Người lao động vẫn khó tìm việc
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Khó tìm việc làm ổn định
Ông Trần Anh Tuấn – Phó GĐ Thường trực Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM (FALMI) cho biết, việc người lao động sẽ khó khăn hơn vào cuối năm do doanh nghiệp (DN) còn thiếu vốn và gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh; trong khi đó chỉ số giá tiêu dùng có thể tiếp tục tăng, tác động trực tiếp tới lực lượng lao động phổ thông.
FALMI đã thực hiện cuộc khảo sát thị trường lao động TP.HCM tại hơn 2.900 DN trên địa bàn, với nhu cầu tuyển dụng lên tới gần 20.000 chỗ làm việc. Tuy nhiên, FALMI cũng dự báo khả năng thiếu nhân lực trong những tháng cuối năm vì kết quả khảo sát trong tháng 10-2012 chỉ có khoảng gần 14.000 nhu cầu tìm việc trên thực tế. Như mọi năm, nhu cầu về lao động thời vụ, bán thời gian sẽ tăng cao vào cuối năm. Riêng tháng 10, kết quả khảo sát cho thấy lực lượng lao động thời vụ chiếm khoảng 30% tổng nhu cầu tuyển dụng của thị trường, tập trung tại một số ngành nghề như: marketing, nhân viên kinh doanh, bán hàng, bảo hiểm, dịch vụ.
Ông Trần Anh Tuấn cho biết, đối với nguồn cung lao động thời vụ sẽ được bổ sung rất lớn từ sinh viên, thanh niên mới ra trường. Tuy nhiên, trong tháng 10 đã xuất hiện tình trạng khoảng 50% sinh viên mới ra trường vẫn tiếp tục không sớm tìm được việc làm phù hợp, đặc biệt trong các ngành yêu cầu về trình độ và kinh nghiệm thuộc những nhóm ngành kỹ thuật – công nghệ, dẫn đến tình trạng làm trái ngành, trái nghề tiếp tục diễn ra.
Theo dự báo của FALMI, trong tháng 11 này, TP.HCM cần khoảng 20.000 lao động, trong đó nhu cầu lao động thời vụ chiếm khoảng 30% phục vụ chủ yếu cho các hoạt động bán hàng, dịch vụ, nhà hàng, bảo hiểm… Song song với xu hướng này, các DN phục vụ trên các lĩnh vực dịch vụ, tiếp thị, tư vấn, bán hàng cuối năm sẽ nhộn nhịp hơn vào dịp cuối năm, dù tình hình kinh tế chung còn gặp không ít khó khăn.   Siết doanh nghiệp nợ lương, bảo hiểm
Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.HCM cho biết, đến nay cơ quan này đã lập danh sách khoảng 50 DN sẽ bị khởi kiện do nợ BHXH kéo dài của công nhân. Tính đến nay, TP.HCM đã kiện hơn 260 DN do nợ đọng BHXH của người lao động, với tổng số tiền nợ lên tới gần 134 tỉ đồng, trong khi mới chỉ thu hồi được gần 39 tỉ đồng. Trước tình trạng này, BHXH và Sở LĐ-TB&XH thành phố dự kiến, ngoài biện pháp khởi kiện đối với các DN nợ kéo dài, thành phố sẽ hỗ trợ  cơ chế, chính sách cho các DN khó khăn vay vốn để trả nợ BHXH cho công nhân. Đây là một giải pháp được cho là căn cơ trước bối cảnh kinh tế thành phố gặp nhiều khó khăn, DN thiếu vốn sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên để ngăn ngừa khả năng DN cố ý tẩu tán tài sản, theo ông Nguyễn Văn Khải – Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố cho biết, vừa qua cơ quan này đã chỉ đạo LĐLĐ huyện Hóc Môn và một số quận, huyện giám sát chặt chẽ. Bên cạnh đó, LĐLĐ các quận, huyện có trách nhiệm cử cán bộ vận động tập thể công nhân bình tĩnh, chờ đợi sự can thiệp, bảo vệ quyền lợi của các cơ quan chức năng.
Ngoài việc “siết” các DN nợ đọng BHXH của người lao động, ông Trần Anh Tuấn kiến nghị, để hỗ trợ người lao động ổn định cuộc sống trong bối cảnh khó khăn chung, TP.HCM cần tập trung vào các giải pháp về an sinh xã hội; chăm lo đời sống công nhân lao động; hỗ trợ vốn, việc làm, bảo hiểm xã hội; thông tin thị trường lao động, gắn kết đào tạo và việc làm luôn được các ngành, các cấp, các đoàn thể chú trọng tăng cường, đảm bảo thúc đẩy thị trường lao động ổn định và phát triển. LÊ ANH
Nguồn: Báo Đại đoàn kết