề án hướng dẫn luật, nghị định về THADS; các thông tư, thông tư liên tịch hướng dẫn Luật Quốc tịch, Luật Lý lịch tư pháp, Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước…” – dự thảo nêu.

Công tác xây dựng pháp luật còn tách rời khỏi thực thi pháp luật, mang nặng tư duy pháp lý thuần túy, thiếu nhạy bén trong việc phát hiện, kiến nghị những vấn đề bức xúc trong xã hội…

Theo dự thảo, công tác kiểm tra VBQPPL thời gian qua đã “hướng mạnh vào những vấn đề bức xúc của xã hội”, tăng cường phối hợp với các cơ quan hữu quan giải quyết những văn bản vi phạm pháp luật, mang lại hiệu quả rõ rệt. Năm 2010, toàn ngành kiểm tra và phát hiện số văn bản có dấu hiệu vi phạm pháp luật gần 7.000 văn bản trong tổng số hơn 90.000 văn bản mà ngành tư pháp đã kiểm tra. Qua đó, ngành đã kiến nghị xử lý hơn 6.500 văn bản, chiếm 94,5% trên tổng số văn bản phát hiện có sai sót.

Xã hội hóa công chứng mang lại hiệu quả bước đầu

Theo Bộ Tư pháp, kết quả xã hội hóa hoạt động công chứng đã mang lại “hiệu quả rõ rệt, nâng cao sự an toàn pháp lý cho các giao dịch, hợp đồng”. Số lượng công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng tiếp tục tăng và ổn định: Năm 2008 cả nước có 293 công chứng viên, năm 2009 lên 530 và năm 2010 là gần 670 công chứng viên.

Tuy nhiên, “chúng ta chưa chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để triển khai thi hành Luật Công chứng”. Yêu cầu bức xúc từ lâu của các tổ chức hành nghề công chứng là cơ sở dữ liệu thông tin chung về công chứng chưa được triển khai xây dựng ở hầu hết các địa phương nên hoạt động công chứng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro cho xã hội và công chứng viên.

Hệ quả là việc thực hiện xã hội hóa hoạt động công chứng chưa đồng đều tại các địa phương. Hiện mới chỉ có trên một nửa số địa phương có văn phòng công chứng nhưng có địa phương lại phát triển “quá nóng”. Sự phát triển tổ chức hành nghề công chứng không theo quy hoạch đã tạo ra sự cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa các tổ chức hành nghề công chứng. “Một số hoạt động công chứng vi phạm pháp luật. Cạnh đó, một bộ phận công chứng viên còn yếu kém về năng lực, trình độ dẫn đến sai sót trong hoạt động công chứng, nhất là với các đối tượng được miễn tập sự hành nghề công chứng và miễn đào tạo nghề công chứng” – dự thảo nhấn mạnh.

Tỉ lệ vi phạm về ban hành văn bản trái luật do các địa phương tự kiểm tra phát hiện trong năm năm qua là khá lớn. Tại tỉnh Cao Bằng có một nửa trong số 124 văn bản kiểm tra có sai phạm. Nghệ An là 660 trong 1.000 văn bản được “sờ” tới. Trong hơn 35.800 văn bản tiếp nhận do các đơn vị ban hành, Bộ Tư pháp đã phát hiện hơn 4.300 văn bản sai luật.

Ngày 22-9, Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp) Lê Hồng Sơn đã ký văn bản gửi bảy bộ và 13 tỉnh, TP để “đôn đốc thực hiện thông báo văn bản có dấu hiệu trái pháp luật”. Những bộ và tỉnh, TP bị “nhắc nhở” do “chưa nghiêm túc tổ chức tự kiểm tra, xử lý và gửi thông báo kết quả xử lý theo đúng thời hạn cho Cục Kiểm tra văn bản”.

Các bộ, tỉnh thành gồm: Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công Thương, Giáo dục và Đào tạo, Xây dựng, Lao động-Thương binh và Xã hội, Tài chính, Y tế; TP.HCM, Hà Nội, Nghệ An, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Giang, Kon Tum, Quảng Nam, Đăk Nông, Bình Định, Ninh Thuận, Quảng Bình, Đồng Nai.

ĐỨC MINH
Nguồn: Báo Pháp luật TP HCM