Nhiều DN còn thờ ơ với an toàn và sức khỏe người lao động
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo số liệu của Cục An toàn Lao động (Bộ Lao động – thương binh và xã hội), trong 6 tháng đầu năm 2007 đã xảy ra 2.996 vụ tai nạn lao động làm 224 người bị chết, 457 người bị thương nặng. Về nguyên nhân dẫn tới tai nạn, chủ yếu là do không có quy trình hoặc công nhân không tuân thủ quy trình an toàn lao động. Tỷ lệ này chiếm tới 45,7%. Các nguyên nhân khác như: điều kiện làm việc, thiết bị không an toàn; không có hoặc không sử dụng trang bị bảo hộ lao động, trang bị bảo hộ lao động không đảm bảo an toàn; người lao động chưa được huấn luyện kỹ thuật an toàn hoặc huấn luyện chưa đầy đủ theo quy định…

Theo các chuyên gia, tỷ lệ thương vong nói trên có thể giảm thiểu nếu các DN áp dụng hệ thống quản lý an toàn và sức khoẻ nghề nghiệp (OHSAS). Hệ thống này xác định các quá trình để cải tiến thường xuyên các hoạt động về an toàn và sức khoẻ và phù hợp với các yêu cầu luật pháp. Các công ty liên doanh, công ty có vốn nước ngoài thường áp dụng hệ thống này như là điều kiện bắt buộc từ các công ty mẹ. Một số công ty điển hình như công ty Vedan, Crown, Nhà máy nước Bình An,…

Các công ty Việt Nam vẫn đang chật vật với hệ thống quản lý chất lượng và chưa đủ nguồn lực để thực hiện hệ thống này. Số lượng công ty Việt Nam đạt giấy chứng nhận OHSAS hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tuy nhiên, một số DN xuất hàng sang Mỹ phải áp dụng hệ thống trách nhiệm xã hội theo SA 8000. Hai hệ thống này có những điểm tương đồng và phần nào nâng cao ý thức của DN trong việc thực hiện các quy định về an toàn và sức khoẻ nghề nghiệp.

Trung tâm an toàn và sức khoẻ nghề ghiệp của Nhật Bản đã nghiên cứu và kết luận về mối quan hệ giữa an toàn, sức khoẻ nghề nghiệp với năng suất. Tỷ lệ tai nạn đã giảm từ 7,25 (1972) xuống còn 3,59 trong năm 1980 trong khi đó năng suất công nghiệp tăng lên 1,4 lần. Tỷ lệ tai nạn đã giảm từ 3,23 năm 1981 xuống còn 1,75 trong năm 1998 trong khi đó năng suất công nghiệp tăng lên 1,5 lần. Điều đó cho thấy tỷ lệ tai nạn giảm đã góp phần thúc đẩy năng suất công nghiệp gia tăng.

Ông Nguyễn Đào Duy Tài, Trung tâm kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 phân tích, phần lớn các tai nạn và sự cố đáng tiếc tập trung vào sai lỗi do không có quy trình đảm bảo an toàn cũng như sức khoẻ. Do vậy cần có giải pháp thiết thực để giảm thiểu sự cố, tai nạn nhằm giúp DN phát triển bền vững và hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Để làm được điều này các cơ quan chức năng cần phổ biến rộng rãi hệ thống an toàn và sức khoẻ nghề nghiệp cho các DN và có cơ chế hỗ trợ DN. Về phía DN cần thay đổi quan điểm về an toàn và sức khoẻ nghề nghiệp. An toàn phải được đặt lên hàng đầu trong mỗi hoạt động của doanh nghiệp. Áp dụng từng bước hệ thống OHS, bắt đầu từ những bước đơn giản như 5S, Kaizen về an toàn và sức khoẻ, phân tích các mối nguy về an toàn sức khoẻ và áp dụng sau đó tiến đến các bước phức tạp hơn như soạn thảo các thủ tục về an toàn sức khoẻ và áp dụng. Khi đó DN đã giảm rủi ro, đồng thời lại đáp ứng được yêu cầu của pháp luật.

Theo Báo Hà Nội mới