Nhận định về kinh tế Việt Nam 2012, PGS-TS Trần Đình Thiên: Phải tạo bước ngoặt để khôi phục lòng tin
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Với dự báo triển vọng u ám của nền kinh tế thế giới năm 2012, do độ mở cửa cao, nền kinh tế Việt Nam chắc chắn sẽ chịu tác động tiêu cực mạnh. PV đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Trần Đình Thiên về vấn đề này.

Định vị và lựa chọn mục tiêu

Ông nhận định như thế nào về triển vọng kinh tế Việt Nam 2012?

– Tôi cho rằng, việc xây dựng kịch bản kinh tế năm 2012 của Việt Nam dựa trên 3 căn cứ: Triển vọng kinh tế thế giới trong năm tới và mức độ tác động đến Việt Nam; thực trạng xuất phát của nền kinh tế Việt Nam khi bước vào năm 2012 và từ đó định vị năm 2012 trong quan hệ với các nhiệm vụ phải giải quyết trong trung hạn. Việt Nam bên thềm năm mới 2012 vẫn chưa vượt qua xu hướng suy giảm tốc độ tăng trưởng, lạm phát cao, thâm hụt thương mại vẫn chưa có dấu hiệu được chặn lại một cách chắc chắn.

Vậy theo ông nhiệm vụ chính của nền kinh tế năm tới là gì?

– Theo tôi, năm 2012 Việt Nam vẫn phải tiếp tục duy trì nhiệm vụ khôi phục ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát và phục hồi tăng trưởng. Năm 2012 là năm đặc biệt vì theo đánh giá của cá nhân tôi, đây là năm nền kinh tế lâm vào tình thế khó khăn nghiêm trọng, cũng là năm nền kinh tế phải tạo bước ngoặt để xoay chuyển tình hình – ổn định vững chắc tình hình (không để lạm phát “khứ hồi”) để khôi phục lòng tin, hạ thấp lạm phát đến mức giúp các DN không lún sâu hơn vào tình trạng đóng cửa và phá sản. Bên cạnh đó, năm 2012 còn một điểm nhấn đặc biệt khác, đó là phải tiến hành tái cấu trúc nền kinh tế với các hành động thực tế mang tính chiến lược để thay đổi mô hình tăng trưởng.

Mục tiêu tăng trưởng ở mức ít tham vọng nhất

Nhiệm vụ ưu tiên của nền kinh tế là mục tiêu tái cấu trúc hay mục tiêu tăng trưởng, thưa ông?

– Tôi cho rằng, ngay từ bây giờ, cần quán triệt tư duy “đánh đổi” khi cân nhắc mức độ ưu tiên giữa mục tiêu ổn định – cải cách và mục tiêu tăng trưởng trên quan điểm lợi ích phát triển dài hạn. Thực tiễn nhiều năm cho thấy để đưa nền kinh tế thoát ra khỏi tình trạng khó khăn hiện nay, không thể không ưu tiên cho nhiệm vụ tái cơ cấu với mục tiêu là làm cho việc thay đổi mô hình tăng trưởng thực sự diễn ra. Nhưng để quá trình tái cơ cấu có thể diễn ra, cần ổn định nền kinh tế để tái lập lòng tin thị trường, lòng tin xã hội. Đây phải là hai mục tiêu – nhiệm vụ ưu tiên cao nhất.

Tương ứng, mục tiêu tăng trưởng đương nhiên không phải là mục tiêu ưu tiên – nhưng không phải là “không ưu tiên” ở cấp độ “thông thường” như mấy năm nay mà phải là “không ưu tiên” với lập trường kiên định. Nhấn mạnh điều này vì thực tế mấy năm gần đây diễn ra một tình trạng nghịch lý: Mục tiêu ưu tiên (kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô, tái cơ cấu) thì thường khó (hay không) đạt, còn mục tiêu không ưu tiên (tốc độ tăng trưởng GDP) thì đạt được tương đối dễ dàng. Theo logic đó, để xoay chuyển thực tiễn thì điều đầu tiên là phải “đổi mới tư duy”, phải biết đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng ở mức ít tham vọng nhất, ít cần được quan tâm nhất, tức là với sự tự giác cao nhất.

Tái cơ cấu là nhiệm vụ chính

Vậy theo ông, giải pháp chính cho nền kinh tế 2012 là gì?

– Với bối cảnh chung của kinh tế Việt Nam 2012 được dự báo sẽ khó khăn nhiều so với năm 2011 vì vậy cần có một kịch bản hành động mạnh, rõ ràng, theo đúng tinh thần tái cơ cấu là nhiệm vụ chính của 2012, coi tái cơ cấu cũng là cách tiếp cận chủ đạo của kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô, phục hồi các cơ sở cho quá trình tăng trưởng mới. Giải pháp tái cơ cấu phải được coi là trục giải pháp chính của ổn định hóa và khôi phục tăng trưởng, tập trung vào 3 lĩnh vực: Đầu tư công, hệ thống NHTM, khu vực DNNN; các giải pháp chính sách tiền tệ mang tính hỗ trợ. Tôi cho rằng, năm 2012, nên đặt mục tiêu giảm lạm phát xuống 6-7%. Không nên quá chú trọng tốc độ tăng trưởng GDP, có thể chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 3-4%, cùng lắm là 5%.

Ngoài ra, cần kiên quyết giảm thu ngân sách – xuống 22-23% GDP, trên cơ sở đó, thực sự giảm chi ngân sách, giảm đầu tư công, kéo mức thâm hụt ngân sách xuống 4% GDP. Tuy nhiên, muốn đạt được các mục tiêu trên thì phải dám dùng những biện pháp mạnh lấy độc trị độc, chấp nhận nền kinh tế chịu trả giá, chịu đau mới xoay chuyển căn bản tình hình, không thể trông chờ vào các giải pháp mang tính chữa cháy.

Phạm Huệ ghi