Nhiều cảnh báo khi đầu tư ngoài ngành
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Còn nhớ từ giữa năm 2008, khi xảy ra bong bóng chứng khoán, bất động sản, nhiều chuyên gia kinh tế đã lên tiếng thể hiện sự lo lắng việc các DNNN lớn đầu tư vào những lĩnh vực này. Bởi lúc đó không ít các đại gia chuyên ngành còn lỗ, huống chi các doanh nghiệp chen ngang. Thời điểm đó nhiều tập đoàn xin thành lập ngân hàng, như Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Điện lực, Tập đoàn Dệt may… Bộ Tài chính khi đó đã công bố tổng vốn của một loạt DNNN lớn đã đầu tư ngoài ngành vào tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, lên đến 7.370 tỷ đồng, chiếm 2,16% vốn chủ sở hữu. Trong đó 19 tập đoàn đã góp 4.400 tỷ đồng thành lập các ngân hàng mới.

Do vậy, điểm dễ nhận thấy là tỷ lệ đầu tư ngoài ngành tối đa 30% tổng vốn đầu tư được nhiều DNNN cũng như chuyên gia kinh tế đánh giá khá rộng cửa. Với những doanh nghiệp có vốn thấp, thì tỷ lệ 30% này có lượng vốn tuyệt đối không lớn. Nhưng giả sử doanh nghiệp có vốn lớn 100.000 tỷ đồng, thì 30% tức là 30.000 tỷ đồng lại không hề nhỏ. Quan điểm nhiều tập đoàn là cần có những hoạt động ngoài ngành để bổ trợ ngành chính. Hiện nhiều tập đoàn và DNNN đầu tư ngoài ngành chỉ khoảng trên dưới 10% tổng vốn đầu tư, nên dư địa để đầu tư tiếp. Tỷ lệ này ở Tập đoàn Dầu khí là khoảng 10%, Tập đoàn Điện lực là khoảng trên 7%…

Song, nguy cơ rủi ro nằm ở chỗ, tổng vốn đầu tư của doanh nghiệp được tính cả vốn vay. Nếu đầu tư 30% của cả số vốn vay thì lượng vốn được đầu tư ngoài ngành rất lớn. Bộ Tài chính đã từng công bố danh sách các thương hiệu lớn có hệ số nợ cao như Tổng công ty lắp máy Lilama, Tập đoàn công nghiệp Tàu thủy Vinashin, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông Cienco5, Tổng công ty Dâu tằm tơ, Tổng công ty Mía đường 2… Số vốn có thể đầu tư ngoài ngành sẽ rất lớn, nếu đầu tư hiệu quả thì không vấn đề gì, nhưng nếu đầu tư gặp rủi ro thì hậu quả khó lường, vì tiền đầu tư là tiền từ ngân sách và vốn vay. Nếu lồng ghép với việc thị trường chứng khoán đang giảm liên tục, rồi bất động sản đóng băng suốt thời gian dài qua, có ai dám chắc các DNNN đầu tư vào đó không thua lỗ?

Công bằng mà nói, một số lĩnh vực các tập đoàn đầu tư có hiệu quả, trong đó có thể kể đến đầu tư viễn thông của Tập đoàn Điện lực (EVN), đầu tư bảo hiểm của Tập đoàn dầu khí PVN… Tuy nhiên vị thế lớn của các đơn vị này tạo nên lợi thế cạnh tranh lớn khi đặt chân vào các lĩnh vực hoàn toàn mới. Với thực lực mạnh tiền mạnh gạo như thế, vô tình và cũng có thể cố ý, tạo sự cạnh tranh phức tạp, là sức ép cạnh tranh đối với các doanh nghiệp chuyên ngành. Nếu không yếu thế, các DN nhỏ có thể bị phát sản và kéo theo là nguy cơ thất nghiệp. Thêm nữa khi đầu tư ngoài ngành trong khi thiếu vốn cho ngành chính, các DNNN lớn sẽ chỉ lo cho lợi ích của riêng mình, mà không tính đến chiến lược ngành như ngành chính. Điều này có thể dẫn đến sự xáo trộn của ngành.

Cho nên vấn đề quan trọng nhất là kiểm soát được tính khả thi của các dự án đầu tư ngoài ngành. Theo kế hoạch thì trong tháng 3 tới, UBTVQH sẽ tiến hành giám sát các tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước, trong đó sẽ giám sát vấn đề đầu tư ra ngoài ngành, hiệu quả đầu tư đó ra sao. Đây là dư luận rất quan tâm, từ đó làm cơ sở đánh giá đầu tư ngoài ngành của DNNN hiệu quả hay không hiệu quả, vấn đề đó có bị làm sai hay không. Điều này càng khẳng định, rộng cửa đầu tư ngoài ngành nhưng còn nhiều điều  đáng lo.

Nguồn: Báo Điện tử Người Đại biểu Nhân dân