Người làm luật cũng không thể hiểu hết dự thảo Luật Dân sự (sửa đổi)?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) phản ánh về những điểm bất cập trong dự thảo Luật Dân sự (sửa đổi) được thảo luận tại tổ sáng 13/11.

Khái niệm “nguyên tắc cơ bản là vô hiệu” vẫn được giữ nguyên trong dự thảo Luật Dân sự (sửa đổi) như luật hiện hành, khái niệm này khiến nhiều nhà đầu tư rất sợ.

“Rất nhiều lần nhà đầu tư nước ngoài thắc mắc với chúng tôi khái niệm nguyên tắc cơ bản là gì, không thể giải thích nổi cho họ, vì chính những người làm luật cũng không định nghĩa được. Luật phải minh thị, phải có khả năng tiên liệu và dự liệu trước, do vậy dự thảo luật phải khắc phục điểm này”- ĐB Trương Trọng Nghĩa nói.

Ngoài ra, dù được coi là “luật cái” nhưng thiết kế về quyền sở hữu tại dự thảo luật sửa đổi lại rộng quá, quá thoáng khiến luật chuyên ngành có nguy cơ “lấn ướt” luật dân sự.

Đề cập tới quyền sở hữu quy định trong dự thảo luật, ĐB Huỳnh Ngọc Ánh (TP.HCM) dẫn giải ví dụ liên quan tới quyền sở hữu bất động sản. Đơn cử, nhà ở 20-30 năm không có tranh chấp thì họ có quyền được xác lập quyền sở hữu không? Nhà cửa cũng vậy, nếu chỉ giao nhà xong thì được coi là hợp pháp thì căn cứ vào đâu để bảo vệ quyền lợi hợp pháp. Vì hiện nay mua bán nhà xong phải làm thủ tục với cơ quan đăng ký để Nhà nước bảo vệ.

Nếu không quy định cụ thể thì sẽ có nhiều vấn đề phát sinh. Ngay chuyện xác lập quyền sở hữu đối với một cái xe máy cũng đã phức tạp rồi.

“Luật mở rộng quá như dự thảo luật không xác định được lỗi, tới khi có tranh chấp thì không biết quy trách nhiệm cho ai” – ĐB Huỳnh Ngọc Ánh phát biểu. Thậm chí, ông Ánh cũng thừa nhận, dự thảo luật sửa đổi có nhiều nội dung, khái niệm đến người làm luật như ông cũng không hiểu hết.

Cũng nêu bất cập trong vấn đề xác định quyền sở hữu ĐB Trần Du Lịch  (TP.HCM) nhấn mạnh, thời điểm chứng nhận quyền sở hữu với bất động sản phải là thời điểm khai thuế trước bạ, được sự công nhận của Nhà nước đối với tài sản đó. Chứ không thể đưa ra quy định  kiểu “tiền trao cháo múc”, chỉ cần ký cam kết, giao tiền là công nhận quyền sở hữu thì không ổn. Đây là đặc thù nhân thân tài sản, nếu chúng ta dỡ bỏ quy định này thì sẽ khiến nảy sinh tranh chấp và rối loạn xã hội khó kiểm soát được.

“Nếu quy định như vậy, thì cũng phải sửa Luật Hôn nhân gia đình, cần gì phải đưa nhau đi đăng ký kết hôn, chỉ cần làm đám cưới ăn ở với nhau đã thành vợ chồng rồi”- ĐB Lịch nói.

Ngoài ra, ông Lịch cũng cho rằng, nếu tuân thủ Hiến pháp thì phải ghi sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện. Sở hữu toàn dân là sở hữu lớn nhất, sở hữu chung. Vậy thì có loại sở hữu chung, riêng.

Ông Lịch nói, “phải ghi rõ ai là đại diện của sở hữu chung. Tôi cho rằng, luật phải ghi sở hữu toàn dân là sở hữu chung lớn nhất. Vì đây là khái niệm chính trị hơn là khái niệm pháp lý. Ngoài ra, phải bàn tính lại, Nhà nước và tổ chức của Nhà nước cái nào là pháp nhân, không pháp nhân, có tài sản thế nào. Không nói chung chung được”.

“Lần này sửa Luật Dân sự là phải sửa trong sáng. Nếu muốn tự nghĩ ra cái riêng của mình thì chỉ thêm hỗn loạn” – ĐB Lịch tiếp lời.

Dự thảo luật Dân sự (sửa đổi) sẽ được thảo luận qua 3 kỳ họp. Vì thế, các ĐBQH kỳ vọng, sau nhiều lần thảo luận góp ý dự thảo sẽ được sửa theo hướng giữ nguyên tiêu chí là “luật cái” chi phối luật chuyên ngành.

Trường Giang
Nguồn: http://infonet.vn/nguoi-lam-luat-cung-khong-the-hieu-het-du-thao-luat-dan-su-sua-doi-post150363.info