Nhật Bản sẽ hợp tác nông nghiệp với ĐBSCL
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Việc ký kết này được thực hiện trong khuôn khổ chuyến khảo sát về nông nghiệp tại ĐBSCL do Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI) và Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản phối hợp tổ chức, với sự tham gia của 28 tổ chức, doanh nghiệp Nhật Bản, đang diễn ra từ ngày 20-4 đến 24-4.

Đoàn khảo sát thực hiện tìm hiểu một số doanh nghiệp, mô hình sản xuất tại các tỉnh Hậu Giang, Đồng Tháp, TP Cần Thơ.

Trong chuyến khảo sát này, JCCI đã tập họp nhóm khảo sát môi trường đầu tư gồm đại diện các tập đoàn đầu tư, thương mại, phân phối và phát triển hạ tầng đa ngành; các đơn vị tư vấn tổng hợp; công nghệ thông tin; một số tổ chức tài chính và các doanh nghiệp chế biến lương thực, thủy hải sản…

Tại hội thảo chủ đề “Môi trường đầu tư và tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp giữa Nhật Bản và khu vực ĐBSCL” nằm trong khuôn khổ đợt khảo sát nêu trên tổ chức ngày 21-4 tại Cần Thơ, Chủ tịch Ủy ban hợp tác kinh tế Mekong – Nhật Bản (thuộc JCCI), ông K. Watanabe nhấn mạnh đến việc các doanh nghiệp Nhật Bản đã chọn điểm đến là vùng ĐBSCL, thể hiện sự quan tâm của các doanh nghiệp này vào lĩnh vực đầu tư nông nghiệp ở Việt Nam.

Theo ông Watanabe, người đồng thời là trưởng đoàn khảo sát, ĐBSCL đã và đang giữ vai trò quan trọng trong việc cung cấp lương thực cho cả khu vực châu Á. Nhu cầu lương thực của châu lục này sẽ tăng mạnh từ khoảng 82.000 tỷ yen trong năm 2009 lên 220.000 tỉ yen vào năm 2020. Do vậy đây là một trong những thị trường rất lớn và đầy tiềm năng.

Tuy nhiên, điều quan trọng là ĐBSCL có nắm bắt được cơ hội để đáp ứng nhu cầu lương thực cho thị trường rất lớn này trong tương lai hay không. Ông Kohei Watanabe cho rằng, việc hợp tác trên lĩnh vực nông nghiệp giữa các doanh nghiệp Nhật Bản và ĐBSCL trong tương lai chắc chắn sẽ làm tăng giá trị trong chuỗi sản phẩm ngành lương thực…

Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho rằng đầu tư nước ngoài còn rất hạn chế trong lĩnh vực nông nghiệp. Ông dẫn chứng, cả nước hiện có khoảng 16.300 dự án đầu tư nước ngoài thì lĩnh vực nông nghiệp chỉ có hơn 500 dự án, trong đó giá trị đầu tư lần lượt là 230 tỷ đô la Mỹ và 3,36 tỷ đô la Mỹ.

Riêng ĐBSCL, theo thống kê có gần 850 dự án đầu tư nước ngoài với giá trị gần 11,2 tỷ đô la Mỹ, trong số này chỉ có 91 dự án thuộc về các nhà đầu tư Nhật Bản, trong đó cũng chỉ có 6 dự án đầu tư lĩnh vực nông nghiệp với giá trị khoảng 39 triệu đô la Mỹ.

Theo Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, ông Nguyễn Phong Quang, ĐBSCL có tiềm năng lớn về nông nghiệp, nhưng hạ tầng giao thông-thủy lợi chưa đáp ứng nhu cầu khai thác phát triển; giá trị nông sản hiện tại còn ở mức thấp so với tiềm năng… Do vậy, cần có sự hợp tác đầu tư từ nhiều phía để gia tăng hiệu quả khai thác các nguồn tài nguyên.

Trước tiên, theo Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng, cần tổ chức liên kết đào tạo đội ngũ công nhân lành nghề, có trình độ chuyên môn cao, phù hợp với yêu cầu làm việc tại các doanh nghiệp Nhật Bản.

Ông Đoàn Xuân Hưng – Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản, nhận định mối quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Nhật Bản đang phát triển mạnh mẽ và chưa bao giờ có sự gắn bó tốt đẹp như lúc này. Chuyến khảo sát lần này sẽ mở ra thời kỳ mới với nhiều cơ hội hợp tác đầu tư giữa JCCI và khu vực ĐBSCL trong phát triển kinh tế ngành nông nghiệp.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online