Nhà đầu tư nước ngoài đổ vốn lớn vào bất động sản
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Tại sao nhà đầu tư (NĐT) “ngoại” lại đua nhau đầu tư vào bất động sản (BĐS) và phải chăng luồng vốn khổng lồ trên sẽ giúp thị trường BĐS Việt Nam “cân bằng” hơn?

Vốn ngoại “đè bẹp” doanh nghiệp nội

Mặc cho các doanh nghiệp (DN) địa ốc hàng đầu tại Việt Nam hoãn các dự án mới, S.P Setia (Malaysia) để triển khai dự án khu đô thị dân cư EcoLakes Mỹ Phước (Bình Dương) 839 triệu USD .

Ông Teow Leong Seng – Giám đốc điều hành S.P Setia nói “ Thời điểm này là cơ hội tốt nhất để chúng tôi khẳng định vị trí tại Việt Nam”.

Vì sao là tốt nhất thì do nhiều lý do tế nhị các NĐT đều tránh né nhưng giám đốc đối ngoại của một DN địa ốc ví von: “Nhiều DN địa ốc Việt Nam đang “ốm nặng” và không còn sức chống đỡ với cạnh tranh từ bên ngoài. Giờ đây các NĐT nước ngoài thoải mái hơn rất nhiều trong việc chọn đối tác, vị trí đầu tư, thủ tục và nhất là nguồn vốn lớn để “đè bẹp” các NĐT trong nước.

Ông Lâm Văn Chúc, Tổng giám đốc Cty địa ốc Phúc Đức cho rằng lợi thế lớn nhất của DN BĐS nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam là nhiều vốn. Lợi thế ấy càng được nhân lên khi nhiều DN Việt Nam đã bị cắt nguồn vốn từ ngân hàng.

Tổng giám đốc một Cty đang xây dựng dự án tại khu Nam Sài Gòn cho biết “Cách đây 1 năm, một Cty nước ngoài xin góp vốn hoặc mua lại dự án với tổng số tiền hơn 40 triệu USD nhưng HĐQT không đồng ý , còn giờ đây chúng tôi muốn bán thì họ chỉ chịu bỏ ra 28 triệu USD!”.

Giám đốc điều hành của một DN Malaysia cũng thừa nhận mọi chuyện từ chọn địa điểm, xin giấy phép, lập thủ tục đầu tư… đều trở nên dễ dàng hơn với Cty ông từ khi thị trường BĐS Việt Nam sụt giảm bắt đầu vào tháng 3/2008. Ông này nói: “Hiện nay chúng tôi có lợi thế đàm phán hơn với phía Việt Nam vì nếu chúng tôi rút lui họ sẽ càng khó khăn hơn”.

Ông Trần Minh Văn, Giám đốc Cty tư vấn đầu tư Việt Đức (TP HCM) e ngại do các DN Việt Nam quá yếu thế, nền kinh tế lại cần có đầu tư nước ngoài nên dễ chấp nhận những điều kiện bất lợi. Ông Đức cho đó cũng là một trong những lý do chính khiến các NĐT BĐS nước ngoài xem đây là cơ hội tốt nhất để đổ vốn vào Việt Nam.

Ông Đức ví dụ: “Giám đốc một Cty BĐS của Việt Nam  nói với tôi cứ chấp nhận hết các điều kiện của đối tác ngoại, miễn sao có vốn để ngân hàng không siết nợ và phá sản”.

“Chiếm đất giữ chỗ”

Lý do lớn khác là các DN nưóc ngoài không muốn chậm chân vào lĩnh vực BĐS vì sợ “uống nước đục”. Ông Tan Hai Hsin, Giám đốc điều hành của tập đoàn Henry Butche (Malaysia) nói: “Hầu hết các tập đoàn bất động sản lớn trên thế giới đã đến Việt Nam thì không có lý do gì mà chúng tôi không vào đầu tư nếu không muốn chậm chân”.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM nhận định: “Một dự án BĐS ít nhất phải 4 năm mới hoàn tất và nếu đợi cho kinh tế hồi phục trở lại mới triển khai thì đã muộn”.

Giới BĐS luôn lấy việc tập đoàn Kumho (Hàn Quốc) kiên trì theo đuổi dự án Kumho Plaza (Q.1 TPHCM) cả những lúc “tưởng chừng như tuyệt vọng” để nay sắp hoàn tất 3 cao ốc ở khu đất đẹp nhất TPHCM tại tứ giác Lê Duẩn – Hai Bà Trưng – Nguyễn Du – Lê Văn Hưu (Q.1) làm dẫn chứng.

Các chuyên gia địa ốc còn khẳng định có dự án tổng vốn đăng ký hàng trăm triệu USD nhưng hiện tại các DN ngoại chỉ cần đổ vào chục triệu USD để “khởi động” dự án, sau đó tùy thời cơ họ có đợi đến lúc thị trưòng BĐS nóng lên, tìm đối tác chuyển nhượng hoặc đơn giản là “chiếm đất giữ chỗ”  như nhiều dự án trong thời gian qua.

Tuy nhiên, bên cạnh sự “hân hoan” với nguồn vốn lớn đổ vào BĐS thì cũng còn không ít ý kiến lo ngại. Chuyên gia kinh tế cao cấp Lê Đăng Doanh nhận định “ Đối với thị trường bất động sản (BĐS), FDI đổ vào nhiều chưa hẳn đã là một tín hiệu tốt. Nhiều dự án chỉ là  hành động “xí chỗ” của các nhà đầu tư nước ngoài”.

TS Lê Đăng Doanh còn e rằng vốn đổ quá nhiều vào BĐS mà không tạo ra nhiều việc làm hay lợi ích thiết thực cho xã hội như các dự án sân golf, khu nghỉ dưỡng cao cấp hay những căn hộ, biệt thự cao cấp sẽ tạo ra những hệ lụy về kinh tế – xã hội.

TS kinh tế Nguyễn Quang Hưng cảnh báo: “Nếu họ đăng ký vốn lớn và giải ngân ồ ạt thì sẽ tác động mạnh đến lạm phát, còn giải ngân trì trệ thì thị trường BĐS sẽ bị méo mó. Cả hai trường hợp này đều đặt ra cho cơ quan quản lý những vấn đề mà nếu không giải quyết hài hòa, coi chừng hàng chục tỷ USD trên chưa hẳn là điều đáng mừng”.

Hiệp hội BĐS TP HCM còn lo ngại khi DN BĐS nước ngoài quá chú trọng đến thị trường BĐS cao cấp còn nhà ở cho người thu nhập trung bình và thấp thì chưa thấy dự án nào khả thi.

Thời gian qua, những dự án của các DN Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan… xây dựng hàng chục ngàn căn hộ với giá dưới 500 triệu đồng/căn tại Q.7, Nhà Bè, Q.12, Hóc Môn, Gò Vấp… cũng mới chỉ dừng lại trên giấy! Mới đây một Cty của UAE cũng đã rút lui khỏi một dự án tái định cư tại Q.2 cũng là một tín hiệu cho thấy các NĐT ngoại không mặn mà với phân khúc này.

Nguồn: Báo Tiền phong điện tử