Nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất thủy sản 
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, đã xuất hiện các “dấu hiệu” có thể dẫn đến nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất, xuất khẩu thủy sản. Do vậy, Chính phủ, địa phương cần có biện pháp khôi phục khẩn cấp…

Cơ sở để VASEP đưa ra nhận định này là bởi qua khảo sát, có tới trên 50% nhà máy chế biến cá tra tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long và nhà máy chế biến thủy sản ở phía đông TP. Hồ Chí Minh phải đóng cửa. Với những doanh nghiệp còn hoạt động, 100% nhận định phương án 3 tại chỗ chỉ là cầm cự, tạm thời duy trì sản xuất.

Cụ thể, phản ánh của các doanh nghiệp chế biến tôm tại Cà Mau, Sóc Trăng và Bạc Liêu cho thấy, không chỉ việc lưu thông hàng hóa, mua bán con giống, thu hoạch tôm gặp khó mà các nhà máy cũng phải giảm công suất chế biến tới 60 – 70%. Bên cạnh đó là việc thiếu hụt công nhân và chi phí sản xuất tăng cao. Ngoài ra, một số doanh nghiệp cho rằng, ngành tôm đã “trễ nhịp” so với cơ hội thị trường bởi từ tháng 9 đến cuối năm là thời điểm các nhà máy bước vào cao điểm thu mua nguyên liệu, chế biến và xuất khẩu nhưng với tình hình hiện nay, chắc chắn nguồn cung tôm sẽ bị đảo lộn, thiếu hụt cho tới cuối năm, thậm chí kéo dài sang năm 2022.

Với mặt hàng cá tra, tình trạng cũng tương tự khi hiện có tới 50% doanh nghiệp tại một số vùng trọng điểm phải đóng cửa hoặc giảm tối đa công suất khiến cá tra nuôi tại ao vượt kích cỡ. Theo ước tính, công suất hoạt động của toàn ngành chỉ đạt 10 – 20%. Ví dụ như tại Hậu Giang, hầu hết nhà máy thủy sản đã đóng cửa vì không đáp ứng được “3 tại chỗ” hoặc do thiếu công nhân, việc đi lại khó khăn, nhà máy chế biến nằm trong “vùng đỏ”… Một số nhà máy thời gian đầu cố gắng thực hiện duy trì sản xuất qua mô hình “ba tại chỗ” nhưng chỉ sau 1 tháng cũng phải tạm ngưng vì chi phí quá lớn.

Tương tự, tại các tỉnh như Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bà Rịa – Vũng Tàu, Kiên Giang, doanh nghiệp cũng đã phải giảm tối đa công suất chế biến, hoạt động cầm chừng. Nhiều doanh nghiệp cân nhắc phương án sẽ ngưng hoạt động hoàn toàn nếu trước ngày 15.9, tình hình dịch bệnh ở các địa phương chưa được ngăn chặn và các biện pháp giãn cách xã hội còn tiếp tục kéo dài.

Cần nhắc lại rằng, hồi đầu tháng 8, trong công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, VASEP cho biết, thực tế chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp thủy sản tại các tỉnh, thành phố phía Nam bảo đảm được điều kiện “3 tại chỗ” nhưng để duy trì được sản xuất cũng rất khó khăn vì chi phí tăng cao, số lượng lao động huy động được cũng chỉ ở mức 30 – 50%. Công suất sản xuất trung bình cũng giảm còn 40 – 50% so với trước đây dẫn đến công suất chung của cả vùng giảm ước chỉ còn 30 – 40%. Các loại vật tư, phụ liệu, bao bì… phục vụ chế biến thủy sản cũng bị thu hẹp, giảm công suất nguồn cung đến 50%. Các doanh nghiệp không đủ điều kiện thực hiện “3 tại chỗ” đã phải ngừng sản xuất cũng chịu thiệt hại nặng nề không kém.

Trước tình trạng này, VASEP kiến nghị Chính phủ ưu tiên tiêm vaccine người lao động tại các nhà máy chế biến thủy sản. Bộ Y tế hoàn thiện bộ quy tắc và tổ chức huấn luyện cho các tỉnh và doanh nghiệp thực hiện “y tế tại chỗ” và có hướng dẫn xử lý kịp thời với các doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” như khi phát hiện F0, chỉ khoanh vùng và cách ly khu vực có nguy cơ, phun khử khuẩn, xét nghiệm… Ngoài ra, VASEP cũng đề nghị hỗ trợ công nhân, người lao động gặp khó khăn và hỗ trợ doanh nghiệp giảm lãi suất vay ngân hàng, giảm 30% tiền điện ít nhất đến hết năm 2021…

Rõ ràng, những diễn biến phức tạp của dịch bệnh đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nói chung, của ngành thủy sản nói riêng, thậm chí nguy cơ đứt gãy sản xuất đã khá rõ, nếu như các cơ quan chức năng không có biện pháp kịp thời, hiệu quả.