Nhà sở hữu Nhà nước: Chưa cải tạo, vẫn tăng giá thuê!
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Lương tăng, giá thuê nhà vẫn… y nguyên?!

Theo Bộ Xây dựng, từ năm 1992, nhằm xoá bỏ chế độ phân phối nhà ở, tạo cơ sở chuyển việc quản lý nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước sang phương thức kinh doanh – Chính phủ đã ban hành Quyết định 118/TTg đưa tiền nhà ở vào cơ cấu tiền lương (khoảng 8%) để đảm bảo cho cán bộ, công nhân viên chức có khả năng chi trả tiền nhà ở theo giá mới. Giá cho thuê nhà ở khi ấy phù hợp với mức lương tối thiểu tại thời điểm ban hành Quyết định 118 (kể trên).

Sau 15 năm, giá vật liệu xây dựng, giá nhân công tăng cao; lương tối thiểu (tính đến ngày 01/01/2008) đã tăng thêm 4,5 lần (từ 120.000 đồng/tháng năm 1992 lên 540.000 đồng/tháng) mà giá cho thuê nhà sở hữu Nhà nước “vẫn y nguyên”, chưa thay đổi! Bộ Xây dựng khẳng định điều này là bất hợp lý. Với mức giá cho thuê “15 năm không đổi” như hiện nay – không thể đủ kinh phí để duy trì công tác bảo trì, quản lý quỹ nhà ở này, càng không thể đáp ứng nhiệm vụ phát triển quỹ nhà này cả về chất lượng lẫn số lượng!

Chính phủ đến thời điểm này mới qui định cụ thể giá cho thuê các loại nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước là nhà ở công vụ, nhà ở xã hội, nhà ở đã được cải tạo, xây dựng lại. Giá cho thuê nhà ở chưa được cải tạo, xây dựng chưa có qui định – nhiều địa phương vẫn áp mức giá chuẩn cho thuê nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước (theo Quyết định 118/TTg ngày 27/11/1992 của Thủ tướng Chính phủ), ví dụ: nhà cấp 3  là 1.350 đồng/m2. Bộ Xây dựng cho rằng, so với mức tăng của tiền lương cơ bản – việc tiếp tục cho thuê với giá qui định tại Quyết định 118/TTg là không phù hợp và hoàn toàn cần thiết ban hành giá cho thuê mới.

Giảm giá cho thuê theo chất lượng nhà ở không quá 30%

Bộ Xây dựng nhận thấy, giá cho thuê nhà ở tại Quyết định 118/TTg mới chỉ tính đến cấp, hạng nhà ở mà chưa tính chất lượng còn lại của ngôi nhà. Thực tế hiện nay, quỹ nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước đang cho thuê này đã nhiều năm “buông lỏng” trong việc bảo trì, duy tu, sửa chữa, dẫn đến chất lượng hầu hết giảm sút. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, các quỹ nhà này chưa thể cùng một lúc cải tạo, xây lại được ngay, nhưng cũng không thể vì chưa cải tạo ngay được mà lại càng “buông lỏng”, mà bất tuân qui định!

Tỉ lệ tăng của tiền lương từ 1992 đến ngày 1/1/2008 là 4,5 lần mà giá cho thuê nhà thuộc sở hữu Nhà nước 15 năm nay vẫn không thay đổi?!

Vì vậy, ngoài việc tính đến cấp, hạng nhà ở, theo bộ này – giá cho thuê cần tính đến chất lượng nhà ở. Tuy nhiên, mức giảm này cũng không được quá thấp (quá 30%) nhằm đảm bảo kinh phí cho việc bảo trì thường xuyên ngôi nhà, chống xuống cấp tiếp. Đối với những nhà ở có chất lượng giảm sút dưới 70%, cần có biện pháp cải tạo hoặc xây dựng lại. Giá cho thuê các ngôi nhà “xuống cấp trầm trọng” này tính theo giá nhà ở xã hội.

Cũng theo đề xuất của Bộ Xây dựng, từng đối tượng chính sách cụ thể sẽ được hưởng các mức miễn, giảm tiền nhà tương ứng khác nhau khi thuê nhà ở chưa được cải tạo thuộc sở hữu Nhà nước. Ngoài ra, một số đối tượng khác như: người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học, thương binh loại B… (được qui định tại Pháp lệnh “ưu đãi người có công với cách mạng” năm 2005) và người neo đơn, không nơi nương tựa cũng được miễn, giảm khoản tiền thuê nhà này.

Cũng có ý kiến cho rằng, việc qui định mức tăng giá thuê nhà không nên chỉ dựa trên tỉ lệ mức tăng tiền lương mà còn phải tính đến các yếu tố khác, như: giá đất, giá cho thuê nhà ở trên thị trường… Về vấn đề này, Bộ Xây dựng nhận định: Theo kinh nghiệm nhiều nước, tỉ lệ tiền nhà trong cơ cấu tiền lương phải chiếm khoảng 25-30%, trong khi đó với tỉ lệ chỉ khoảng 8% tiền nhà ở trong tiền lương như hiện nay tại nước ta thì việc tính thêm các yếu tố khác như giá đất, giá thuê nhà ở trên thị trường là không khả thi. Nhất là khi, phần lớn người đang thuê nhà đều thuộc tầng lớp lao động có đời sống khó khăn. Lúc này, chỉ nên điều chỉnh giá cho thuê nhà ở lấy cơ sở mức tăng tiền lương cơ bản là phù hợp.

Theo VNN