Nhận diện vốn đầu tư phát triển và hiệu quả đầu tư
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Vốn đầu tư phát triển không chỉ là yếu tố vật chất trực tiếp quyết định tốc độ tăng trưởng kinh tế. Vai trò to lớn này cần được nhận diện trên nhiều mặt.

Vốn đầu tư là yếu tố vật chất trực tiếp quyết định tốc độ tăng trưởng kinh tế

Vốn đầu tư – yếu tố quyết định tăng trưởng

Vốn đầu tư là yếu tố vật chất trực tiếp quyết định tốc độ tăng trưởng kinh tế. Về cơ bản, những thời kỳ có tỷ lệ vốn đầu tư phát triển toàn xã hội/GDP cao hơn, thì tốc độ tăng trưởng GDP cũng cao hơn.

Để có lượng vốn đầu tư phát triển, vấn đề đặt ra là lấy nguồn từ đâu?

Thứ nhất, xét theo tích lũy trong nước hay vay nước ngoài. Tích lũy trong nước cao là nguồn để đầu tư. Nếu vốn đầu tư ngang bằng với tích lũy trong nước, thì cần phát huy vai trò của tích lũy, đồng thời không gây ra những hiệu ứng phụ tiêu cực. Nếu vốn đầu tư luôn lớn hơn tích lũy, thì phải vay nợ nước ngoài. Nếu hiệu quả đầu tư thấp, ngân sách liên tục bội chi, thì sẽ dẫn đến những hiệu ứng phụ.

Thứ hai, xét theo loại hình kinh tế hình thành, từ khu vực nhà nước, khu vực ngoài nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

Nguồn vốn đầu tư từ khu vực nhà nước góp phần chủ yếu hình thành các công trình trọng điểm của đất nước; đầu tư vào các công trình thuộc ngành, lĩnh vực mà các nguồn khác không được hoặc không muốn đầu tư vì tỷ suất lợi nhuận thấp, thời gian thu hồi vốn dài hoặc không thu hồi được vốn; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở những ngành, những vùng, những lĩnh vực theo định hướng phát triển chung; là nguồn vốn “mồi” để thu hút vốn từ các nguồn khác…

Nguồn vốn đầu tư của dân cư và tư nhân có vai trò quan trọng trong kinh tế thị trường. Nguồn vốn này ngày càng chiếm tỷ trọng cao hơn so với tỷ trọng bình quân năm của các thời kỳ trước và đã sớm chiếm tỷ trọng lớn nhất trong 3 nguồn. Đây là một trong những yếu tố quan trọng góp phần làm cho loại hình kinh tế ngoài nhà nước nói chung và tư nhân nói riêng trở thành động lực của nền kinh tế.

Tỷ trọng nguồn vốn đầu tư nước ngoài năm 2020 tuy thấp hơn 5 năm trước, nhưng đó là tỷ trọng cao (ước năm 2020 là 21,4%, thấp hơn 4 năm trước, nhưng bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 22,92%, cao hơn tỷ trọng 22,6% của thời kỳ 2011-2015). Nếu kể cả các nguồn vốn nước ngoài khác (như vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA, vốn đầu tư gián tiếp…), thì tỷ trọng còn lớn hơn (ước tính chiếm khoảng 1/3 tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội).

Hiệu quả đầu tư

Tăng vốn đầu tư là rất quan trọng, nhưng đó là mô hình tăng trưởng về số lượng, về chiều rộng, bị giới hạn về nguồn và dễ gây ra những hiệu ứng phụ về kinh tế vĩ mô như lạm phát, bội chi ngân sách, nợ xấu, nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài… Do vậy, nâng cao hiệu quả đầu tư là vấn đề lớn nhất để đạt kết quả kép: sử dụng ít vốn đầu tư hơn, nhưng đóng góp nhiều hơn cho GDP, vừa không bị giới hạn về nguồn, vừa không gây ra hiệu ứng phụ, đồng thời chuyển sang mô hình tăng trưởng chất lượng, phát triển theo chiều sâu…

Thước đo hiệu quả đầu tư là hệ số ICOR. ICOR phản ánh, để tăng 1 đồng GDP theo giá so sánh thì cần phải đầu tư bao nhiêu đồng vốn đầu tư phát triển. ICOR thấp chứng tỏ hiệu quả đầu tư cao, ICOR cao chứng tỏ hiệu quả đầu tư thấp, ICOR giảm chứng tỏ hiệu quả đầu tư tăng, ICOR tăng chứng tỏ hiệu quả đầu tư giảm.

So sánh với các nước trong khu vực, nếu ICOR của Việt Nam bình quân giai đoạn 2001-2005 (là 4,88) thấp hơn Indonesia (5,31), Philippines (5,70), Ấn Độ (4,92), thì bình quân giai đoạn 2011-2013 (6,99) cao hơn Indonesia (4,64), Philippines (4,10).

Hiệu quả đầu tư của khu vực ngoài nhà nước thường cao do đầu tư của khu vực này thường được tiết kiệm, ít lãng phí, thất thoát và nhanh chóng xây dựng, đưa vào sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, do quy mô nhỏ, hiệu quả kinh doanh thấp, nên tỷ suất lợi nhuận thấp.

Hiệu quả đầu tư của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài cao hơn mức chung, một phần do khu vực này có ưu thế về vốn, có kỹ thuật – công nghệ cao hơn 2 khu vực kia.