Nhận diện động lực tăng trưởng của doanh nghiệp
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Ổn định kinh tế vĩ mô, ý chí bền bỉ, cùng thúc đẩy sức mua thị trường nội địa sẽ là những động lực tăng trưởng của doanh nghiệp trong năm 2021.

Tập trung thị trường nội địa

Chia sẻ tại Diễn đàn Kịch bản kinh tế Việt Nam thường niên 2021, do Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức đầu tuần này, ông Nguyễn Xuân Thành, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, trước một cuộc khủng hoảng toàn cầu có tác động lớn tới Việt Nam, nhưng ổn định kinh tế vĩ mô trong nước vẫn được giữ vững. Ổn định vĩ mô là yếu tố quan trọng để kinh tế phục hồi trong năm 2021.

Động lực tăng trưởng cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2021 được dự đoán đến từ phục hồi sức mua thị trường nội địa, đầu tư tư nhân và xuất khẩu sang các thị trường mà năm 2020 chưa ghi nhận tăng trưởng cao là EU và ASEAN.

Phục hồi sức mua thị trường nội địa cùng nỗ lực của doanh nghiệp là yếu tố quan trọng nhất, quyết định thành công của Việt Nam trong việc giữ được tăng trưởng dương.

“Ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì mặt bằng lãi suất thấp, tiếp tục đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng và chủ động đàm phán với các đối tác thương mại lớn cần phải là ưu tiên chính sách trong năm nay để hỗ trợ tăng trưởng, trong bối cảnh Việt Nam vẫn phải kiểm soát chặt hoạt động đi lại quốc tế”, ông Thành nói.

Nhưng, ông Thành cũng đưa ra 2 bất trắc trong năm 2021 là kinh tế vẫn xáo trộn, đứt gãy chuỗi cung ứng khi Covid-19 chưa được kiểm soát, chậm trễ trong phân phối vắc-xin và căng thẳng thương mại quốc tế đa phương, song phương vẫn không dễ hoá giải trong 2021, thậm chí vẫn tiếp diễn căng thẳng hơn. Thêm vào đó, áp lực nợ gia tăng dẫn đến căng thẳng tài chính khi mà các gói tài khóa vẫn liên tiếp được đưa ra.

Đối với một quốc gia có độ mở của nền kinh tế lên đến hơn 200% GDP như Việt Nam, xuất khẩu được cũng dựa vào nhập khẩu nguyên vật liệu, bởi vậy, theo ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, đứt gãy chuỗi cung ứng sẽ là yếu tố rủi ro hàng đầu đối với kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

“Ngoài ra, căng thẳng Mỹ – Trung cũng là yếu tố ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021. Nếu không xử lý tốt câu chuyện doanh nghiệp nước ngoài mượn danh hàng Việt để xuất khẩu thì nền kinh tế sẽ chịu rủi ro lớn”, ông Nguyễn Bích Lâm nói và đặt kỳ vọng, sức mua từ thị trường nội địa có thể trở thành động lực tăng trưởng cho nền kinh tế.

Đồng quan điểm, ông Đặng Hoàng Hải Anh, chuyên gia kinh tế cấp cao của Ngân hàng Thế giới tại Mỹ lý giải, trước khi đại dịch xảy ra, đã có nhiều quốc gia trên thế giới liên tục nhấn mạnh tầm quan trọng của tốc độ tăng trưởng kinh tế dựa trên sức mua nội địa.

Theo ông Hải Anh, người châu Á thường có thói quen tiết kiệm và hiện có luồng vốn lớn trong dân. Thị trường nội địa cũng dễ kiểm soát hơn, thay vì bị động như ở thị trường nhập khẩu. Ví dụ, mặt hàng may mặc, da giày vốn là thế mạnh của doanh nghiệp nội giảm mạnh vì phụ thuộc xuất khẩu.

“Vì vậy, chúng ta phải tập trung hơn nữa, kéo sức mua nội địa. Chính phủ cùng doanh nghiệp phải cùng ngồi lại, nghĩ ra nhiều giải pháp hơn nữa thúc đẩy khối tư nhân và tiêu dùng trong nước”, ông Đặng Hoàng Hải Anh phát biểu.

 

Doanh nghiệp tiếp tục nỗ lực bền bỉ

Nếu ổn định vĩ mô là yếu tố quan trọng để kinh tế phục hồi trong năm 2021 và cũng là nội lực của nền kinh tế Việt Nam trong năm vừa qua, thì nỗ lực bền bỉ của doanh nghiệp được đánh giá là yếu tố quan trọng nhất, quyết định thành công của Việt Nam trong việc giữ được tăng trưởng dương trong năm 2020, bên cạnh yếu tố kiểm soát tốt sự lây lan của đại dịch Covid-19.

“Qua khảo sát của Tổng cục Thống kê năm 2020 về tác động của Covid-19 cho thấy, các doanh nghiệp đã rất nỗ lực chia sẻ khó khăn để hợp tác vươn lên, từ đó đóng góp lớn cho xuất khẩu”, ông Nguyễn Bích Lâm nhìn nhận.

Xuất khẩu là điểm sáng của Việt Nam trong năm 2020 và đây là phần kết quả nỗ lực bền bỉ của cộng đồng doanh nghiệp. Theo ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước), ý chí bền bỉ của doanh nghiệp là gốc cho tăng trưởng xuất khẩu.

Qua theo dõi hệ thống ngân hàng, các chuyên gia đã từng lo lắng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế giảm từ tháng 2/2020. Sau đó, dù Ngân hàng Nhà nước đã liên tiếp hạ lãi suất, nhưng tín dụng 7 tháng đầu năm chỉ tăng gần 4%. Nhưng, tình hình bắt đầu khởi sắc từ tháng 8 trước khi tăng nhanh vào tháng 11 và tháng 12. Để kết thúc năm 2020, tín dụng tăng trưởng hơn 12%.

Ngoài ý chí của doanh nghiệp, cũng cần nhìn đến nỗ lực giải ngân đầu tư công của Chính phủ giúp tăng trưởng kinh tế. Theo tính toán, 1 đồng đầu tư công có thể lan toả tới thu hút đầu tư tư nhân 4,2 đồng.

“Yếu tố đầu tiên để giúp Việt Nam tăng trưởng dương năm 2020 là đầu tư của Chính phủ. Chính phủ hỗ trợ trực tiếp cho người tiêu dùng, tạo ra việc làm cho người lao động. Sau đó là sức bền bỉ của doanh nghiệp, góp phần tăng xuất khẩu. Ý chí của doanh nghiệp mới quan trọng, vì tăng trưởng xuất khẩu một phần nhờ có độ trễ của các hợp đồng đã ký trước đó. Từ bây giờ trở đi mới là lúc đáng lo”, PGS-TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Viện trưởng Viện Công nghệ tài chính (Đại học Kinh tế TP.HCM) nói. Lê khánh lâm Phó tổng giám đốc RSM Việt Nam