Nguyên nhân nào làm bùng nổ FDI?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

– Ông lý giải như thế nào về sự bùng nổ luồng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam?

– Thu hút đầu tư nước ngoài đạt kỷ lục như vậy là thành tựu chung của nền kinh tế. Chúng ta đã có đường lối đổi mới và cải cách kinh tế rất phù hợp với nhu cầu phát triển.

Các nền kinh tế thành viên của WTO đều đánh giá cao về môi trường kinh doanh ở Việt Nam. Họ cho rằng, Việt Nam đến giờ có đủ điều kiện để các nhà đầu tư nước ngoài đến đầu tư kinh doanh, và đó là lý do chính để luồng vốn FDI bùng nổ vào Việt Nam trong năm 2007.

Ngoài ra, Việt Nam đã tạo lập một môi trường pháp lý rất thuận lợi. Tất cả các chuyên gia quốc tế mà tôi có dịp trao đổi đều đánh giá Luật Doanh nghiệp là rất tiên tiến, theo tiêu chuẩn của quốc tế. Bên cạnh đó là luật Đầu tư rất thông thoáng, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho cả doanh nghiệp nước ngoài và trong nước.

Vì vậy, các nhà đầu tư nước ngoài rất yên tâm đầu tư vào Việt Nam. Chúng ta đã tạo cho họ lòng tin về môi trường kinh doanh, lòng tin về sự phát triển của Việt Nam, và lòng tin về cơ chế chính sách của Việt Nam.

– Sau hơn 1 năm phân cấp cấp phép mạnh mẽ cho các địa phương, Bộ trưởng đánh giá như thế nào về việc này?

– Đây là động thái hết sức đúng đắn của chính phủ, phù hợp với xu hướng cải cách hành chính của chúng ta. Chúng ta không nên tập trung quá nhiều vào Trung ương, mà nên phân cấp về địa phương vì chính quyền ở đó sát dân và doanh nghiệp hơn, đồng thời họ biết lo lắng cụ thể những vấn đề cấp bách của địa phương mình.

Vì vậy, lãnh đạo địa phương có tránh nhiệm hơn trong thu hút đầu tư. Tạo cho họ tính chủ động và độc lập hơn trong việc thu hút đầu tư và họ đã làm tốt điều này, và mang lại kết quả như ngày hôm nay.

– Các địa phương, theo Bộ trưởng, cần rút ra kinh nghiệm gì trong thu hút đầu tư? Liệu có dự án nào cấp phép vượt rào không?

– Không có dự án nào được cấp phép vượt rào, chỉ có những dự án chuẩn bị chưa đầy đủ, Chúng tôi sẽ phải nhắc nhở chính quyền địa phương về vấn đề này. Đó là, họ cần chú ý đến vấn đề ô nhiễm môi trường và các luật pháp tham chiếu khác. Các dự án đầu tư cần làm sao cho hài hòa, đạt mục tiêu phát triển bền vững.

Tôi đặc biệt nhấn mạnh yếu tố phát triển bền vững, nên các địa phương căn cứ vào nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của mình để thu hút đầu tư đúng quy hoạch.

– Nhưng, như Bộ trưởng biết, hiện đang có làn sóng các dự án thép khổng lồ đổ vào Việt Nam? Ông có lo ngại chuyện này không?

– Đúng là hiện nay có luồng vốn các dự án thép rất lớn đang ồ ạt vào Việt Nam và chúng ta phải lựa chọn. Những địa điểm nào chưa nằm trong quy hoạch phát triển thì dứt khoát không được cấp phép vì ngành thép cần nhiều đất đai, và gây tác động lớn đến môi trường. Tôi đã yêu cầu các địa phương phải hết sức lựa chọn khi cấp phép cho các dự án này.

– Quan điểm của Bộ trưởng như thế nào về việc Thành phố Đà Nẵng mới đây đã từ chối cấp phép cho 2 dự án lớn vì lo ngại ô nghiễm môi trường?

– Tôi cho rằng, họ từ chối dự án thép là việc đúng đắn. Họ đã căn cứ vào quy hoạch phát triển của Thành phố Đà Nẵng – nơi có diện tích hẹp nhưng khả năng phát triển du lịch rất lớn. Đây là điều cần thiết.

– Liệu giải ngân FDI, với chỉ 4,6 tỷ USD so với 20,3 tỷ USD cam kết có thấp quá hay không?

– Tỷ lệ này không thấp. Các nhà đầu tư cam kết, rồi có bước triển khai khảo sát, thiết kế rồi mới xây dựng. Tất cả phải có lộ trình.

– Xin cảm ơn ông!

Nguồn: VTC NEWS